Kỷ niệm lần đầu gặp Bác
Bà Trần Thị Kim Cúc (SN 1936, ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mẹ phải đi mót lúa, làm thuê kiếm tiền nuôi con. Ngày qua ngày, chịu sự đàn áp, cướp bóc của bọn thực dân xâm lược nhưng ý chí kiên cường của cô gái trẻ vẫn còn đó, hừng hực ngọn lửa căm thù địch chứ không phút giây nào nguôi đi. Sớm giác ngộ cách mạng theo lý tưởng của Bác, cô giao liên nhỏ nhắn Trần Thị Kim Cúc đã quyết định đi theo con đường hoạt động bí mật từ khi mới 14 tuổi.
Cưới giả tình thật: Hai vợ chồng bà Cúc chụp ảnh cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Chủ tịch.
Bà Kim Cúc cho biết: "Người ta thường nói bà làm chức gì mà được gặp Bác nhiều lần đến thế? Nhưng thật sự được gặp Bác là điều may mắn và không tưởng đối với tôi". Song cơ duyên được gặp Bác của bà không hoàn toàn đến nhờ sự may mắn. Bởi nhờ có sự mưu trí, dũng cảm kiên cường của cô gái tuổi đôi mươi nơi chiến trường Đà Nẵng mới giúp bà gặp được Bác. Sau khi bà bị địch đóng đinh vào đầu, vết thương không thể trị khỏi, lại bị những cơn động kinh giằng xé, hành hạ bà suốt ngày đêm nên lãnh đạo tỉnh đã bí mật chuyển bà ra bệnh viện ngoài Bắc điều trị.
Năm 1966, tại bệnh viện Việt - Xô, bà được chuyển vào điều trị ở khoa A1, cùng nằm trong phòng có chị Mười quê ở TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Buổi chiều hôm đó, bà được tin báo có người ở Phủ Chủ tịch đến thăm. Tối đó, đúng 19h một chiếc xe con đến, dừng lại trước hiên khoa A1. Bà thấy một ông già tóc bạc với nét mặt hiền hậu, dáng cao thanh thoát và đi rất nhanh nhẹn. Tuy chưa được gặp Bác lần nào, nhưng được nghe kể nhiều về Bác, về lý tưởng của Bác nên bà cứ nghĩ rằng đó chính là Bác Hồ mà bấy lâu nay mình ngày đêm mong muốn được gặp.
Bà vội vã hét toáng lên vì vui mừng "Bác... Bác... đúng Bác rồi... chị Mười ơi!" rồi cố gắng chạy tới ôm chầm lấy Bác. Bác vội vẫy tay bảo: "Hai cháu ngồi ở đó, đừng chạy ra mà té". Ông Trịnh Kim Ảnh, Giám đốc bệnh viện thưa với Bác: "Chị Cúc bị nhiều vết thương trong đó có hai vết thương đặc biệt nghiêm trọng, một là vết thương bị đinh đóng vào đầu gây chấn thương não để lại di chứng nên không tránh khỏi những cơn động kinh kéo dài. Vết thứ hai ở cửa mình ra máu do mảnh vụn thủy tinh địch tra tấn gắp chưa hết, còn sót lại nên vẫn còn ra máu".
Nghe nói vậy, Bác liền âu yếm động viên, lấy tay xoa nhẹ lên đầu cô giao liên và bảo: "Bây giờ cháu thấy thế nào, có bớt đau hơn không, đêm cháu có nằm ngủ được không". Trào nước mắt, cô giao liên vội thưa: "Dạ bây giờ con đã ăn được, ngủ được, không còn đau như trước". Nói chuyện với Bác một hồi lâu, bịn rịn không dứt, bà Cúc không muốn để Bác ra về, sợ là ngày mai không gặp nữa. Bác đành dỗ dành và nói sẽ cho xe đến đón vào gặp Bác. Đó là lần đầu tiên mà bà gặp Bác.
Bà Cúc thời trẻ.
Bài học vô giá từ những lần gặp Bác
Chiều 10/6/1966, Bác cho xe đến đón bà và chị Mười vào dùng cơm với Bác. Trong mỗi bưa cơm, Bác đều muốn bà Cúc kể lại tình hình ở chiến trường Đà Nẵng, những đau khổ mà đồng bào ta phải khổ chịu. Mỗi đòn roi, mỗi cú đấm, mỗi trận đòn, mỗi chiến sĩ ngã xuống chiến trường miền Nam, Bác đều rơi lệ. Sau khi dùng cơm xong, Bác bảo: "Chiều ngày kia (tức chiều 12/6/1966), các cháu sang Trung Quốc chữa bệnh. Ở bên đó, có điều kiện hàng ngày tiếp xúc với người nước bạn, lúc khỏe thì các cháu nên tranh thủ học tiếng. Biết được các thứ tiếng nước ngoài chừng nào tốt chừng ấy, phòng khi ta nghe và nói chuyện trực tiếp với họ mà không cần phiên dịch".
Sau khi ở Trung Quốc về, bà liền xin về chiến trường miền Nam để tiếp tục chiến đấu nhưng Bác không cho vì sức khỏe còn yếu. Thấy Bác cương quyết nên bà đành xin được đi học, nhưng Bác lại bảo nếu học gấp quá, vết thương chưa khỏi hẳn gây áp lực não không chịu nổi. Ít lâu sau, vì quá ham học nên bà đã trốn Bác xuống học văn hóa tại trường Phổ thông Lao động Trung Ương. Tại đây bà học rất giỏi, học vượt chương trình và được nhiều thầy khen thưởng. Đầu năm 1969, Đài tiếng nói Việt Nam biểu dương về thành tích học tập, trong đó có Trần Thị Kim Cúc.
Nghe tin, Bác bảo đồng chí thư ký Vũ Kỳ đến trường đón bà vào gặp Bác. Lúc đó Bác đã yếu, đây cũng là lần cuối cùng mà bà được vinh dự gặp Bác. Trở về với cuộc sống đời thường tại căn nhà nhỏ số 149 đường Thanh Long (TP. Đà Nẵng), với di chứng vết thương vẫn còn đó, vẫn làm bà đau đớn mỗi khi thời tiết thay đổi. Thế nhưng tinh thần lạc quan, tin tưởng vào đất nước tươi đẹp, lòng cảm mến Bác Hồ mãi mãi tràn đầy trong lòng người con gái ấy.
Mối lương duyên cưới giả tình thật
Từ một cô gái thôn quê hồn nhiên, chỉ biết chiến đấu với địch không màng đến tình cảm cá nhân. Bỗng nhiên bà được cấp trên lệnh phải lấy chồng để đảm bảo bí mật hoạt động chiến đấu. "Do tình hình diễn biến phức tạp, địch vô cùng gian manh, không còn cách nào khác để đánh lừa bọn chúng, mong cháu hiểu và thông cảm để giữ bí mật cho chúng ta và hoàn thành nhiệm vụ". Đó là những dòng thư mà cấp trên đã gửi cho bà. Người được đề nghị kết hôn là anh Nguyễn Văn Tám cùng quê ở Hòa Vang.
Bà Cúc tâm sự: "Nói thật lúc đó tôi chỉ mới 15 tuổi, có biết gì là tình cảm nam nữ. Tôi chỉ xem anh Tám như anh trai của mình, báo cáo liên lạc rồi theo anh học chữ, đánh trận, chơi thân với anh Tám hơn ai hết. Năm 1958, quân địch tăng cường lùng sục truy bắt những người yêu nước, tình hình hoạt động gặp nhiều khó khăn, các chiến sĩ quân ta phải tìm cách che giấu bản thân". Sau khi cấp trên quyết định bà Cúc lấy anh Tám, tối đó anh Tám ăn cơm xong rồi tự nhiên xuống bếp nhìn bà một hồi lâu mới về. Bà Cúc từ đó nhìn anh Tám cảm thấy ngượng ngùng, mặt cứ đỏ rần lên. Sau ngày ấy, cảm giác lấy chồng cứ nôn nao trong lòng cô gái trẻ.
Ngày 27/1/1958, hôn lễ diễn ra tại một vườn cây xanh có các đồng chí lãnh đạo và cán bộ cơ sở. Anh Cách thay mặt tổ chức huyện ủy Hòa Vang trao cho đôi uyên ương hai huy hiệu đoàn và sách "Thép đã tôi thế đấy". Trong đám cưới đơn sơ, cô dâu không áo cưới, chú rể thì mặc bộ bà ba nâu đen, không tiệc rượu, cả 2 chỉ đứng nghe lời chúc phúc của đồng đội. Cứ ngỡ đám cưới là giả để che mắt quân địch, nên khi đó bà Cúc cũng không để ý gì nhưng không ngờ tình cảm lại đến thật trong cảm giác của hai người.
Những ngày đầu về nhà anh làm dâu, làm vợ, bà vô cùng bỡ ngỡ. Bà sợ rồi e thẹn, nhưng anh Tám luôn vỗ về, che chở, an ủi bà... Càng về sau anh Tám càng thương yêu, chăm sóc uốn nắn bà từng việc nhỏ. Bà kể, lúc đó bà đã yêu, đã mến anh Tám nhưng sợ gia đình anh phong kiến, lễ giáo. Nhà anh Tám không giàu, nhưng có tiếng là nhiều ruộng đất, thân sinh, bà, chú, ông đều là Chánh phó, Hương làng, còn nhà bà lại đối lập hoàn toàn. Thế nhưng trong thời chiến, khoảng cách đó chỉ là vô hình đối với đôi uyên ương này. Rồi cứ thế họ thư từ qua lại, tình cảm dần mặn nồng.
Sau khi đi quân dịch được 4 tháng, anh Tám được về lại Đà Nẵng, lúc đó ở nhà bà Cúc hạ sinh được một bé gái đặt tên là Dung. Cuộc sống đang rất hạnh phúc nhưng không lâu sau anh Tám đã bất ngờ hy sinh trong một trận càn quét của địch. Chồng hy sinh, còn bà mang theo thương tật trên người, ra Bắc điều trị. Sau giải phóng một người đồng đội cùng hoạt động với bà cảm động trước chuyện tình đẹp đó nên đã ngỏ lời cầu hôn. Ngẩng mặt nhìn lại di ảnh của chồng cũ, một nét thoáng buồn bà nói: "Cũng duyên số mà các vị lãnh đạo đã tác hợp cho tôi có một cuộc tình đẹp, đó là tình yêu, là niềm tin để tôi sống và chiến đấu".
Sơn Phú - Du Ngoạn