Đời người, năm tháng, một hành trình dài của tuổi trẻ, của những khao khát, đam mê và máu lửa trong công việc, cuộc sống, tôi tự hào đã và đang đồng hành cùng một tập thể ngày càng lớn mạnh. Nó như một phần máu thịt, như ngọn lửa cháy mãi ở trong tim…
Sau khi tốt nghiệp đại học một thời gian, tôi xin về báo Đời sống & Pháp luật làm việc. Đó là năm 2005, khi ấy tòa soạn nằm ở con phố khá yên tĩnh mang tên một nhà văn tài hoa: Nguyên Hồng.
Bước vào nghề với bao bỡ ngỡ, tôi đã được các anh, chị làm báo đi trước chỉ bảo và dìu dắt qua từng con chữ, từng đề tài đến cách tác nghiệp. Với tôi, từ những ngày đầu làm báo Đời sống & Pháp luật, xuyên suốt cho đến bây giờ, bước qua mọi thăng trầm của số phận, những thử thách, chông gai, tôi vẫn giữ nguyên một tâm niệm không suy suyển: Đó là lòng biết ơn các anh chị đồng nghiệp và các lãnh đạo đã tin tưởng và đặt vào tôi hai chữ niềm tin.
Báo kỷ niệm 20 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên, cũng là mốc son cho tôi nhìn lại mình.
Mỗi ân tình mà tôi nhận được từ các anh, chị đi trước, mỗi bài học, sự vấp ngã mà tôi trải qua đã giúp tôi trưởng thành hơn. 20 năm ấy, biết viết sao cho hết, kể sao cho đủ và giãi bày sao cho thấu tận tâm can. 20 năm ấy, biết bao kỷ niệm, bao biến cố và thăng trầm, có may mắn, hạnh phúc, có cả những nỗi đau âm thầm và niềm vui vỡ òa trong nước mắt.
Với tôi, có những ân tình nhận được xin khắc cốt ghi tâm. Đó là lòng biết ơn sâu sắc, thẳm sâu trong trái tim, khối óc mà đôi khi tôi muốn diễn đạt song ngôn từ cũng bất lực.
Và cũng có những buồn, vui, chắc hẳn tôi sẽ mang theo cả khi giã từ cuộc sống…
Như hành trình dài trên một chuyến tàu, có người đi hết hành trình, có người đã xuống sân ga, theo một ngã rẽ khác. Dọc đường gió bụi, ai làm nghề cũng từng bôn ba khắc mọi miền Tổ quốc để rồi khi nhớ về, lại bồi hồi xúc động.
Sau quãng thời gian còn ít người biết đến, những năm 2010, báo Đời sống & Pháp luật bắt đầu bước chuyển mình thần kỳ mình dưới sự lãnh đạo của người thuyền trưởng tài ba, cùng những cuộc cải cách mang tính đột phá. Cuộc “cách mạng” này đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt cho sự phát triển rực rỡ của báo Đời sống & Pháp luật.
Những ngày đầy máu lửa ấy, tôi với vai trò một phóng viên trẻ đầy đam mê và tâm huyết đã cùng các đồng nghiệp xông pha trên khắp các cung đường để tìm tòi, phát hiện, viết những tác phẩm đầy máu lửa phục vụ bạn đọc trong cả nước.
Trong rất nhiều nội dung đề tài mà tôi đã thực hiện, với nhiều kỷ niệm không phai mờ, tôi nhớ mãi kỷ niệm về loạt bài liên quan đến tướng cướp Bạch Văn Chanh.
Tướng cướp Bạch Văn Chanh được ví như một “Bạch Hải Đường” của miền Bắc. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, các tỉnh miền Bắc như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam Ninh (Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định - PV) đều khiếp sợ trong nỗi ám ảnh về “bóng ma” tướng cướp Bạch Văn Chanh.
Tư liệu về Bạch Hải Đường tôi không có, chỉ là đọc trên các phương tiện truyền thông, qua các bài viết của đồng nghiệp. Song tướng cướp Bạch Văn Chanh thì khác tôi nắm khá rõ. Bạch Hải Đường nhiều phần thêu dệt mang dáng dấp hư hư, thực thực, Bạch Văn Chanh không thế. Y có những tội ác với tang chứng rành rành, hành vi tàn độc và nguy hiểm, quỷ quyệt và liều lĩnh, cùng sự khét tiếng tàn bạo. Bạch Văn Chanh sẵn sàng kề súng AK vào họng đàn em và bóp cò chỉ để “thanh trừng nội bộ”, y liều lĩnh đột nhập trại giam để “trộm” súng của công an, ý nã đạn vào nhà dân để cảnh báo và trả thù vì báo tin…. Do đó, mỗi tư liệu về Bạch Văn Chanh đều như bằng chứng sống về độ man rợ của y và đồng bọn.
Khi bắt đầu tìm hiểu về tướng cướp Bạch Văn Chanh, ngoài các nguồn tư liệu khai thác được, tôi đã chọn phương án liên hệ với Công an tỉnh Hà Nam, nơi tôi kỳ vọng sẽ có thêm nguồn tin. Quả nhiên, nơi đây còn lưu giữ những hồ sơ tư liệu về tướng cướp này từ thời còn là tỉnh Hà Nam Ninh.
Thời điểm đó, rất khó khăn trong quá trình liên hệ, tác nghiệp, viết bài và xây dựng niềm tin, tôi mới có trong tay bản kết luận điều tra về các vụ án liên quan đến tướng cướp Bạch Văn Chanh, của tỉnh Hà Nam Ninh, được lưu giữ trong tàng thư của công an tỉnh Hà Nam.
Có thể, tôi là một trong số ít phóng viên viết về Bạch Văn Chanh lần mò để có được bản kết luận điều tra này. Những năm đó, bằng việc tiếp cận với các nguồn tư liệu, tôi dựng được một loạt bài viết liên quan. Tuy nhiên, việc lấy tư liệu, gặp gỡ các nhân vật liên quan, hoặc có thông tin về Bạch Văn Chanh ở Hà Nam chưa phải là tất cả. Khi các hướng khai thác tập trung về Lạng Sơn, nơi Chanh tung hoành ngang dọc, gieo rắc bao tội ác, tôi đi ngược lại. Tôi về nơi “khởi nguồn của tội ác”, để tìm hiểu, nắm bắt, khai thác bằng góc nhìn khác. Đó chính là quê hương Bạch Văn Chanh - huyện Đồng Văn, Hà Nam.
Hành trình tội ác, những âm mưu và thủ đoạn, giăng bẫy và sát nhân, tình ái và súng nổ, sát hại và cưu mang, trả ơn và báo oán, bóng hồng và tội lỗi… tất cả đều có trong cuộc đời tướng cướp này. Ngày đó, là phóng viên trẻ máu lửa, tôi đã viết loạt bài dài kỳ nối tiếp như một phần của hành trình tác nghiệp, và của của cảm xúc. Sau này, có thời gian với tư liệu ngồn ngộn về tướng cướp Bạch Văn Chanh, rất có thể tôi đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết đầy kịch tính...
Có chuyện ngoài hồ sơ, mà đến nay nhân kỷ niệm 20 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên của Đời sống & Pháp luật, tôi mới hồi tưởng và viết lại.
Theo đó, ngoài việc, xác lập hồ sơ, nguồn tư liệu, gặp các nhân vật liên quan (dù chưa phải là tất cả), lúc đó, tôi đã đề nghị “nhập vai” cùng công an địa phương để tiếp cận, vào tận ngôi nhà mà tướng cướp Bạch Văn Chanh từng sinh sống ở Đồng Văn. Lúc này, một người con của tướng cướp Bạch Văn Chanh mới bị bắt do liên quan đến ma túy, tình hình khá căng thẳng, nếu tiếp cận thuần túy, e là tôi không có đường rút.
Song với máu mạo hiểm và muốn biết tường tận để có góc nhìn toàn diện, tôi quyết định liều một phen. Và thế là cuộc “nhập vai” của tôi được bắt đầu. Tôi đã tiếp xúc, mặt đối mặt với người con còn lại của Bạch Văn Chanh để tìm hiểu và khai thác những thông tin quý giá, dù người con này cũng mang dáng vẻ lạnh lùng đến gai người khi đối mặt với tôi… Sau tất cả quá trình tác nghiệp, tôi đã tiếp cận được nơi từng được coi là “sào huyệt”, nơi trú ngụ cuối cùng của tướng cướp Bạch Văn Chanh khi y còn sống để phục vụ cho bài viết của mình…
Để độc giả dễ hình dung về hồi kết của một tướng cướp, tôi xin ngược lại dòng thời gian.
Năm 1992, lúc này, Chanh bị truy nã gắt gao nên về quê đào hầm chống cự đến phút cuối với súng đạn, giăng kín hầm trú ẩn. Y chỉ buông súng đầu hàng khi cán bộ công an, người đã đến thăm mẹ của tướng cướp khi bà đi viện đến thuyết phục.
Hành động thăm mẹ tướng cướp khi bà mắc bệnh, cùng sự dũng cảm của người chiến sĩ công an “tay không đối mặt họng súng” đã khiến cho tướng cướp được mệnh danh là “con quỷ điên” đang điên cuồng chống trả lay động phần người cuối cùng trong y và quy hàng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Bạch Văn Chanh cuối cùng đã phải đền tội bằng mạng sống của y cho những hành vi tàn ác và tội lỗi “trời không dung, đất không tha”.
Sau đó, tôi đã hoàn thành được loạt bài 20 kỳ. Dù loạt bài này còn có không ít khuyết sót, bởi nhiều lý do, song đây cũng là kỷ niệm tác nghiệp mà tôi không thể nào quên…
Trung Quang