Chuyện chưa kể về cụ ông gần 50 năm đi tìm tư liệu quý về Bác

Chuyện chưa kể về cụ ông gần 50 năm đi tìm tư liệu quý về Bác

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 5, 17/11/2016 19:12

Ông Trần Đức Hồi dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy - 74 tuổi nhưng trong con người ấy lúc nào cũng luôn ánh lên niềm vui khi nhắc đến Bác Hồ.

Chuyện chưa kể trong gần 50 năm đi tìm tư liệu quý về Bác Hồ

Tìm đến tư gia cựu chiến binh Trần Đức Hồi tại phố Nguyễn Đức Cảnh, tổ 46, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Trò chuyện với người đàn ông 74 tuổi này chúng tôi nhận thấy ông luôn ánh lên sự tự hào xen lẫn niềm kính trọng khi nhắc đến vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc mang tên Hồ Chí Minh.

Ông Trần Đức Hồi vừa nói vừa giới thiệu với chúng tôi những sách báo, tranh ảnh về Bác Hồ và đặc biệt là tài liệu về Bác do ông tự ghi chép bằng tay. Căn gác nhỏ của ông lưu trữ lại hết tất cả những tư liệu về Bác khiến ai mới lần đầu bước vào cũng đều bất ngờ và bày tỏ sự thán phục.

Cựu chiến binh Trần Đức Hồi kể, năm 1959 khi ấy ông tròn 17 tuổi khi được nghe kể những mẩu chuyện về Bác Hồ cộng với ước mơ trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ đã thôi thúc chàng trai trẻ viết đơn lên đường nhập ngũ. Ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu trong đội Lữ đoàn Pháo binh 378.

Trong quá trình tham gia quân ngũ, ông Hồi đã không biết bao nhiều lần được nghe nhiều người kể lại những câu chuyện về Bác, cứ thế ông ghi nhớ và chép cẩn thận vào cuốn nhật ký. Những mẩu chuyện về Người cứ dày lên trong từng trang giấy của anh lính trẻ.

Dân sinh - Chuyện chưa kể về cụ ông gần 50 năm đi tìm tư liệu quý về Bác

 Ông Trần Đức Hồi bên những tư liệu quý về Bác Hồ.

Ước mơ được một lần gặp Bác Hồ của chàng trai trẻ cuối cùng cũng trở thành hiện thực, đó là vào ngày 1/6/1960 ông Hồi vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu của thế hệ trẻ Lữ đoàn Pháo binh 378 về Thủ đô Hà Nội nghe Bác nói chuyện.

Ông Hồi nhớ lại: “Khi ấy chúng tôi ở trên miền núi đi xuống Thủ đô nên cũng không biết gì, chỉ biết khi Bác Hồ xuất hiện có người hô “Bác Hồ đến rồi, Bác Hồ đến rồi”, tất cả chúng tôi chỉ biết ào ra đứng ngắm nhìn chân dung của Bác. Cuộc gặp Bác năm ấy như một kỷ niệm mà cuộc đời tôi không bao giờ quên được ”.

Sau lần gặp đó, người lính trẻ trở về đơn vị học tấp, phấn đấu. Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ và thử thách của một người lính, anh trở thành sĩ quan rồi cao hơn là chỉ huy đơn vị. Cho đến năm 1969 khi nghe tin Bác Hồ mất, không chỉ có ông mà cả đơn vị Lữ đoàn Pháo binh 378 hụt hẫng vô cùng.

Kể từ đó ước muốn sưu tầm những tài liệu về Bác đã hình thành và khắc sâu trong tâm trí của ông Hồi và rồi những hình ảnh, tư liệu quý giá về Bác đều được ông ghi chép và lưu giữ cẩn thận.

Năm 1975 sau khi Lăng Bác được khánh thành ông Hồi tiếp tục vinh dự được cử xuống vào Lăng viếng Bác: “Khi thấy Bác nằm đó, tôi và nhiều người nữa đã òa khóc vì xúc động. Sau bao năm chúng tôi lại được nhìn thấy Người”.

Đến năm 1983, ông Hồi nghỉ hưu và sinh sống cùng vợ và các con tại thành phố Yên Bái. Từ ngày nghỉ hưu ông cho biết mình có nhiều thời gian để chuyên tâm hơn vào công việc sưu tầm những tài liệu về Bác.

Gần 50 năm qua, bằng tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những công lao của vị anh hùng dân tộc, Trần Đức Hồi đã không quản ngại ngày đêm ghi chép tất cả những sự kiện lịch sử gắn với Bác Hồ. Công việc của ông cứ diễn ra một cách thầm lặng ngày qua ngày, tháng qua tháng để rồi mãi những năm gần đây nhiều người mới biết đến công việc mà ông đã bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm.

Trải qua gần 50 năm sưu tầm, kho tàng tư liệu về Bác Hồ của ông Hồi cứ dày lên theo năm tháng với 155 các tài liệu sách báo, ghi chép lại được 153 quyển và 4.365 bài viết, bài nói của các vị nguyên thủ quốc gia, các giáo sư, viện sĩ, các nhà khoa học, sử học và nhiều người vinh dự được gặp Bác Hồ trong và ngoài nước, ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chưa dừng lại ở đó, trong số tài liệu mà ông Hồi có được phải kể đến 451 bức ảnh của Bác qua các thời kỳ hoạt động cách mạng vẫn được giữ nguyên trên sách báo, các tập tài liệu. Ngoài ra đặc biệt hơn là có gần 20 bức ảnh đen trắng do đồng chí Đinh Đăng Định chụp từ năm 1949 đó là những bức ảnh rất quý về Bác.

Trăn trở việc lưu giữ kho tàng tư liệu quý về Bác

Ông Hồi chưa bao giờ cho phép mình hài lòng với công việc sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về Bác Hồ gần 50 qua. Cứ mỗi khi có sự kiện lịch sử, thông qua báo chí, tài liệu, tranh ảnh về Bác là ông lại tìm cho bằng được. Thậm chí, có những người biết sở thích của ông nên lặn lội đường xá mang đến tặng tận tay. Nhận được những tư liệu quý đó ông nâng niu và trân trọng cất giữ cẩn thận.

Xuyên suốt quá trình sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một việc làm khiến không ít người nể phục đó là tất cả những tư liệu về Bác đều được ông Trần Đức Hồi ghi chép lại bằng tay thành hệ thống qua từng giai đoạn lịch sử. Những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác ra sao hay những bài phát biểu của Bác đều in sâu trong trí nhớ của vị cựu chiến binh năm nào.

“Khi ngồi bắt đầu vào ghi chép là tôi quên hết thời gian, có hôm viết đến tận sáng mà chưa thấy mỏi. Những tài liệu của tôi chép tay được viết bằng vở học sinh bởi tôi mong muốn có thể giúp phần nào giáo dục các cháu từ thuở nhỏ về lịch sử nước nhà”, ông Hồi tâm sự.

Dân sinh - Chuyện chưa kể về cụ ông gần 50 năm đi tìm tư liệu quý về Bác

Quá trình sưu tầm tư liệu về Bác đã tạo cảm hứng cho ông Hồi sáng tác nên những vần thơ như chính lời tâm sự của những người con dành cho vị cha già dân tộc: “Hơn 40 năm con theo hình bóng Bác/Từ buổi ban đầu Người đi tìm đường cứu nước/ Vượt đại dương bốn bề sóng nước/ Để đi tìm chân lý cứu nước non”.

Trong quá trình sưu tầm tư liệu ấy, ông Hồi cũng gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà ông chùn bước. Ông bộc bạch: “Hiện nay có nhiều bạn trẻ quên lãng lịch sử, chính công việc này đã giúp tôi lật lại lịch sử. Hi vọng sau này con cháu tôi và nhiều thế hệ trẻ sẽ quay trở lại lịch sử bởi “dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Khi trò chuyện với PV, ông Hồi gọi những tài liệu sưu tầm về Bác của mình là “công trình đi qua hai thế kỷ”. Chính vì thế, ở cái tuổi hơn 70 ông cũng chỉ mong muốn làm sao các cơ quan chức năng sau này có thể giúp ông lưu giữ, bảo quản được kho tàng tư liệu quý giá này. Bên cạnh đó, ông Hồi có một ước nguyện cá nhân đó là trước khi nhắm mắt xuôi tay được một lần quay trở lại lăng viếng Bác, thăm lại nhà sàn, ao cá Bác Hồ.

Thanh Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.