Chuyện chưa kể về ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ

Chuyện chưa kể về ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 4, 21/06/2023 09:00

Chùa Âu Lạc là nơi duy nhất có ban thờ, thờ tự 511 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí trên cả nước đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến.

Ngôi chùa linh thiêng, chứng nhân lịch sử

Chùa Âu Lạc, còn có tên gọi là Âu Lạc Cổ Tự, tọa lạc ở làng Lộc Đa trước đây (nay là xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An). Chùa ở cạnh cây Da cổ thụ, bên một giếng cổ, nên nhân dân gọi nôm là chùa Da. Lịch sử ghi lại, chùa được xây dựng vào thời vua Thành Thái (1889 - 1907) có khuôn viên diện tích 10.000m2, từng có 3 gian làm bằng gỗ lim, lợp ngói âm dương.

Theo lời các cụ cao niên trong làng, chùa rất linh thiêng. Trong vùng, có đền Trìa là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng cầu chi tất ứng. Nên dân gian có câu “Thánh đền Trìa, Bụt chùa Da” là để nói về sự linh thiêng của 2 nơi này. Thậm chí, dân gian còn có câu chuyện truyền miệng rằng, trước đây, trong vùng có rất nhiều rắn hổ mang, tuy nhiên mỗi khi có tiếng chuông là lũ rắn lại ngóc đầu lên, quay về hướng chùa như để bái tạ.

Dân sinh - Chuyện chưa kể về ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ

Chùa Âu Lạc, còn có tên gọi là Âu Lạc Cổ Tự, tọa lạc ở xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, Tp. Vinh.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết, chùa Âu Lạc là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong những năm 1930 - 1931, đây là nơi hội họp bí mật của Chi bộ Lộc Đa. Cũng tại đây đã chứng kiến cuộc biểu tình của nhân dân làng Lộc Đa, Đức Thịnh, Dũng Thượng... chống thực dân Pháp, đòi tự do, dân chủ.

Đặc biệt trong phong trào Xô Viết, các ông Hoàng Văn Bá, Dương Xuân Kiên là các đảng viên Chi bộ Lộc Đa đã lấy chiếc trống đại trong chùa đưa đi đánh, cổ vũ tại cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy. Sau này, chiếc trống trở thành hiện vật lịch sử, giờ đang được lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa Âu Lạc bị xuống cấp và hư hỏng, có lúc chỉ còn lại là dấu tích. Tuy nhiên, vì chùa là nhân chứng của lịch sử nên người dân trong vùng đã bày tỏ nguyện vong được khôi phục, tôn tạo. Đây là yêu cầu chính đáng nhằm tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng tâm linh đương đại của người dân.

Đến năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND.NV ngày 19/10/2017 cho phép khôi phục, tôn tạo chùa Âu Lạc (chùa Da). Kể từ đó đến nay, dưới sự dẫn dắt, tu học của Đại đức trụ trì Thích Đồng Tuệ, chùa đi vào hoạt động ổn định, là nơi để nhiều du khách thập phương và nhân dân trong vùng đến vãn cảnh, chiêm bái.

“Chùa Âu Lạc là ngôi chùa lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, hiện nay đã được tôn tạo hết sức bài bản, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của bà con nhân dân, phật tử, trở thành điểm đến tham quan, vãn cảnh lý tưởng của du khách thập phương”, ông Thành nói.

Dân sinh - Chuyện chưa kể về ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ (Hình 2).

Ban thờ 511 anh hùng liệt sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam tại chùa Âu Lạc.

Ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo liệt sĩ

Một điều đặc biệt chỉ có duy nhất tại chùa Âu Lạc, sau ngày được phục dựng và tôn tạo lại, chùa là nơi thờ tự của 511 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ý tưởng này do nhà báo Văn Hiền, Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An đề xuất và được trụ trì chùa Âu Lạc là Đại đức Thích Đồng Tuệ ủng hộ, phối hợp tổ chức. “Trước tâm nguyện tha thiết của nhà báo Văn Hiền, nhà chùa rất chia sẻ và đồng cảm, sẵn sàng tổ chức lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ nhà báo. Chùa Âu Lạc hiện nay là nơi thờ 511 anh linh các nhà báo liệt sĩ”, Đại đức Thích Đồng Tuệ cho biết.

Nhà báo Văn Hiền là phóng viên chiến trường từ năm 1969 đến 1972 ở Quảng Trị và Lào. Là người từng làm báo trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, đã chứng kiến nhiều đồng đội, đồng nghiệp hi sinh, nên nhà báo Văn Hiền có tâm nguyện tìm hiểu, tập hợp các thông tin của đồng nghiệp để lưu giữ.

Vì vậy, ông đã bỏ ra gần 20 năm tìm kiếm, chắp nối các thông tin nhà báo liệt sĩ ngã xuống khắp mặt trận, chiến trường từ năm 1947 cho đến cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, để năm 2019 hoàn thiện danh sách 511 nhà báo liệt sĩ.

Dân sinh - Chuyện chưa kể về ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ (Hình 3).

Phần lớn các anh, các chị không tìm thấy hài cốt, không có mộ chí.

Theo thống kê, các Anh hùng liệt sĩ nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân, Báo Lao động, Đài Giải phóng và 23 cơ quan báo chí địa phương các tỉnh... đã hi sinh khi tác nghiệp, tuyên truyền tại các chiến trường trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong đó, có thể kể đến liệt sĩ chống Pháp đầu tiên là nhà báo Trần Kim Xuyến, hy sinh ngày 3/3/1947. Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, nay là Thông tấn xã Việt Nam.

Liệt sĩ cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ là nhà báo Nguyễn Đức Hoằng, sinh ngày 8/4/1942, quê Tân Yên, Hà Bắc, phân xã trưởng Lộc Ninh, hy sinh ngày 6/8/1974; Nhà báo duy nhất hi sinh tháng 2/1978 trong đội quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt họa diệt chủng Pôn Pốt là Vũ Hiến, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng, phóng viên báo Quân chủng Hải quân; Nhà báo hi sinh tháng 2/1979, bảo vệ Biên giới phía Bắc là phóng viên Bùi Nguyên Khiết, báo Hoàng Liên Sơn…

Tuy nhiên, do hầu hết các nhà báo hi sinh không tìm được hài cốt nên ông đã có nguyện vọng đưa đồng đội phụng thờ tại chùa Âu Lạc. Sau khi rước các anh linh về thờ tự tại chùa, năm 2020, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức nghi lễ cầu siêu cho các liệt sĩ là phóng viên, nhà báo đã hi sinh. Đây là sự ghi nhận, cũng là sự tưởng nhớ tới công đức, sự hi sinh cao cả của nhiều thế hệ phóng viên, nhà báo là những chiến sĩ cầm bút trên trận chiến với quân thù. Nơi thờ các liệt sĩ, còn trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các phóng viên, nhà báo như bút, máy ảnh, mũ… Trong đó có 1 chiếc bút Kim Tinh của một phóng viên hi sinh năm 1963 để lại; 1 chiếc máy ảnh của một nhà báo trước lúc hi sinh gửi lại đồng đội cất giữ.

Dân sinh - Chuyện chưa kể về ngôi chùa thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ (Hình 4).

Chiếc máy ảnh của một nhà báo trước lúc hi sinh gửi lại đồng đội cất giữ.

Đại đức trụ trì Thích Đồng Tuệ cho biết, với mong muốn các anh hùng liệt sĩ là nhà báo đã anh dũng hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và Mỹ được nhẹ nhàng siêu thoát, gia hộ cho đất nước Việt Nam luôn được hùng cường, nhân dân được ấm no hạnh phúc, hàng năm, vào đêm 27/7 (ngày Thương binh liệt sĩ), chùa Âu Lạc long trọng tổ chức đại lễ cầu siêu cho 511 nhà báo cách mạng Việt Nam.

“Với tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và tri ân, báo ân của người đệ tử Phật, chúng tôi cùng những người làm báo tại Nghệ An tổ chức đại lễ tưởng niệm kỳ siêu chư anh linh chiến sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam. Với mong muốn các Anh hùng liệt sĩ nhà báo đã anh dũng hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và Mỹ được nhẹ nhàng siêu thoát, gia hộ cho đất nước Việt Nam luôn được hùng cường, nhân dân được ấm no hạnh phúc”, Đại đức Thích Đồng Tuệ chia sẻ.

Trong 511 liệt sĩ là nhà báo, phóng viên trong cả nước được thờ phụng tại đây chỉ có 15 liệt sĩ được tìm thấy phần mộ. Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan có nhiều nhà báo, cán bộ, kỹ thuật viên hi sinh nhất, với hơn 260 liệt sĩ.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.