Tìm được hạnh phúc từ nỗi đau
Bùi Ngọc Thịnh bị mù bẩm sinh nhưng lại có khả năng chơi được 7 loại nhạc cụ: Trống, đàn, ghi ta, đàn organ, đàn sến, đàn cò, đàn tranh và đàn kìm. Cuộc sống thiếu ánh sáng là một bức tường vô hình đối với người khiếm thị. Bức tường đó cũng khiến họ nhạy cảm hơn với cảm xúc bình thường. Họ yêu, ghét rõ ràng và thể hiện nó bằng một góc nhìn riêng mà nếu không tinh ý ta khó có thể hiểu được nỗi lòng họ. Cố gắng bám vào những thanh âm khúc triết, những cử chỉ biểu cảm, tôi lắng nghe chuyện đời của gia đình em.
Thịnh luôn có cha mẹ là bạn đồng hành.
Năm 17 tuổi, khi còn đang học lớp 11, anh Bùi Văn Lộc tự nhiên trở thành người khiếm thị sau một trận đau đầu dữ dội. Anh chới với, đau khổ và hụt hẫng trước cuộc đời. Anh tìm đến Hội người mù huyện Ninh Hòa để hòa nhập và bắt đầu lại cuộc sống mới cùng những người khiếm thị khác.
Nơi này, anh bắt gặp được rất nhiều những hoàn cảnh cùng cực như mình. Anh thấy mình còn may mắn hơn bao nhiêu người khác khi vừa mới lọt lòng mẹ thì bóng tối đã ập đến. Ít ra anh cũng có thể hình dung ra được bầu trời và mặt đất nó màu gì, hình dáng nó ra sao.
Anh còn kịp nhớ được khuôn mặt người thân để mỗi khi buồn mà đau khổ. Anh dần dần lấy lại được thăng bằng, không còn bi quan, chán nản nữa.
Tình yêu đến với anh thật bất ngờ, đó là một người con gái cùng cảnh ngộ tại Hội người mù. Họ yêu nhau bằng con tim đồng cảm, khát khao một cuộc sống gia đình có tiếng cười con trẻ. Tình yêu của họ rung động từ con tim đến hơi thở, cần chi ánh mắt. 6 năm quen biết, gắn bó và cùng nhau vượt qua những khó khăn, mặc cảm về hoàn cảnh, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân.
Cuộc sống vợ chồng của hai con người cùng cảnh ngộ mới đầu gặp vô vàn khó khăn. Ngoài việc vun vén cho miếng cơm, manh áo, họ âm thầm khao khát một đứa con.
"Muốn rồi lại sợ, sợ rồi lại mong mỏi, vợ chồng ước mong sẽ có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Nhưng có người lại khuyên, thôi thế này thì sinh con ra làm gì cho đời nó khổ. Lại có người động viên, cứ sinh đi, biết đâu lại có phúc thì sao. Niềm tin vào điều kì diệu cùng với nỗi khát con cháy bỏng đã thôi thúc vợ chồng tôi quyết định sinh con", anh Lộc tâm sự.
Và rồi, một sinh linh bé nhỏ đang hình thành và lớn dần lên trong gia đình anh Lộc. Họ mừng vui xen lẫn lo âu. Từng ngày, niềm hy vọng không ngừng được nhen lên âm thầm nơi mái nhà đang khao khát tiếng cười con trẻ. Thế rồi, hạnh phúc vỡ òa khi bé trai chào đời. Những ngày tháng khó khăn bắt đầu, Thịnh sinh thiếu tháng nên cơ thể rất yếu phải nuôi trong lồng kính.
Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ, đứa bé ngày càng phát triển hoàn thiện và khỏe mạnh. "Chúng tôi tin rằng đứa bé sinh ra sẽ có một cuộc sống thật tốt, cha mẹ nó đã sống cuộc đời tối tăm rồi thì nó có nhiệm vụ nhìn và cảm nhận thế giới xung quanh thay cha mẹ", anh Lộc chia sẻ.
Khi Thịnh tròn một tuổi, bắt đầu chuyển sang giai đoạn bò rồi tập đi. Thấy bé mỗi lần đứng lên cứ loạng choạng, té ngã đôi khi còn húc đầu vào tường nhà la khóc, anh chị cứ nghĩ đó là chuyện bình thường của trẻ nhỏ.
Thế rồi, những lần đút bột, bón sữa, bé há miệng ra ngoài làm sữa chảy hết xuống cổ. Đưa đồ chơi không trúng tay thì bé không cầm. Đôi mắt bé lúc nào cũng tròn xoe càng tạo cho người làm cha, làm mẹ cảm thấy bất an. Đến một ngày, anh chị đưa bé tới bác sĩ khám. Vừa nghe vị bác sĩ nói bé bị mù bẩm sinh rồi, anh Lộc, chị Lan đổ sụp xuống.
Nỗi đau chồng lên nỗi đau, bất hạnh và tuyệt vọng. Họ tự trách bản thân mình sao lại tạo ra một thiên thần bất hạnh ngay từ trong bụng mẹ, nếu biết trước như thế thì họ sẽ không sinh con ra nữa. Tội nghiệp thằng bé, một mầm non không may mắn.
Thần đồng âm nhạc trong bóng tối
Chẳng thể nhìn ngắm được khuôn mặt con, bất hạnh đổ dồn lên gia đình nhỏ bé khiến có những lúc họ cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng mỗi ngày, họ lại được nghe tiếng cười khóc ngây ngô của con, những khi ấy hạnh phúc lại tràn về. Gạt đi đau thương, bất hạnh, gia đình anh Lộc dồn hết tình yêu vào đứa con trai khiếm thị. Họ sống chủ yếu dựa vào công việc làm tăm tre, làm nhang trong Hội người mù huyện Ninh Hòa.
Lên 4 tuổi mà Thịnh vẫn chưa đứng vững, có lẽ nguyên nhân do không nhìn thấy ánh sáng nên công việc đó Thịnh chậm hơn những đứa trẻ bình thường khác. Vậy nhưng 3 tuổi Thịnh đã biết đánh trống, tuy những tiếng trống chưa vào khuôn nếp nhưng âm thanh từ dùi trống Thịnh đánh phát ra thành nhịp điệu.
Mỗi lần đợt diễn văn nghệ của hội nghỉ giải lao, theo thính giác để đoán hướng, Thịnh mò tới tận nơi để bộ trống và đánh liên hồi. Anh Lộc cho biết: "Từ nhỏ Thịnh rất yếu nhưng được cái nhanh nhẹn, em mê tiếng trống lắm. Cứ cho ngồi đánh trống thì cậu quên cả đói".
Thấy được năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm của con, vợ chồng anh Lộc tằn tiện gom góp được chút tiền mua đồ nghề về cho Thịnh tập và tìm thầy về dạy. Nhưng đi hết thầy này đến cô khác họ đều từ chối vì dạy người khiếm thị rất khó. Mãi sau, người trong hội giới thiệu cho một thầy quen biết, thương hoàn cảnh lại quý Thịnh nên nhận lời dạy. Chỉ một thời gian ngắn, ông thầy nói với vợ chồng anh Lộc rằng bé Thịnh học nhanh và thông minh còn hơn người bình thường.
Mỗi ngày, mỗi tuần, nghe tiếng trống của Thịnh đánh đều thấy sự tiến bộ rõ rệt. Không nhìn thấy bằng mắt, Thịnh dùng tay sờ lên các dụng cụ để nhận dạng rồi ngồi ngay ngắn chính giữa đánh trống một cách chính xác. Năm 7 tuổi, Thịnh có thể đánh được hơn 100 điệu trống khác nhau, tất cả đều đúng và chuẩn nhịp.
Khi đã khám phá xong nghệ thuật biểu diễn trống, Bùi Ngọc Thịnh bắt đầu chuyển sang đánh ghi -ta, organ và một số nhạc cụ khác. Những ngày tập ghi -ta, đôi tay của em đau rát, tóe máu để lại nhiều vết sẹo. Chị Lan thấy con mình tập luyện khổ ải quá có ý định ngăn cản nhưng Thịnh một mực không chịu. Thịnh nói với mẹ: "Con yêu thích học đàn, dù khó khăn bao nhiêu con cũng quyết tâm học được. Con muốn sau này trở thành nhạc sĩ sáng tác nhạc để giúp ích đời và cho ba mẹ". Chị Lan lặng lẽ lau nước mắt để con khổ luyện.
Tháng 9/2011, tại hội thi Tiếng hát từ trái tim do hội người mù tỉnh Khánh Hòa tổ chức, Thịnh đoạt giải nhất tiết mục đàn Ghi -ta cho mẹ hát, một giải nhất hòa tấu và một giải nhì độc tấu đàn Organ. Hỏi về khả năng nghệ thuật tuyệt vời của Thịnh, anh Lộc cho biết, bản thân anh từ nhỏ không có năng khiếu gì nổi bật, thậm chí còn không biết hát nữa. Còn chị Lan thì chỉ biết hát thôi còn trống và đàn thì hoàn toàn không am hiểu gì.
Ngoài chơi thành thạo các loại nhạc cụ nói trên, Thịnh còn có năng khiếu sáng tác nhạc với giọng ca trong veo, khỏe khoắn. "Cha mẹ sinh ra ta / Cho ta cả cuộc đời / Bầu trời xanh bao la / Không phủ kín tình cha / Biển rộng xanh mênh mông / Không đong đầy tình mẹ / Mai sau lớn lên người / Con xây đắp cho đời / Công ơn cha và mẹ / Suốt đời con không quên". Đó là lời trong bài hát "Cho ta" của Bùi Ngọc Thịnh sáng tác tháng 12/ 2010.
Mỗi lần Thịnh hát bài này, vợ chồng anh Lộc, chị Lan lại ôm chầm lấy con òa khóc nức nở. Đôi mắt không cho họ ánh sáng nhưng cho họ những giọt nước mắt hạnh phúc có khi cả buồn đau chất chứa. Tôi đến bên Thịnh, nắm chặt lấy đôi bàn tay của em và cảm nhận được sự mền mại, trắng trong, đa tài nhưng đâu đó vẫn là sự mặc cảm rụt rè.
Thịnh là trường hợp đầu tiên của châu Á nhỏ tuổi nhất, bị mù chơi được 7 loại nhạc cụ. Rồi một ngày nào đó, "thiên tài trong bóng tối" sẽ có dịp tỏa sáng không chỉ ở quê hương nhỏ bé của mình mà còn bay cao, bay xa mãi.
Tháng 9/2011, tại hội thi Tiếng hát từ trái tim do Hội người mù tỉnh Khánh Hòa tổ chức, Thịnh khi đó 11 tuổi đã đoạt giải nhất tiết mục đàn ghi -ta cho mẹ hát, một giải nhất hòa tấu và một giải nhì độc tấu đàn Organ. Ngày 26/5/2012, ông Biswarroop Roy Chowdhuyry, Tổng Giám đốc Kỷ lục châu Á đã trao bằng xác lập kỷ lục cho Bùi Ngọc Thịnh là trường hợp đầu tiên của châu Á nhỏ tuổi nhất, bị mù chơi được 7 loại nhạc cụ. |
Hoa Nguyên