Đầu tắt mặt tối vì chó mèo
Kể về công việc hàng ngày của mình, Thu Trang vui vẻ cho biết hầu như toàn bộ thời gian sau giờ làm việc mình đều dành chăm sóc chó mèo. Trang cho biết cô và các thành viên trong nhóm đều có thói quen gọi những chú chó mèo mình từng cứu hộ là các bé, nghe vừa dễ thương, lại vừa như một cách tự nhắc nhở chính bản thân mình về trách nhiệm với những sinh vật bé nhỏ.
Vợ chồng cô trưởng trạm Thu Trang
Trang kể, từ bé mình đã vô cùng yêu thích vật nuôi trong nhà. Mặc dù trong nhà lúc nào cũng thường trực từ 3 - 5 con chó mèo, nhưng đi đâu thấy chó mèo bị bỏ rơi, Trang lại không đành lòng liền đón chúng về nuôi. Kể về công việc hiện tại của mình, Trang cho biết cô đang làm phiên dịch cho một công ty xây dựng của Pháp. Tính chất công việc phải thường xuyên đi theo dự án nhưng có lúc rảnh rỗi nào trong ngày, cô đều dành hết cho những con vật bị bỏ rơi.
“Hầu hết những con vật nuôi bị hắt hủi đều không hoàn hảo về thể chất. Nhẹ thì nấm lông còn nặng thì các căn bệnh liên quan đến đường ruột hoặc khuyết tật chân tay. Một số khác lại thuộc dạng ngỗ ngược nên bị chủ "từ mặt””, Trang hài hước cho biết.
Khi dấn thân vào nghiệp cứu hộ chó mèo, Trang không khỏi rớt nước mắt bởi những con vật nhỏ bé đáng thương. Trang nhớ lần gần đây nhất, trạm của cô thu nhận về một chú mèo trên tuyến phố Trường Chinh (Hà Nội) trong tình trạng gần như hấp hối, kiến bu đầy mình.
"Nhận thấy tình trạng có vẻ nguy cấp, bọn mình lập tức đưa "em" đến bác sỹ sơ cứu rồi thăm khám tổng thể. Kết quả là chú mèo bị liệt cả 4 chân còn đầu thì ngoẹo đi nên không thể đi lại bình thường, "em" chỉ lẩy bẩy rồi quay thành vòng tròn.
Theo phân tích của bác sỹ, "em" mèo bị liệt hoàn toàn dây thần kinh có ý thức dùng để biểu hiện tình cảm cũng như những đòi hỏi cơ bản thông qua tiếng kêu. Dù cố gắng cứu chữa thì "em" cũng không sống được lâu mà còn tốn kém. Tuy nhiên trước hoàn cảnh thương tâm của "em", cả nhóm vẫn quyết định giữ lại nuôi được ngày nào hay ngày nấy. "Em" mèo được đặt tên là Liệt.
Vì liệt hoàn toàn không làm chủ được nên mọi nhu cầu cơ bản như ăn uống, vệ sinh… đều phải theo dõi và căn giờ để giúp đỡ. Cứ đều đặn một tuần bọn mình đưa Liệt đi bác sỹ khám và tiêm thuốc. Mọi cố gắng cũng chỉ giữ được Liệt khoảng 6 tháng", - Trang bùi ngùi cho biết.
Những câu chuyện thấm tình người
Tháng 8/2012, trạm của Trang cứu hộ chú chó tên Mực của một gia đình ở Cầu Diễn. Nhận được điện thoại của một cô bé hàng xóm nhà chủ nhân chú chó thông báo về việc chú chó thường xuyên bị "ngược đãi" dẫn đến thay đổi tính nết, trở nên ngỗ ngược nên gia chủ định "hóa giá" cho cửa hàng chuyên thịt chó với giá 1 triệu đồng.
Trước tình thế cấp bách, cả nhóm vội quyên góp số tiền 1 triệu đồng để giải cứu chú chó an toàn. Sau một thời gian chăm sóc, theo đúng tôn chỉ hoạt động của nhóm, Trang đã chủ động đi tìm chủ nuôi mới để gửi gắm Mực. Đó là một gia đình rất nhiệt tình và yêu thương động vật tại Khương Hạ (Thanh Xuân - Hà Nội).
Trước khi Mực được đưa đến, gia đình chị Quyên (tên người chủ mới) có nuôi một chú phốc sóc rất xinh xắn nhưng có lẽ do quen được nuông chiều nên chú phốc đó tỏ ra rất "đành hanh". Ngay đêm đầu tiên được nuôi chung, chú chó Mực lại bất ngờ trở về bản tính khá hung hãn như trước đây nên xông vào cắn chú phốc sóc. Vết thương sâu vào cuống phổi, nặng tới mức gia đình chị Quyên phải tức tốc đưa chú phốc sóc đi cấp cứu trong đêm.
Rất may là chú chó nhỏ đó qua khỏi nhưng với Trang thì hối hận vô cùng bởi mình vô tình mang phiền phức đến cho người khác. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần đưa Mực "hồi hương", thậm chí xác định nuôi Mực bởi cô chắc rằng không nhà nào lại nhận nuôi một con vật từng có "thành tích đen" như thế.
Tuy nhiên câu chuyện của Mực có kết thúc bất ngờ ở chỗ sau khi họp mọi người trong gia đình thì người chủ mới của Mực vẫn quyết định giữ chú lại và nuôi cách ly với chú chó cũ. "Vốn rất ấn tượng với trường hợp này nên mặc dù gửi gắm Mực đươc gần một năm, đủ để chú quen chủ mới, nếp sinh hoạt mới nhưng đều đặn mỗi tuần mình đều ghé thăm Mực.
Mừng vì thấy chú chó ngày nào giờ đã phổng phao và ngoan hơn trước rất nhiều, nhưng hơn hết vẫn là câu chuyện cảm động về tình người bao dung ở trong đó khiến mình có động lực hơn để tiếp tục sự nghiệp cứu hộ cho những chú chó mèo có hoàn cảnh đáng thương", Trang nói.
Theo Thu Trang, để duy trì được hoạt động của trạm với nguồn kinh phí tài trợ hầu như bằng 0 là cả sự cố gắng của cả nhóm. Hiện tại nhóm được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của ba phòng khám thú y tại Hà Nội với mức giảm giá từ 30% - 50% cho mỗi lần thăm khám. Những thành viên trong nhóm có những người đã đi làm nhưng cũng không ít người vẫn đang là học sinh, sinh viên... nhưng với lòng nhiệt tình cho công việc nên mỗi người đều tự đặt ra cho mình một mức phí đóng góp để gây quỹ trong khả năng tài chính cho phép.
Tuy nhiên, mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng những thành viên cũng như đội ngũ tình nguyện viên đều làm việc hết sức nghiêm túc, hoàn toàn không có trường hợp vì không có kinh phí nên chọn "bừa" chủ để giải phóng gánh nặng. "Thông thường sau khi chuyển vật nuôi về với chủ mới khoảng hai tuần, các bạn tình nguyện viên sẽ đi kiểm tra bất ngờ. Nếu thấy chủ nhà nuôi nấng con vật không được tốt, lập tức chúng tôi sẽ đòi lại để chăm sóc, chờ tìm chủ mới bàn giao", Trang cho biết thêm.
Tuệ Linh