“Tôi mà không làm, chắc chẳng có ai làm”
Chẳng khó để tìm đường đến nhà ông Nhâm Bá Diễn, bởi người ta vẫn thường gọi ông với cái tên "lão hâm nhặt xác". Bước sang tuổi 66 nhưng ông có tới gần 40 năm làm cái nghề không công này. Gặp chúng tôi, ông bảo rất sợ lên báo chí, sợ người ta không hiểu lại nói ông là gàn dở. Sau màn chào hỏi thân tình, ông từ tốn kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh và câu chuyện gắn mình với cái "nghiệp" nhặt xác người.
Sinh năm 1946, tại quê lúa Thái Bình, ông mồ côi cả bố lẫn mẹ. Tuổi thơ của cậu bé Diễn là những chuỗi ngày dài lang thang phiêu bạt hết đi ở, chăn trâu cắt cỏ cho nhà này đến nhà khác. Năm 18 tuổi, ông xung phong nhập ngũ. Khi ấy do không đủ cân nặng, ông phải bỏ thêm gạch vào người để qua vòng sơ tuyển.
Bộ đồ nghề theo ông Diễn suốt mấy chục năm qua.
Chiến trường đầu tiên ông đến là Bình - Trị - Thiên khói lửa những năm 1968. Ông Diễn nhớ lại, trong một lần địch càn quét tại Quảng Trị, tiểu đội có 120 người nhưng chỉ có vài người sống sót. Cũng từ những lần đó, tự tay ông Diễn phải khâm liệm những đồng đội xấu số đem chôn cất.
Khi đất nước hòa bình, năm 1977, Nhâm Bá Diễn về quê hương lập gia đình. Duyên số xui khiến, Diễn gặp và đem lòng yêu thương người con gái quê ở Ninh Bình. Rồi ông định cư, ở rể ngay tại quê vợ. Cũng chính cơ duyên run rủi này, người đàn ông quê lúa gắn cuộc đời mình với công việc chuyên đi gom nhặt xác chết.
Sau khi cưới, vợ chồng ông được bố mẹ dựng cho túp lều ra ở riêng ngay cạnh đường tàu sát bên bệnh viện thị xã Tam Điệp (bệnh viện cũ ngày trước). Hàng ngày, ông Diễn phải chứng kiến nhiều thai nhi bị bỏ rơi, nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tuổi bị chết trong bệnh viện nhưng không có người chôn cất. Đó hầu hết là kết cục những mối tình không trọn vẹn của những đôi trai gái, những sinh viên các trường nghề quanh khu vực. Lương tâm ông thấy cắn dứt, tội nghiệp cho những linh hồn bé bỏng.
Ngoài những khi đi làm, ông Diễn lại lủi thủi tranh thủ đến bệnh viện, đi hết làng trên xóm dưới, các xã lân cận nghe ở đâu có hài nhi xấu số là ông mang về đem chôn cất cẩn thận như chính những người thân của mình. Ông bảo: "Thấy người chết người ta đã sợ, đằng này, đây toàn trẻ nhỏ nên ít ai dám làm. Tôi mà không làm chắc chẳng có ai làm". Mỗi khi nhắc đến tên ông, dân làng thường bảo ông là bị "hâm, dở", nhưng ông kệ, bởi ông thấy lương tâm mình thanh thản.
Người “canh gác” cho những nạn nhân xấu số
Chuyện nhặt xác, gom xác chết vô thừa nhận đem chôn cất đã bị thiên hạ cho là quái gở. Càng thót tim hơn khi nghe thông tin ông Nhâm Bá Diễn có "sở thích" ngủ cạnh người chết. Từ khi gắn mình với cái "nghề" gom nhặt xác, ông Diễn được nhiều người biết đến. Hễ ở đâu có người chết là có người tức tốc đến báo cho ông bởi trên mảnh đất thị xã Tam Điệp, ngoài ông ra không ai dám làm công việc này.
Ông Diễn còn nhớ như in cách đây gần 18 năm, trên đoạn đường thuộc khu Ao Cá (Tam Điệp - Ninh Bình) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa một chiếc xe khách và một người đi xe đạp, khiến người đi xe đạp chết ngay tại chỗ. "Lúc đó đã hơn 23h đêm, có người báo tin nên tôi đến hiện trường. Nạn nhân xấu số không còn được nguyên vẹn. Tôi tiến hành nhặt các bộ phận của nạn nhân rồi đắp chiếu chờ để bỏ vào quan tài" - ông Diễn kể lại.
Sau vụ việc đó, người tài xế gây ra tai nạn đã dúi một bọc tiền vào tay ông với ý đồ nhờ ông phi tang người chết để anh ta thoát tội. Nhưng ông Diễn không nhận tiền mà báo với cơ quan chức năng. Đêm hôm đó, ông nằm ngủ ngay bên cạnh cỗ quan tài đựng thi thể người xấu số để canh chừng tránh kẻ xấu phi tang xác.
Ông Diễn kể lại cái duyên số đưa ông đến với nghề nhặt xác.
Vị “bác sỹ” pháp y bất đắc dĩ
Ông Diễn kể về lần khâm liệm cho những nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông ở khu vũng Trám thuộc thị xã Tam Điệp giữa một xe tải lớn và một xe ca chở khách. Tai nạn đã khiến 12 hành khách trên xe chết tại chỗ. Tự tay ông Diễn nhặt nhạnh những phần thi thể văng tứ tung rồi khâm liệm họ vào quan tài. Do những hành khách xấu số đều là những người ở xa như Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng... nên việc báo cho người thân đến nhận xác cũng phải mất thời gian từ một đến hai ngày. Thế là 12 cỗ quan tài bày la liệt bên vệ đường và "chủ nhân" không ai khác ngoài ông Diễn. Ông Diễn bảo, phải mất hai đêm mới có thân nhân đến nhận dạng và đưa những người tử nạn về, chính tay ông khâm liệm nên ông phải túc trực 24/24h để tránh nhận nhầm người.
Đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông Diễn đột nhiên trở thành một "bác sỹ" pháp y bất đắc dĩ. Đó là những lần, những cái chết bí ẩn lâu ngày được lực lượng công an trên địa bàn Tam Điệp tìm thấy. Những lúc đó, ông Diễn đều được thông báo và có mặt kịp thời để làm công đoạn đầu tiên là khâm liệm tử thi.
Hỏi tiền công cho những lần khâm liệm, chôn cất là bao nhiêu, ông Diễn lắc đầu nguây nguẩy: "Tôi làm cái nghề này là để làm phúc cho con cho cháu, chưa lấy tiền của ai bao giờ, nhiều người mang tiền đến trả ơn nhưng tôi nhất quyết không nhận".
Những năm gần đây, do đời sống xã hội trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, tình hình tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, có những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng nên ông Diễn được UBND thị xã mời tham gia vào tổ cờ đỏ, tổ an toàn trật tự giao thông. Sau khi giúp vợ bán hàng, ông Diễn lại đứng túc trực như đang đợi lệnh để thi hành "nhiệm vụ" cao cả.
Từ chối nhận 17 cây vàng Chuyện nhặt được vàng bạc của cải từ những tử thi với ông Nhâm Bá Diễn như cơm bữa. 30 năm trước, một vụ tai nạn khiến một thanh niên quê gốc Nghệ An đang trên đường ra cảng Hải Phòng bị chết. Cũng như mọi khi, nhận được tin báo của dân chúng, ông Diễn nhanh chóng đến khâm liệm thi thể người xấu số rồi mang về nhà để chờ thân nhân đến nhận xác. Trong lúc khâm liệm, đốt quần áo, đồ đạc của nạn nhân, ông Diễn nhặt được 17 cây vàng từ đống tro tàn. Hai ngày sau, khi gia đình nạn nhân ra nhận xác, ông Diễn trao lại toàn bộ số vàng trên cho họ trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. |
Nhật Tân - Phương Dương