Đi theo tiếng gọi từ trái tim
Vào một buổi chiều của những ngày cuối tháng 8/2024, thông qua lời chỉ dẫn của một người dân, PV Người Đưa Tin đã may mắn tìm được nhà của ông Nguyễn Xuyến, 101 tuổi, trú ở kiệt 65, đường Phan Bội Châu, phường Phước Vĩnh, Tp.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế để nghe ông chia sẻ những câu chuyện về thời kỳ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa từ 79 năm về trước. Ông Xuyến là một trong những nhân chứng lịch sử từng hoạt động trong Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ (1945-1946).
Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Xuyến bồi hồi kể lại: “Tôi là người con của quê hương đất võ Bình Định từ quê nhà ra Huế học. Cách mạng tháng 8/1945 thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thế hệ của chúng tôi đứng trước rất nhiều sự lựa chọn, một là tiếp tục học, hai là tham gia hoạt động cách mạng theo tiếng gọi của Tổ quốc. Bấy giờ, theo tiếng gọi của trái tim người con đất Việt, tôi đã chọn đi theo con đường cách mạng”.
Ông Xuyến cho biết, thời điểm này, đồng chí Đào Duy Dếnh (em trai ruột nhà sử học nổi tiếng Đào Duy Anh và nhà cách mạng Đào Duy Kỳ) là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam năm 1938, vượt ngục trở về Nam Trung Kỳ. Năm 1940, đồng chí Đào Duy Dếnh làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Năm 1942, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai và đày đi Côn Đảo. Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công, Đào Duy Dếnh về đất liền và trở lại hoạt động ở Huế được đồng chí Nguyễn Chí Thanh giao nhiệm vụ gấp rút tổ chức Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ, đồng thời làm Đội trưởng và huấn luyện viên chính.
Lúc đó, vào thượng tuần tháng 9/1945, được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Đội trưởng Đào Duy Dếnh đã yết bảng chiêu tập các thanh niên cả nam và nữ có trình độ văn hóa tương đương bằng “thành chung” hoặc tú tài thời Pháp thuộc để dự khóa huấn luyện thời gian chỉ trong một tháng nhằm đào tạo trở thành đội viên TTXP. Với nhiệm vụ là tuyên truyền cho chính quyền cách mạng, góp phần củng cố chính quyền Nhân dân non trẻ sau Cách mạng tháng Tám, Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ đã tham gia diễn thuyết, biểu diễn văn nghệ từ đô thị đến thôn, bản, nơi rừng núi, rẻo cao. “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ và nhiều lúc đụng độ với địch ở một số mặt trận, tuy nhiên, bản thân tôi cũng như những đồng chí khác trong đội vẫn luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Xuyến nhớ lại.
“Chỉ sau hơn 1 tháng giành chính quyền, vào tháng 10/1945, khóa I huấn luyện cấp tốc Đội TTXP Trung Bộ đã diễn ra, khóa này đã đào tạo hơn 10 tiểu đội gồm nam và nữ được chiêu tập vào cuối tháng trước. Đặc biệt, trong số các học viên khóa này có 4 giảng sự Phật học Trung bộ. Kế liền khóa I, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ thị cho Đội trưởng Đào Duy Dếnh mở tiếp khóa II vào cuối tháng 10; đầu tháng 11 năm đó để huấn luyện thêm một số đội viên nữa học cùng chương trình như khóa I”, ông Xuyến chia sẻ thêm.
Nhiệt huyết của tuổi trẻ
Theo ông Xuyến, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất và trong những thời điểm gian nan nhất, đồng chí vẫn kiên quyết bám đất, bám địa bàn, đi sâu đi sát với Nhân dân và quân đội. Với các lớp huấn luyện, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường đến thăm lớp và dành nhiều thời gian cùng với Đội trưởng Đào Duy Dếnh xem các tiểu đội trình duyệt các vở kịch ngắn sẽ được biểu diễn phục vụ công chúng khi đi làm nhiệm vụ trên nhiều địa bàn khác nhau trong toàn xứ.
Các chủ đề tuyên truyền của Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ là giới thiệu rõ về Mặt trận Việt Minh, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kêu gọi quần chúng nhân dân chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm đã kéo vào Nam Bộ và cả các tỉnh phía nam của Trung Bộ. Đồng thời, kêu gọi đồng bào ủng hộ binh sĩ của ta trên mặt trận Nha Trang, Nam Bộ, Trung Lào và đặc biệt cổ động cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6/1/1946.
“Mặc dù các đội viên tuổi đời còn trẻ hầu hết đều ở lứa tuổi 18, 20 nhưng với sự nhiệt huyết của tinh thần cách mạng họ đã diễn thuyết ở mọi nơi, những nơi tập trung đông người như trên tàu hỏa, ngoài đường phố. Dù mỗi người một miền quê khác nhau nhưng cùng chung một chí hướng. Đó là vận động Nhân dân vùng lên đấu tranh bảo vệ chính quyền”, ông Xuyến nói.
Ông Xuyến kể lại, khi có Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, giữa Chính phủ ta và Phái đoàn của Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bàn bạc với Đội trưởng Đào Duy Dếnh chuyển một số tiểu đội sang Tỉnh bộ Việt Minh Thừa Thiên như một số tỉnh khác đã thực hiện. “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn chỉ thị đồng chí Đào Duy Dếnh huy động gấp lực lượng TTXP Trung Bộ vào nhiệm vụ đặc biệt là lùng quét bọn Quốc Dân đảng từ Hà Nội vào thâm nhập Cố đô Huế để quậy phá ta nhân có Hiệp định Sơ bộ”, ông Xuyến cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau Cách mạng tháng 8/1945, Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ được đồng chí Nguyễn Chí Thanh thành lập. Trụ sở Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ đặt tại Phủ Tôn Nhơn cũ trong Thành nội Huế.
Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, chương trình đào tạo của Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ gồm: Tư cách một người cách mạng có lòng yêu nước và lòng thương dân; biết đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Nhiệm vụ cấp bách sau Cách mạng tháng 8/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, gấp rút chống giặc đói; dốc sức chống giặc dốt cùng lòng chống giặc ngoại xâm tiến tới Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
“Các loại hình hoạt động của Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ gồm: Diễn thuyết, ca nhạc, kịch ngắn, tranh ảnh. Đồng thời, truyền bá kịp thời một số bài ca cách mạng trong quần chúng nhân dân”, thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Hôm nay đây, trong số các đội viên Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ có người đã đi xa, có người già yếu nhưng ai cũng tự hào rằng, tuy đội thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn nhưng có vai trò, ví trị quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.
Được biết, dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi ngày, ông Xuyến vẫn ngồi vào bàn làm việc của mình để viết báo, những bài viết của ông chủ yếu tập trung ở các chủ đề về xây dựng Đảng về Bác Hồ và các sự kiện trong năm.