“Bánh đúc… không xương”
Đã từng về nhà bà (SN 1970), trú xóm 1, nông trường xí nghiệp chè Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhưng sau nhiều năm quay lại chúng tôi vẫn không thể nhớ con đường vào. Bởi vì ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình nằm sâu trong khu đồi rộng hàng nghìn mét vuông.
Bà Hoa vẫn như trước đây, dáng hình gầy gò, khắc khổ, đôi mắt dần mờ vì bệnh sụp mí. Thậm chí, do cuộc sống vất vả, nhìn bà còn già hơn so với độ tuổi, dù mái tóc vẫn còn đen nhánh.
Bà Hoa sinh ra ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, một nơi vô cùng nghèo khổ. Ít học, lớn lên đã bán sức lao động kiếm sống, nên bà nghĩ rằng sẽ ở vậy cả đời.
Năm 2006, bà được một người thân mai mối cho ông Trần Văn Đức (SN 1955, xã Thanh Mai). Vợ ông Đức đã mất cách đây nhiều năm, một mình ông tần tảo nuôi 8 người con. Cuộc sống khó khăn, dù ông đã cố gắng hết mình nhưng những đứa con vẫn không có một bữa no. Ông muốn tìm một người phụ nữ về để chia sẻ gánh nặng với mình.
“Ngày tôi quyết định gắn bó với cha con ông Đức, có nhiều lời bàn ra tán vào. Mọi người bảo đã ở cái tuổi 30 rồi thì ở vậy nuôi thân cho sướng, việc gì phải cực khổ mà nuôi con người khác. Nhưng tôi thương ông Đức một mình gà trống nuôi con, thương cho người con út mới mấy tuổi đã vắng bóng hơi mẹ”, bà Hoa kể.
Ngay sau ngày cưới là những tháng ngày quần quật làm việc của người mẹ kế để cùng chồng nuôi các con ăn học. Thương cảnh nghèo khó, túng quẫn, người thân cho hai vợ chồng mượn một mảnh đất ở nông trường chè Thanh Mai để có kế sinh nhai.
“Ngày tôi về đây, một cây rau trong vườn cũng không có. Nhà 10 miệng ăn, gạo không, rau không… tôi phải chạy sang hàng xóm vay ăn từng bữa để các con không phải nhịn đói”, bà Hoa kể.
Trong 8 người con riêng của chồng, cô con gái đầu bị tật bẩm sinh. Vì vậy, sau khi sinh được người con trai riêng, bà Hoa quyết định đình sản để toàn tâm chăm lo cho các con. “Một phần tôi cũng đã lớn tuổi nên cũng không muốn sinh đẻ nữa. Phần khác trong nhà đã có nhiều người, các con còn nhỏ chưa giúp được gì, nên tôi muốn dồn sức làm việc”, bà Hoa nói.
Trước tình cảm của người mẹ kế, các người con riêng của bà cũng vô cùng quý trọng. Chưa bao giờ trong nhà vang lên tiếng cãi vã giữa mẹ con. Vì vậy, dù nghèo khó nhưng bà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc.
Từ chỗ chỉ có một túp lều tranh, gia đình bà Hoa đã làm được nhỏ cho mọi người có chỗ chui ra chui vào. Dù còn khó khăn nhưng với những nỗ lực cuộc sống cũng được coi là tạm ổn và tràn ngập tình yêu thương.
Nói về người mẹ kế, chị Trần Thị Thịnh (SN 1988, con gái riêng thứ 5) cho hay: "Ngay từ khi mẹ Hoa về nhà, chúng tôi đều vô cùng kính trọng. Một tay mẹ chăm lo miếng ăn cho chị em chúng tôi. Nhất là khi lấy chồng, sinh con, tôi càng hiểu hơn nỗi lòng, sự hy sinh và yêu thương vô điều kiện mà mẹ Hoa".
Thế nhưng, sóng gió bắt đầu xuất hiện, năm 2014, người con thứ 7 là em Trần Văn Thắng (SN 1997) phát hiện bị bệnh ung thư xương. Bà Hoa là người chủ động bàn với chồng, vay mượn tiền bạc đưa con ra Hà Nội với hi vọng "còn nước còn tát". Chính bà đã đưa Thắng ra bệnh viện để tiến hành điều trị ung thư.
Nhìn con gầy gò, đau đớn vì những lần hóa trị, bà thức suốt đêm, xoa tay chân, lau từng giọt mồ hôi cho con. Chẳng mấy ai ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) lại không biết đến bà, nhưng chẳng ai ngờ rằng bà chỉ là mẹ kế của Thắng.
Thế nhưng, sau những tháng ngày hai mẹ con cùng chống chọi với bệnh tật, cuối tháng 10/2017, Thắng ra đi trong nước mắt của mọi người. Trong đám tang của Thắng, bà là người đau đớn nhất, khóc cạn cả nước mắt, đứt từng khúc ruột khiến ai cũng xót xa.
Gian khổ những năm cuối đời
Rót bát nước chè xanh đặc, bà Hoa cho biết lâu lắm gia đình mới đón những vị khách đến từ phương xa. Bởi mấy năm nay, gia đình liên tục phải hứng chịu sự tang tóc. Sau khi Thắng qua đời, 2 năm sau ông Đức cũng bỏ bà mà đi.
“Trước khi Thắng mất mấy tháng, ông Đức phát hiện bị ung thư dạ dày. Vợ chồng chúng tôi lại khăn gói ra Bệnh viện K để điều trị tiếp. Nợ cũ chưa trả hết đã nảy sinh nợ mới. Nhiều đêm tôi lén khóc, sáng mai dậy vẫn phải tươi cười để động viên ông ấy cố gắng chữa trị”, bà Hoa nhớ lại.
Nhưng rồi điều gì đến cũng phải đến, vào giữa năm 2019, người chồng của bà cũng qua đời. Thời điểm này, cả sức khỏe và tinh thần của bà đều bị vắt kiệt. Không ai nghĩ người phụ nữ gầy gò này lại có thể chống chịu được những nỗi đau quá lớn như vậy.
“Hiện nay, tôi sống vì người con trai út. Cháu chỉ mới lên lớp 9, vẫn chưa thể sống một mình được. Ngoài ra, người con gái đầu là con riêng của chồng cũng bị câm điếc bẩm sinh cần chăm sóc. Còn những người con khác đã đi xa lập nghiệp rồi”, giọng cô Hoa chùng xuống.
Mặc dù đang có dấu hiệu xuống cấp, ngôi nhà ngói ba gian nhỏ này vẫn quá rộng lớn với 3 mẹ con. Cả nhà 3 miệng ăn trông chờ vào đồi chè thu nhập bấp bênh, thế nhưng do sức khỏe yếu đi nên ba không thể lao động được như trước. Vì thế số tiền gần 50 triệu vay mượn để chạy chữa cho chồng hơn 2 năm nay bà vẫn chưa trả được.
Khi được hỏi về trường hợp này, ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương thở dài: “Hiếm có người phụ nữ nào được như bà ấy. Thương chồng, yêu con, tần tảo sớm hôm, lo cho các con riêng của chồng. Thế mà cuối cùng 2 người cũng đã mất, giờ một mình bà vẫn đang phải chăm lo cho gia đình”.