Chuyện chưa kể về lễ ra mắt thị trấn Việt tại Mỹ

Chuyện chưa kể về lễ ra mắt thị trấn Việt tại Mỹ

Thứ 2, 09/09/2013 11:00

Sự kiện ra mắt thị trấn cà phê Việt PhinDeli đã tạo một cơn địa chấn truyền thông. Có nhiều chi tiết rất thú vị chưa được kể - được thị trưởng Phạm Đình Nguyên chia sẻ với báo Nguoiduatin.vn từ California.

Buổi lễ khai trương thị trấn PhinDeli diễn ra như thế nào thưa ông?

Buổi lễ diễn ra thành công nhiều hơn chúng tôi mong đợi. Dự kiến khách mời chỉ có 80 nhưng cuối cùng lại đến 152 người. Có nhiều người đến rải rác sau buổi lễ, vì họ phải bận đi làm.

Chị Kỳ Duyên đã làm xuất sắc cho vai trò MC và duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống. Kỳ Duyên dẫn dắt chương trình rất là hóm hỉnh, tạo một không khí rất thân mật. Chị đã phải thay đổi lịch bay về Việt Nam, sau khi nhận lời làm khách mời danh dự cho buổi lễ mang tính lịch sử này.

Bất động sản - Chuyện chưa kể về lễ ra mắt thị trấn Việt tại MỹMC Kỳ Duyên dẫn chương trình buổi lễ

Văn phòng hai thượng nghị sĩ Enzi office và John Brasso đã cử tổng cộng 6 đại diện, trong khi đó một hạ nghị sĩ Bang Wyoming bà Cynthia Loomis cũng đã cửa đến 2 đại diện. Chưa kể còn có những quan chức khác của Bang và Hạt. Hai phó cảnh sát trưởng của Hạt Albany gần đó cũng được điều động đến để hỗ trợ khi cần. Báo chí thực sự quan tâm sự kiện mang tính lịch sử này.

Cụ thể báo chí quan tâm đến sự kiện này như thế nào?

Báo chí đến tham dự nhiều hơn mức bình thường.  Một khách mời trong buổi lễ là ông Kip Cheroutes, giảng viên PR/quan hệ chính phủ ở trường đại học Denver (Bang Colorado) đã nhận xét, chưa có sự kiện khai trương nào ở Mỹ được báo chí quan tâm một cách bất thường như vậy.

Các đài lớn của Mỹ như CBS, ABC, PBS đều dành thời gian để đưa tin. Cá biệt có đài như CBS còn đưa tin 2 lần. Lần đầu là trước buổi lễ 1 ngày và lần sau vào đúng ngày lễ, họ cử một đội hùng hậu hơn.

Những tờ báo lớn như New York Times, The New Yorker, Bloomberg, LA Times đều có phỏng vấn tôi để viết bài sâu hơn. Một số báo lớn khác như Telegraph (Anh), Herald Tribute (Úc) cũng đăng lại bài viết của những hãng thông tấn lớn như AP, Reuters.

Bất động sản - Chuyện chưa kể về lễ ra mắt thị trấn Việt tại Mỹ (Hình 2). Thị trưởng Phạm Đình Nguyên bắt tay với ông chủ cũ Don Sammons

Tôi còn nhớ, có phóng viên LA Times gọi điện cho người đại diện truyền thông của PhinDeli cô Amy Bates muốn được phỏng vấn tôi trên điện thoại di động. Phóng viên nữ này tên là Anh Do, phụ trách mục Văn hóa/Kinh doanh. Chúng tôi trò chuyện tiếng Anh một lúc thì cô ấy nói, nếu tôi cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Việt, thì cô ấy sẽ cố gắng lắng nghe và ghi chép. Cô ấy cho biết, là cô rất tự hào khi phỏng vấn một người Việt có ý tưởng “không gì không thể” như vậy.

Cộng đồng ở Mỹ đón nhận sự kiện ra mắt thị trấn cà phê Việt như thế nào, thưa ông?

Thú thật là lúc đầu tôi cũng hơi lo vì có dư luận trái chiều ở địa phương cho sự kiện đổi tên này. Cư dân địa phương đã đến rất đông – muốn trực tiếp biết tương lai của thị trấn 147 năm lịch sử như thế nào.

Bằng thái độ chân thành hơi pha dí dỏm chúng tôi đã giải thích cho họ yên tâm, rằng tôi sẽ giữ lại những gì đã nên tên tuổi của Buford và sẽ viết tiếp một trang sử mới. Thị trấn sẽ tiếp tục là “thị trấn nhỏ nhất nươc Mỹ” với 1 cư dân.

Có cặp vợ chồng không đến dự lễ được đã tặng tôi món quà là chiếc khăn quàng cổ cùng thiệp mời nhỏ viết rất dễ thương. Có phóng viên radio đã tặng tôi chiếc nón ca-bồi ông đang đội, mong muốn tôi sẽ tiếp tục gìn giữ văn hóa Wyoming như tôi gìn giữ văn hóa Việt vậy và tôi rất cảm động.

Có một người Mỹ là nhân viên của FBI (Cục điều tra Liên bang) tên là Tim cũng ghé qua. Anh và gia đình đang nghỉ phép ở Denver, tranh thủ ghé qua xem buổi lễ. Điều ngạc nhiên ở Tim là khả năng nói tiếng Việt khá dí dỏm: “Tên tôi là Tim. Còn đây là trái tim tôi!” Tim cho biết, đọc báo thấy có lễ ra mắt thị trấn Việt, nên muốn đến chia vui.

Tôi nghĩ, có lẽ người Việt ở Mỹ đón nhận sự kiện này hào hứng hơn cả. Tôi đã đón tiếp 4 gia đình người Việt đến Buford một ngày trước buổi lễ. Thời điểm đó là ngày Lễ Lao động (2/9) họ tranh thủ đi chơi.

Có cặp gia đình 4 người lái xe từ Denver khoảng 2,5 tiếng đến chơi. Họ đọc báo biết đến sự kiện này nên muốn đến gặp tôi và họ cảm thấy rất tự hào khi có một thị trấn Việt ngay trên đất Mỹ, do chính người Việt sở hữu.

Ấn tượng nhất có lẽ là một cô gái Việt, nói tiếng Việt rất ít đi cùng với bà mẹ từ San Francisco tới để xin được làm phim về PhinDeli và mong tôi tạo điều kiện cho cô tiếp tục quay phim về tôi ở Việt Nam để tham dự liên hoan phim ngắn ở Mỹ. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cô luôn bị dằng xé giữa 2 nền văn hóa và luôn tìm kiếm câu trả lời: “Tôi là ai và tôi thuộc về đâu”. Cô đã tìm thấy câu trả lời trong câu chuyện của tôi. Và cô muốn chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng này với những người Mỹ gốc Việt khác.

Xin cám ơn ông!

P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.