Từ cậu bé chăn bò trở thành con nuôi Anh hùng
Quê hương của em bé chăn bò ấy ở vùng gió lào, cát trắng của tỉnh Ninh Thuận. Cậu ta có cái tên thật ngộ theo tiếng gọi phổ thông nhưng đó lại là cách gọi thân thương của người dân tộc Chăm: Đằng Trên. Đằng Trên sinh năm 1937, trong một gia đình nông dân nghèo có hai anh em. Năm 8 tuổi, ông mồ côi mẹ. Không lâu sau, cha ông tục huyền với một người phụ nữ khác. ông từng theo cha - một thợ chạm nổi tiếng đi khắp nơi để tìm kiếm vùng đất mới. Đến Tây Nguyên, hình ảnh tượng nhà mồ với những họa tiết lạ mắt đã nhanh chóng hút hồn cậu bé Đằng Trên. Một mơ ước nghệ thuật bắt đầu manh nha nơi tâm hồn non dại của ông.
Ở tuổi 75, họa sĩ Đinh Rú vẫn say mê với hội họa
Đằng Trên 10 tuổi thì cha ông qua đời. Không nơi nương tựa, không người bấu víu, hai anh em Đằng Trên phiêu bạt khắp nơi. Đằng Trên leo lên một chuyến tàu chuyển bánh về hướng Bắc. Vì không biết đi đâu, về đâu nên khi tàu dừng ở ga Thừa Thiên - Huế, ông liền lủi xuống đi lang thang khắp nơi kiếm ăn. Một nhà địa chủ giàu có nhận ông về chăn bò cho điền chủ. Ông chăm chỉ làm việc và ngoan ngoãn nghe lời nên được gia chủ nhất mực yêu thương. Hai năm chăn bò ở xứ Huế mộng mơ, Đằng Trên không bị đói một ngày nào. Cuộc đời đứa trẻ mồ côi như thế là hạnh phúc nhất. Vào một buổi chiều mưa bụi, trời rét đậm, cậu bé chăn bò sơ ý để hổ ăn mất một con bê. Cậu hoảng sợ, vội lùa bò về chuồng sau đó nhằm khi không có ai để ý trốn khỏi nhà chủ. Đằng Trên lại leo lên một đoàn tàu chạy vào hướng Nam.
Thời buổi chiến tranh loạn lạc, trời đất mịt mù khói súng, khi tàu vừa đến ga Bình Định thì phải dừng lại vì đường bị bom giặc đánh. Đằng Trên cùng những đứa trẻ chạy loạn trôi dạt vất vưởng dọc đường. Đêm đến, nhìn thấy những chú bộ đội vác súng hành quân, Đằng Trên thấy thích. Trong tâm hồn tuổi 13, một cậu bé sớm bị vứt ra ngoài xã hội như Đằng Trên có thể ý thức được vận mệnh đất nước. Sau những đêm mải mê nhìn ngắm bộ đội hành quân, Đằng Trên mạnh dạn xin được đi theo. Các chú bộ đội tận dụng ngay lợi thế nhỏ thó, đen đúa của một cậu bé chăn bò, giao cho Đằng Trên nhiệm vụ chuyển thư từ. Giao liên là công việc của chú lính con Đằng Trên suốt nhiều năm liền. Năm 1956, Đằng Trên tập kết ra Bắc, đơn vị ông đóng quân ở Nghệ An.
Một lần được ra Hà Nội, ông đã gặp Anh hùng Núp hình tượng vĩ đại của Tây Nguyên Đại ngàn mà ông từng thầm phục khi được học trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Lúc này, anh hùng Núp đang đi học văn hóa ở Hà Nội và thường có những buổi nói chuyện với các sinh viên, học sinh. Anh hùng Núp không thông thạo tiếng Kinh nên Đằng Trên nhận nhiệm vụ đi phiên dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Bana cho ông.
Trong những lần đi cùng anh hùng Núp, Đằng Trên nhận ra một con người ngang tàng, kiêu dũng trước kẻ thù và một con người hiền hòa, thân thiện với nhân dân. Nhân vật mà ông chỉ được học trên sách vở nay bước ra đời thường quả thực sống động vô cùng. Ông càng trân trọng và kính phục Anh hùng Núp hơn. Về phần mình, cảm nhận được tình cảm của người phiên dịch, lại hiểu thêm về hoàn cảnh của Đằng Trên, Anh hùng Núp đã nhận ông làm con nuôi và đặt tên là Đinh Rú.
Cuộc tình "đắng" cùng “quả ngọt” cuối đời
Năm 1968, được sự mai mối của tổ chức, Đinh Rú kết duyên với người con gái quê Thanh Hóa. Vừa cưới xong, không có đêm tân hôn, không có những âu yếm nồng nàn, Đinh Rú được lệnh đi B. Biền biệt 10 năm trời không một lời nhắn gửi, không dòng thư từ, ông trở về đột ngột sau chuyến hành quân dài 6 tháng từ Nam ra Bắc khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nỗi nhớ thương bị dồn nén bao nhiêu năm trời xa cách, ông trở về mang theo vui mừng, hạnh phúc và cả sự hồi hộp.
Vừa bước vào nhà, ông giật mình khi nhìn thấy đứa trẻ lên 3 tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn mình. Vợ ông không nói một lời, ông cũng không cần một câu giải thích. Tất cả những gì muốn nói cũng chỉ vì đứa trẻ kia mà thôi. Tim ông quặn đau, dồn dập những câu hỏi dằn vặt nên tha thứ cho vợ hay trừng phạt? Cuối cùng, ông đã đổ tất cả tội lỗi cho chiến tranh. Vì chiến tranh mà vợ chồng ông phải xa nhau biền biệt, chẳng biết được ai còn, ai mất mà chờ đợi. Đứa trẻ chẳng có tội tình gì. Ông bỏ qua cho vợ tất cả và bắt đầu làm lại cuộc đời. Vợ chồng dắt díu nhau vào Quảng Ngãi lập nghiệp. Hạnh phúc trở lại với Đinh Rú khi đứa con gái chào đời.
Anh hùng Núp
Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, một lần nữa, theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, Đinh Rú từ biệt vợ con vào chiến trường chiến đấu. Tổ quốc dẹp sạch quân thù, ông tìm đường trở về với hạnh phúc nhỏ của mình. Đinh Rú không thể tin rằng, chỉ sau hai năm ngắn ngủi, người vợ của ông ở nhà lại có thêm một thành viên nữa. Đau khổ, tủi hận, ông khuỵu xuống chết điếng. Lần này thì không thể đổ lỗi cho chiến tranh nữa, tất cả do con người gây ra. Ông quyết định từ bỏ tất cả, để lại ngôi nhà, 3 con trâu và 3 sào ruộng cho vợ nuôi 3 đứa con trong đó có một đứa của mình. Ở tuổi 45, trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, lại phải chịu đựng nỗi đau phản bội, Đinh Rú ra đi hai bàn tay trắng. Ông đi về phương Nam. Ông chôn vùi nỗi đau vào những tác phẩm điêu khắc hội họa.
Người ta gọi ông là nhà điêu khắc trên từng cây số vì hầu như ở cuộc thi nào, giải thưởng cũng không từ chối ông. Trong một lần dự triển lãm, Đinh Rú đã gặp một cô giáo người Kinh thua ông vừa tròn hai con giáp. Chẳng hiểu vì sao mà tiếng sét ái tình đã đánh trúng trái tim tưởng như sẽ chẳng bao giờ mở nữa. Cũng thật lạ, cô gái ấy lại có tình cảm đặc biệt với ông họa sĩ da ngăm đen, người nhỏ thó này.
Tình yêu của họ bị gia đình cô gái phản đối kịch liệt. Cha cô nói thẳng với Đinh Rú khi ông về ra mắt: "Tao không chấp nhận mày lấy chồng người dân tộc vừa đen đúa, vừa xấu xí lại có vợ con. Mày bị nó bỏ bùa mê thuốc lú rồi". Quê cô ở ngay mặt biển Nha Trang. Cái nắng, cái gió của biển cả không hề làm nuớc da người con gái nao núng. Cô có một vẻ đẹp thuần khiết, tươi tắn và dịu dàng. Mặc những lời gièm pha, phản đối của thân phụ, cô vẫn quyết định đến với tình yêu của mình. Họ không tổ chức lễ cưới linh đình, chỉ ra chính quyền làm thủ tục rồi về sống với nhau. Đến nay, họ đã có 3 người con, trong đó 2 người đã lập gia đình có con cái và công việc ổn định.
Giờ đây, trong ngôi nhà khiêm tốn ở quận Thủ Đức (TP. HCM), vợ chồng họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Rú đang rất hạnh phúc bên mái ấm của mình. Tôi hỏi bà Quyên chắc sẽ không bao giờ hối hận khi ngày xưa quyết định lấy Đinh Rú chứ? Bà mỉm cười hạnh phúc: "Tôi đã chọn đúng người, ông ấy xứng đáng được bù đắp hạnh phúc. Tôi tự hào về chồng mình".
Hạnh phúc vỡ òa của người được mang tên họ Đinh Anh hùng Đinh Rú là cái tên do cha nuôi của Đằng Trên là Anh hùng Núp đặt cho. Có nghĩa: Đinh là họ của Anh hùng Núp còn Rú là rừng để không bao giờ quên núi rừng Tây Nguyên - quê hương của cha nuôi, khi ấy ông vừa tròn 18 tuổi. Hạnh phúc chợt vỡ òa, cậu bé mồ côi, lang thang khắp nơi, thiếu thốn đủ điều nay lại được trở về với hơi ấm tình thương. Từ đây, cái tên Đằng Trên chỉ còn trong tiềm thức, ông sống và hiện diện giữa đời bằng cái tên do Anh hùng Núp đặt cho. Các con của ông sau nay đều lấy họ Đinh để tưởng nhớ và thể hiện tình yêu với người anh hùng phố núi. |
Hoa Nguyên