Chuyện chưa biết về dòng họ lùn nhất miền Trung

Chuyện chưa biết về dòng họ lùn nhất miền Trung

Thứ 6, 05/07/2013 15:12

Cả bốn đời của dòng họ Lưu này đều bị kiếp lùn vây bủa: Người cao nhất cũng không quá 1,33m.

Chính điều này đã khiến bốn đời nhà ông Lưu Qươn gặp phải nhiều khó khăn, sức khỏe không đảm bảo, khiến họ không thể lao động như những người khác; phải sống bám víu vào những đồng tiền trợ cấp của Nhà nước...    

Bốn đời đều thấp "lè tè"

Chúng tôi đến thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) tìm gia đình "lùn nhất Việt Nam". Trong cái nắng hè, cả gia đình ông Lưu Qươn đang oằn mình trong căn nhà tạm bợ cũng chỉ đủ để che nắng trú mưa. Trên đường dẫn chúng tôi đến gia đình người lùn này, một người hàng xóm cho biết, suốt mấy chục năm nay, gia đình những người lùn này phải bôn ba ngược xuôi kiếm ăn, nhưng do sức khỏe kém nên họ cũng chẳng làm nổi việc nặng, cuộc sống dần rơi vào cảnh bế tắc. Trong gia đình ông Lưu Qươn, ngoại trừ vợ ông là bà Phạm Thị Điểm là người cao nhất nhưng so với người thường lại như một đứa trẻ mới lớn, bà chỉ cao 1,33m; còn lại tám người, gồm cả ông Qươn và các con, cháu đều thấp lè tèâ.

Miền trung - Chuyện chưa biết về dòng họ lùn nhất miền Trung

Gia đình người lùn trong căn nhà cũ nát

Ông Qươn cho biết: "Mọi người xung quanh đều gọi chúng tôi là gia đình của "Nàng Bạch Tuyết và các chú lùn". Tuy buồn trước những lời dị nghị nhưng đó cũng là định mệnh mình cũng phải chấp nhận". Ông Qươn nay đã 84 tuổi, nhưng từ khi sinh ra, thân hình ông đã nhỏ bé, hai chân lại bị quỷnh co quắp, đến năm 20 tuổi thân hình ông cũng chỉ cao được 1,08m, ông là người thấp nhất trong nhà. Ông Qươn cho hay: "Nghiệp lùn" của gia đình ông có từ đời cha ông là Lưu Chấn. Ông Chấn sinh ra trong một gia đình bình thường, có hai người con. Nhưng ông Chấn lại bị chứng lùn, hai chân cũng bị quỷnh và thân người không cao quá một thước. Thế nhưng, trong thời kỳ chiến tranh, ông Chấn làm giao liên cho quân đoàn Quang Trung. Ông bí mật hoạt động, chậm rãi lê bước, tỏ ra mình là người dị tật không biết, không làm gì được để đánh lừa quân Pháp.

Và rồi, chiến tranh ác liệt, một hôm ông đi bán hoa quả nhưng không may bị địch phát hiện có thư liên lạc cho quân ta nên ông bị bắt giết, quân địch chặt ông làm ba khúc mang vứt xuống hố. Về sau, ông Qươn lớn lên, nhà nghèo lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông tưởng rằng mình sẽ không có vợ vì quá lùn. Nhưng duyên số ông gặp được bà Điểm. Vì thương ông nên họ thành vợ chồng và sinh được nhiều người con, nhưng đều bị bệnh tật và mất dần, hiện còn năm người con nhưng tất cả đều bị lùn. Người con trai đầu là Lưu Quạng (55 tuổi) chỉ cao được 1,31m; người con kế là Lưu Trịn (47 tuổi) cao 1,29m; tiếp đó là Lưu Tám (38 tuổi) cao 1,25m; Lưu Hai (35 tuổi) với chiều cao khiêm tốn là 1,1m. Cuối cùng là cô con gái út Lưu Thị Mười cũng lùn như một đứa trẻ, chỉ cao 1,1m, hai chân lại bị quỷnh, cong đều như vòng tròn.

Đến đời thứ tư của gia đình họ Lưu lại tiếp tục bị lùn và không cao quá 1,3m. Ông Lưu Quạng, lấy được người vợ là Nguyễn Thị Bích sinh ra hai đứa con gái cũng mắc chứng lùn: Người chị là Lưu Biểu (30 tuổi) chỉ cao hơn 1m; còn Lưu Thị Sáu thì cũng như người chị của mình, hai chân cũng bị quỷnh. Ông Lưu Trịn cũng có vợ nhưng không lâu sau đó thì vợ bỏ, bây giờ ông lủi thủi sống cùng cha mẹ già. Kiếp lùn đã vây lấy bốn đời trong gia đình này, cái gene di truyền từ đời trước vẫn không biến đổi, biết cảnh khổ, họ cũng đi khám nhiều nơi nhưng không ích gì. Ba anh em còn lại trong gia đình lùn cũng không dám mơ đến một gia đình hạnh phúc, họ lo sợ đời sau tiếp tục không thoát khỏi bệnh lùn kỳ lạ. Trong căn nhà nhỏ cả gia đình quần tụ như những chú lùn. Nhưng câu chuyện đời thường lại không như cổ tích xưa khi số phận đã được định sẵn.

Miền trung - Chuyện chưa biết về dòng họ lùn nhất miền Trung (Hình 2).

Một "chú lùn" đang vất vả tìm kế sinh nhai ở chợ

Khi cái lùn cản trở cuộc mưu sinh

Trên chiếc giường tre mục nát, ông Lưu Qươn đang thoi thóp nằm chờ miếng ăn. Ông nói, nhiều ngày nay phải ăn rau cháo qua ngày, cơm không nuốt nổi vì không biết ăn với gì khi giá cả tăng cao. Những năm gần đây, ông bị bệnh nặng, nhưng không hề có thuốc thang. Ông lão áo quần tả tơi, nằm vật vã trong cái nóng nực, không gượng dậy nổi trong khi các con cũng chen chúc ở nhà vì không có việc làm. Những đồng bạc lẻ của những người con kiếm ra không đủ cho chúng ăn sáng.

 Khi còn trẻ, vợ chồng ông bà làm việc cật lực để nuôi lớn những đứa con. Bà Điểm thì làm nghề bồng heo ở chợ heo Bà Rén hàng chục năm, rồi bươn chải kiếm thêm thu nhập. Ông Qươn chân bị  đau, phải lê từng bước một nhưng cũng thường xuyên đi làm lao công ở chợ, nhận dọn vệ sinh, còng lưng khuân vác, kéo xe thuê tại khu chợ. Thời ông Qươn còn làm một sào rộng, người bình thường làm đã khổ. Còn ông, khi lội xuống ruộng bón phân thì không thấy người ông đâu nữa. Về sau, sức khỏe yếu dần nên ông không thể làm ruộng. Ông xin đi phụ hồ, gánh nước để có đồng vào đồng ra trang trải cuộc sống. Bà Điểm cho hay: "Thấy gia đình chúng tôi bị bệnh, tuy sức khỏe yếu nhưng được cái nhiệt tình làm việc nên nhiều người cũng thương nên tạo cơ hội cho chúng tôi làm việc để có cái ăn nên cũng mừng".

Hiện nay, dù đã 83 tuổi nhưng bà Điểm vẫn miệt mài, cố hết sức tàn của mình để đi buôn cá. Bà phải mang gánh đi nhiều nơi, đến từng đầu hẻm, cuối xóm để mong có chút tiền lời chăm con đau bệnh. Khu chợ Bà Rén là nơi cứu sinh cho những người lùn nơi đây, cô gái Lưu Mười nay đã 30 tuổi nhưng cũng lẻ bóng một mình đi về sớm hôm. Chị hết bán vé số, rồi đi gánh nước uống cho những người trong chợ. Ngay từ sáng sớm, chị phải dậy mang xô đi khắp chợ để xin cơm thừa canh cặn về dồn lại, bán cho những người nuôi lợn. Mỗi xô cũng chỉ được 5 đến 7 ngàn đồng…

Ông Tám, ông Hai thì chỉ khuân vác được những giỏ trái cây, hay đi chà bàn ghế thuê khi chợ tan, và đồng tiền kiếm được cũng chỉ đủ để ăn bữa sáng, hay lúc quá chán đời thì nhâm nhi một chút rượu giải sầu. Những ngày không có việc làm họ nằm chỏng chơ, ba người trên một giường đợi trời sáng, để tìm được một công việc kiếm sống. Cuộc sống vất vả, cô độc  nhưng  cuộc đời bệnh tật lại hành hạ gia đình này. Ông Lưu Hai trước kia đi làm ở chợ nhưng bị người khác tranh giành, cự cãi dẫn đến ông Hai bị đòn gánh đánh vào đầu, rồi giá cho tội giật tiền người khác. Hiện nay, ông Hai thường xuyên bị động kinh lên cơn co giật… Ông Lưu Trịn bị lao phổi mới chữa hết. Ông Lưu Tám thì liên tục xuất huyết ra mũi, họng…

Gia đình thuộc diện đặc biệt nghèo

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khẳng (trưởng thôn Bà Rén) cho biết: "Gia đình ông Qươn thuộc diện đặc biệt nghèo, tuy lam lũ làm việc cả đời nhưng gia đình ông không đủ ăn. Thế nhưng, họ sống hòa nhã với xóm làng, thường giúp mọi người trong lễ ma chay. Chúng tôi thường xuyên vận động mọi người giúp đỡ để gia đình người lùn này có cuộc sống yên ấm hơn".

SƠN PHÚ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.