Vừa nói ông vừa chỉ vào tấm ảnh 3 x 4 của bố tôi chụp tại hiệu ảnh Quốc tế trước khi vào miền Nam chiến đấu.
Tôi mồ côi cha khi mới gần 4 tuổi, mẹ tôi tần tảo nuôi anh em tôi nên người. Lúc nhỏ tôi thường hỏi mẹ: Bố con đâu? Mẹ tôi trả lời: Bố con đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Khi đi học, tôi biết được đất nước đã thống nhất, về nhà tôi lại hỏi mẹ: Bố con đâu? Mẹ tôi chỉ lên bàn thờ nơi có ảnh bố tôi, tôi đã hiểu. Bố tôi không bao giờ về nữa.
Mỗi năm đến ngày giáp Tết, nhìn cảnh những người làng ra nghĩa trang mời ông bà ông vải về ăn Tết, lòng tôi lại quặn đau, nước mắt lại trào rơi vì bố mình mất từ 1972, mấy chục năm không biết phần mộ ở nơi nào, không biết ở đâu để vun đắp, chăm sóc, để được đi mời bố về mỗi dịp Tết đến. Vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì sự nghiệp bình yên của nhân dân mà bố đã hy sinh, không biết phần mộ ở nơi nào. Cũng là người trong môi trường quân đội nên tôi có điều kiện tìm hiểu những thông tin liên quan đến bố. Nhưng, không có thông tin nào về nơi chôn cất bố. Tôi đã từng đi dọc chiều dài đất nước, vào tất cả các nghĩa trang trên trục đường bố tôi hành quân, chiến đấu, nhưng cũng không thấy tên bố tôi trong nghĩa trang nào. Đã có lúc, tôi thở dài bất lực. Không còn cách nào để tìm được mộ bố hay sao?!
Đầu tháng 3/2010, khi dọn dẹp tủ sách cũ, tôi vô tình lật quyển Tạp chí Thế giới mới có thấy bài nói về ông Đỗ Bá Hiệp, một nhà ngoại cảm có thể nhìn sâu được trong lòng đất, người đã tìm được nhiều mộ liệt sĩ, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bao gia đình có người thân hy sinh. Loé lên trong tôi niềm hy vọng. Tôi nhủ thầm: Đây có lẽ là cách cuối cùng để tôi và gia đình có cơ hội tìm mộ bố. Tôi vội tìm đến trụ sở Liên hiệp Khoa học UIA tại số 1 - Đông Tác, hỏi xin gặp ông Hiệp, được trả lời đã lâu nay ông ít đến cơ quan, tôi xin số điện thoại của ông và gọi điện cho ông, xin địa chỉ nhà riêng và xin phép đến gặp ông để trình bày nguyện vọng. Hôm đó là ngày 10/3/2010, ông đang đi vắng và ông hẹn tôi sáng hôm sau 9h thì tới. Đúng hẹn, tôi đến. Bình dị trong bộ đồ ở nhà, đang ngồi ăn sáng, thấy tôi hỏi xin gặp bác Hiệp, ông bảo tôi đây, rồi mời tôi vào nhà. Trong căn phòng tập thể rộng hơn chục mét vuông, có bàn thờ gia tiên toả thơm khói trầm. Căn phòng gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ với đầy ắp sách báo, kỷ vật và ảnh lưu niệm với hầu hết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương. Tôi trình bày lý do đến gặp ông và nguyện vọng muốn nhờ ông giúp đỡ tìm mộ bố tôi là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Bình, hy sinh năm 1972. Nghe xong, ông đưa tay ra cầm tay tôi, sau giây lát ông buông tay ra và nói: Mộ bố cậu còn, đã được quy tập về nghĩa trang, hiện đang là mộ vô danh. Bố cậu hi sinh trong trường hợp hành quân chiến đấu bổ sung cho chiến trường.
Ngay từ phút ấy tôi đã ngạc nhiên trước khả năng của ông. Chỉ vừa cầm tay tôi giây lát, ông đã nói chính xác một điều: Đúng là bố tôi đi bổ sung cho chiến trường. Tôi hỏi: “Liệu có thể tìm thấy mộ bố cháu không?”. Ông trả lời: Trường hợp mộ bố cậu tìm được. Câu trả lời chắc như đinh đóng cột ấy đã thổi bùng lên trong tôi niềm tin và lòng quyết tâm đi tìm mộ bố theo phương pháp ngoại cảm. Tôi đặt vấn đề nhờ ông giúp đỡ, ông nói ông là người của cơ quan nên muốn ông giúp đi tìm mộ bố tôi thì tôi phải ra cơ quan trình bày với ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA để ông Khanh cho ý kiến .
Tôi ra trụ sở UIA gặp ông Khanh, trình bày lý do. Nghe xong, ông Khanh lấy giấy ra ghi: "Kính gửi thầy Đỗ Bá Hiệp, xin thầy giúp đỡ tìm mộ liệt sĩ Bình (11/3/2010)". Tôi cầm giấy quay lại nhà bác Hiệp, xem xong bác bảo tôi ghi địa chỉ, thông tin của tôi và của bố tôi và hứa sẽ giúp tôi tìm mộ. Bác động viên tôi an tâm và tin tưởng, thời gian cụ thể bác sẽ thu xếp. Tôi ra về lòng mừng vui phấn khởi. Bác Hiệp bảo tôi về phô tô giấy báo tử rồi đưa cho bác. Tôi định lấy ví đưa ảnh bố tôi cho bác, bác ngăn lại và nói: Khi đi tìm mộ liệt sĩ đừng bao giờ đưa ảnh liệt sĩ ra cho nhà ngoại cảm vì tránh những động cơ xấu. Sau khi tôi đưa giấy báo tử cho bác, bác hẹn tôi về chuẩn bị ngày 17/3 thì đi, sau đó thời gian đi bị điều chỉnh lại vì ngày 18/3/2010 bác phải tham gia dự Hội nghị tổng kết năm của cơ quan.
4h sáng ngày 20/3/2010 cuộc hành trình bắt đầu. 7h25' chúng tôi đến sân bay Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng đi Tam Kì, khi qua nghĩa trang Điện Bàn khoảng 800m, bác Hiệp hỏi: "Sao vừa rồi đi qua nghĩa trang không dừng lại vào đó?". Tôi nói lái xe quay lại nghĩa trang, đó là nghĩa trang huyện Điện Bàn. Quản trang đi vắng (dự lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Điện Bàn do huyện tổ chức), chúng tôi vào lễ trước đài tưởng niệm của nghĩa trang. Trong niềm xúc động bồi hồi nhớ lại những chuyến một mình đi tìm mộ bố trước đây, tôi cảm nhận có gì linh thiêng lắm đang hiển hiện nơi đây. Phải chăng tại chuyến này có bác Hiệp đi cùng mà hương linh bố tôi cùng về tiếp sức? Bác Hiệp một mình đi về phía cuối bên phải nghĩa trang (tính từ cổng vào), quanh quẩn một hồi rất lâu ở khu vực đó, khi lên đài tưởng niệm bác nói: "Bố cậu nằm ở nghĩa trang này". Nghe bác nói vậy, tôi thấy gai người.
Ảnh minh họa.
Rồi chúng tôi tiếp tục hành trình lên huyện gặp quản trang và lãnh đạo Phòng Thương binh - Xã hội huyện Điện Bàn, trao đổi trình bày lý do, nguyện vọng, đặt vấn đề nhờ họ tra cứu danh sách những liệt sĩ hy sinh năm 1972 trên địa bàn, họ hẹn đến thứ hai tuần tới.
Chúng tôi đi lên Tam Kì và 3h chiều ra nghĩa trang tỉnh Quảng Nam, do thiếu kinh nghiệm và sơ suất nên đi ra nghĩa trang tôi không mang hồ sơ giấy tờ đi theo, bác Hiệp nổi giận đùng đùng đòi quay về Hà Nội ngay. Nhờ có sự trợ giúp của bác Năng (người đi theo để chăm lo sức khỏe cho bác Hiệp) đã làm nguôi ngoai được cơn giận lôi đình của bác Hiệp. Sau đó chúng tôi ra làm lễ tại đài tưởng niệm, bác Hiệp nói tôi gói một ít tro ở bát hương nghĩa trang mang về.
Sáng thứ Hai (ngày 22/3/2010) chúng tôi vào tỉnh đội, rồi bác Hiệp bảo quay về nghĩa trang Điện Bàn. Khi thắp nhang khấn lễ tại đài tưởng niệm xong thì bát nhang bị hoá, cháy sạch không còn một chân nhang nào cả. Lại thêm lần nữa, tôi nổi da gà. Tôi cảm nhận như rõ ràng lắm, bố tôi đang theo từng bước chân tôi cùng đoàn. Tôi thầm khấn bố linh thiêng hãy "thông tin" cho bác Hiệp để bác giúp gia đình tìm được mộ bố.
Sau khi lễ xong, bác Hiệp đi xuống phía dưới bên phải (từ cổng vào) của khu mộ, chúng tôi đi theo và bác lại khẳng định: Mộ bố cậu nằm trong nghĩa trang này. Nghĩa trang Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam có khoảng 6.000 ngôi mộ, trong đó có gần 2.000 mộ là có tên, còn hơn 4.000 mộ là không có tên. Tôi lo lắng mông lung. Giữa mênh mông 4.000 ngôi mộ chưa biết tên, ngôi mộ nào là mộ của bố đây? Bác Hiệp bảo tôi gói một ít tro ở bát nhang đài tưởng niệm đem về, khi nào về đến Hà Nội thì đưa cho bác. Chiều thứ Ba (ngày 23/3/2010) chúng tôi về Hà Nội.
Tối thứ Năm, bác bảo tôi sáng mai (26/3) tới gặp bác, nhưng vì bận nên 3h chiều tôi mới đến gặp bác, bác thông báo: "Mộ bố cậu nằm ở phía cuối nghĩa trang - phía bên phải từ cổng vào, đi hết đến khu đất trống, sau đó quay lên cách một ô, có mộ ông Nguyễn N. Nhân hay Nguyễn N. Dần gì đó, từ ngôi mộ đó sang phía tay trái cách một ngôi". Tôi bay vào Quảng Nam ngay đêm 26/3/2010. Đến 9h35' ngày 27/3/2010, theo chỉ dẫn trên của bác Hiệp, cùng với những chỉ dẫn qua điện thoại, tôi đã tìm được ngôi mộ có tên Nguyễn N. Dần. Khi đi qua một ngôi, đến ngôi kế tiếp phía bên trái mộ liệt sĩ Nguyễn N. Dần thì qua điện thoại bác Hiệp nói: "Cậu đang đứng trước mộ bố cậu đấy". Ngay khi ấy người tôi như có luồng điện chạy qua, nhẹ bỗng, nước mắt giàn giụa.
Chiều 27/3/2010, tôi mua đồ sắm lễ tạ mộ, cúng bố tôi. Đứng trước mộ bố, tôi thầm khấn cầu cho hương linh bố được siêu thoát, tôi hứa sẽ nhanh chóng gắn bia để trả lại tên cho bố. Và, tôi vẫn còn một dự định… Sang sáng thứ Hai (ngày 29/3/2010) tôi đề nghị quản trang cung cấp hồ sơ lý lịch ngôi mộ. Có tên ông Nguyễn Thạc là người mai táng liệt sĩ khi chết. Tôi lần hỏi địa chỉ địa phương bố tôi hy sinh theo lý lịch ngôi mộ là: Đám Hương Hộ, Rừng Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc. Tôi tìm đến địa chỉ trên (được sự trợ giúp của chính quyền địa phương), rất may mắn là ông Nguyễn Thạc còn sống. Sau khi nghe xong tôi trình bày lý do và đưa xem ảnh thì ông Thạc nước mắt giàn giụa nói trong niềm xúc động nghẹn ngào: "Bao nhiêu năm, mỗi lần đi qua ta đều thắp hương cho ngôi mộ đó và cầu khấn cho người thân sớm nhận được mộ. Bố mi mất do bị trúng đạn pháo, sập hầm, phần dưới bị nặng, có tấm ảnh như thế ni trong túi ngực" (ông chỉ vào tấm ảnh 3 x 4cm của bố tôi chụp tại hiệu ảnh Quốc tế trước khi vào miền Nam chiến đấu).
Ông Thạc còn nói: "Ngôi mộ đó nằm trong rừng Cẩm Sa đến năm 1983 mới được khai quật quy tập đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã; đến năm 1991 họ làm khu công nghiệp nên mộ được chuyển về nghĩa trang Điện Bàn".
Đây chính là điều tôi đang mong mỏi được nghe, là dự định tôi muốn làm rõ trước khi gắn bia mộ cho bố. Tôi khóc, ôm lấy ông Thạc mà nức nở. Cả ông Thạc cùng khóc. Những nghi ngại trong tôi - dù rất nhỏ - giờ đã bị lấp đầy bởi nỗi xúc động nghẹn ngào và cả một chút ân hận khi đã trót có lúc hoài nghi. Ngay sau đó, tôi quay về gặp quản trang đề nghị xác nhận vị trí ngôi mộ, khắc bia mộ bố tôi: Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Bình, sinh 1946, quê quán Đồng Cương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc; đơn vị KNP, Chức vụ: Chiến sĩ, hy sinh 1972; sau đó lên Phòng Thương binh - Xã hội làm thủ tục xác nhận mộ và lấy thông báo thông tin về phần mộ liệt sĩ.
Ngày 30/3, về Hà Nội tôi đến gặp bác Hiệp (khi đó có vợ, con cháu nhà văn Sơn Tùng ở đó cũng nhờ bác đi tìm mộ). Bác nói với tôi: "Còn câu này là điểm cuối cùng: Bố cậu chuyển về nằm tại nghĩa trang đó là lần thứ 3 rồi đấy, không tin cậu cứ đi mà hỏi, tra cứu; với trường hợp khác tôi khẳng định 70-80%; trường hợp mộ bố cậu tôi khẳng định 90%. Còn 10% phụ thuộc vào lòng tin của cậu và gia đình cậu, nếu cậu nhận thì đó là mộ bố cậu, cậu không nhận thì là mộ của ai đó không biết. Nếu cần, cậu có thể nhờ người khác kiểm tra chéo tôi hoặc làm thủ tục khai quật mang đi xét nghiệm ADN".
Theo lời kể của ông Thạc thì thông tin bác Hiệp vừa nói là hoàn toàn chính xác. Đúng là hài cốt bố tôi đã được chuyển 3 lần, và lần thứ ba này bố tôi đã được trả lại tên. Với đức tin và lòng thành kính, tin vào khả năng của bác Hiệp, tin vào linh cảm của tôi, tin vào tất cả những đầu mối, tôi đã lần theo lý lịch ngôi mộ, tin vào lời ông Nguyễn Thạc là người đã chôn cất và khai quật quy tập mộ bố tôi năm 1983. Không cần phải thêm một bước kiểm tra nào nữa, tôi khẳng định: Đây chính là mộ bố tôi.
Bằng tài năng, khả năng đặc biệt của mình, nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp đã làm được cái việc khó khăn vô cùng như mò kim đáy bể. Bác là ân nhân suốt đời của gia đình tôi, vì bác đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình tôi là tìm thấy mộ của bố tôi - điều mà với đạo làm con, phận làm con, tôi đã trăn trở, day dứt mấy chục năm quan
Nguyễn Tiến Nghị