Đã từng đi, viết nhiều về những mảnh đời hoàn lương, thế nhưng, khi ngồi đối diện với người đàn ông đã có một tuổi trẻ lầm lỡ chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Vì dường như, anh Nguyễn Văn T. (SN 1974, Thanh Oai, Hà Nội) đang coi quá khứ như một bài học của cuộc đời mình và vui vẻ kể cho chúng tôi nghe.
Anh T. sinh trưởng trong một gia đình nghèo. 15 tuổi anh đã phải đi nhặt rác, đánh giày để kiếm sống. Sau đó, theo bạn bè đi làm bốc vác ở bến xe Hà Đông. “Tuổi thơ cơ cực, va chạm xã hội sớm khiến tôi chai lì và không biết sợ. Năm 20 tuổi, tôi thường xuyên tham gia đòi nợ thuê, địa bàn từ Hà Nội lên Hòa Bình. Còn thời gian rảnh rỗi, tôi đi đánh giày kiếm thêm chút tiền tiêu. Tôi kiếm được tiền nhưng không gửi được đồng nào về cho bố mẹ. Bởi, thời điểm đó tôi vẫn giấu công việc này với gia đình. Tôi chỉ nói với bố mình đi bốc vác ở các bến xe, tiền kiếm được chỉ đủ sống”, anh T. kể.
Khi “có máu mặt” trong giới giang hồ, anh T. không sợ bất kỳ ai. Thậm chí, ai đụng đến là anh sẵn sàng phản ứng, đánh lại họ. Cơ thể anh chằng chịt những vết sẹo, một ngón chân cũng “ra đi” sau những trận đánh đấm.
Năm 20 tuổi cũng là năm anh biết vị cơm tù. Rồi một buổi chiều, khi đi đánh giày, anh xung đột với một vị khách của mình. Không chịu nổi những lời nói chế giễu, anh T. đã vớ lấy con dao cạnh đó chém đứt cánh tay của vị khách kia.
“Thấy vị khách đó bị đứt một cánh tay, tôi rất sợ hãi và bỏ trốn. Giữa tháng 8/1995, khi về nhà ngồi ăn cơm với gia đình thì tôi bị Công an Hòa Bình bắt, sau đó bị kết án 3 năm tù giam vì tội Cố ý gây thương tích và thụ án tại trại giam Ba Sao (Thanh Hóa). Ba năm ngồi tù không khiến tôi thức tỉnh, khi ra tù tôi tiếp tục làm bảo kê cho một nhóm xe ôm ở bến xe Giáp Bát, rồi một số nhà hàng, sòng bạc”, anh T. cho biết.
Thấy con trai ngày càng lún sâu vào tội lỗi, nhiều lần bố mẹ anh T. tìm đến khuyên anh quay trở về, tìm một công việc lương thiện để bắt đầu lại cuộc sống. Nhưng, bỏ ngoài tai mọi khuyên răn của đấng sinh thành, anh T. tiếp tục kiếm tiền bằng con đường của kẻ ưa giải quyết sự việc bằng nắm đấm. Cuối cùng bố mẹ anh đã làm đơn xin cho anh nhập ngũ. Cuối năm 1998, anh T. đi lính.
(Còn nữa)
Xem thêm:
Hành trình tìm lại chính mình của người chồng vướng vòng lao lý
Hành trình thoát khỏi ‘nàng tiên nâu’ của những người đàn ông lầm lỡ
M.Thu