Chuyện chưa kể về người chỉ huy đặc công Rừng Sác

Chuyện chưa kể về người chỉ huy đặc công Rừng Sác

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Phía sau những trận đánh đã đi vào huyền thoại của đặc công Rừng Sác, người ta không quên bóng dáng nhỏ thó, gầy guộc của người Trung đoàn trưởng Đại tá Lê Bá Ước, đồng đội thân tình gọi ông là Bảy Ước.

Cụ Hồ trong lòng người lính đặc công

Cả một thời Rừng Sác oai hùng đã được dựng thành phim và sử sách còn lưu trang những trang vàng. Vậy nhưng người đoàn trưởng kiêm chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác lại không muốn nói về mình. Tìm mỏi mắt cũng chỉ được những dòng tâm sự hiếm hoi xen giữa những hồi ức khó quên về một thời Rừng Sác. Là nỗi đau không thể nói bằng lời của người thủ trưởng có thuộc cấp hy sinh; của người chồng nhìn vợ ngã xuống ngay giữa mặt trận. Ông là nhân chứng sống của đặc công Rừng Sác anh hùng.

Xã hội - Chuyện chưa kể về người chỉ huy đặc công Rừng Sác

Đại tá Lê Bá Ước (ở giữa) cùng những thành viên MIA trong một đợt hợp tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ

Lê Bá Ước sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Vĩnh Hòa Hưng (Gò Quao – Rạch Giá nay thuộc Kiên Giang). Đêm đêm bên bếp lửa hồng trong gian nhà lá vách đất, cậu bé Lê Bá Ước vừa tròn 14 tuổi thường dựa cột nghe lỏm cha và anh bàn chuyện thời sự. Ông thường nghe cha anh nhắc tên cụ Hồ Chí Minh hoạt động Cách mạng. Hình ảnh một ông cụ có chòm râu dài, vầng trán rộng, cặp mắt sáng dịu hiền thật đáng kính.

Và, một ngày đẹp trời trên quê hương Rạch Giá, Lê Bá Ước dắt dao găm thêm cuộn dây thừng buộc ngang lưng, miệng hát vang bài ca Lên đàng. Đó là ngày ông gia nhập đội Thiếu niên Tiền phong. Bước chân rầm rầm theo cha chú cùng đám trẻ thôn xóm đi biểu tình, mít tinh, đào đường lộ ngăn sông khi giặc Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ. Đi mải miết, hò hét xung phong mải miết dần dần, ông trở thành anh lính Vệ quốc quân lúc nào không hay.

Mang trong mình dòng máu yêu nước, ông cùng đồng đội hành quân bước vào trận chiến trường kì với ý chí căm thù giặc ngút trời và tấm lòng ngưỡng mộ hướng về cụ Hồ. Thuở đó, ông đi theo tiếng gọi của lương tri và ý thức bảo vệ quê hương chứ thực ra khi ấy ông chưa biết đến Đảng là gì. Bàn chân người lính lặn lội khắp miền Tây Nam Bộ, từ U Minh Thượng xuống U Minh Hạ rồi đến Sóc Trăng, đất Mũi Cà Mau…

Sau khi bị thương, ông được điều động về phụ trách huấn luyện Trường Quân chính Quang Trung Khu 9. Năm 1950, Lê Bá Ước được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Và, do có thành tích trong chiến đấu nên ông được rút ngắn thời gian dự bị, khi ấy ông vừa tròn 21 tuổi. Rồi ông tập kết ra Bắc, theo học Học viện Trung cao ở Quần Ngựa.

Mỗi lần có ngày lễ lớn là ông thường thức dậy rất sớm, ra Quảng trường Ba Đình “chiếm” lấy một chỗ đứng gần lễ đài nhất để nhìn rõ mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Miền Nam đang rất cần nhân lực đặc biệt là cán bộ cốt cán, theo tiếng gọi của đồng bào miền Nam ruột thịt, ông vượt Trường Sơn quay trở lại mảnh đất thân yêu đã sinh ra mình. Lúc này, Bảy Ước đã có vợ và hai con nhưng với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, ông trở lại chiến trường trước, sau đó vợ ở nhà sắp xếp gửi hai con nhỏ rồi hành quân sau.

Nỗi đau và sự bù đắp

Sau khi vào Nam, Bảy Ước được phân công phụ trách bám trụ chiến trường Rừng Sác. Không bao lâu sau ngày chia tay vợ ở ga hàng Cỏ để lên đường, hôm ấy Bảy Ướcnhận được tin Đoàn 10 sắp bổ sung thêm một quân y sĩ Kim Mến vừa vượt Trường Sơn vào.

Sau nhiều đêm thấp thỏm chờ đón lính mới và cũng là người vợ thân yêu của mình, cuối cùng Bảy Ước cũng đã tiếp nhận được “tân binh mới bóc tem” (nói theo ngôn ngữ chiến trường) từ hậu phương lớn chi viện được cấp trên điều động về tăng cường cho chiến khu rừng ngập mặn này. Nguyễn Kim Mến - người đã từ chối quyết định đi học lấy bằng bác sĩ để vào Nam chiến đấu. Vợ chồng gặp nhau, nước mắt lưng tròng. Chị khóc không chỉ vì được gặp mặt người chồng thương yêu mà vì thương nhớ hai đứa con thơ đang ở cách xa muôn dặm gửi ông bà.

Chiến trường ác liệt, anh em bị thương nhiều nên y sĩ Mến không có thời gian nghỉ ngơi, chị lao ngay vào công việc cứu thương cho bộ đội. Nhanh chóng hòa mình vào cuộc chiến cùng anh em. Những đêm thức trắng kéo cá nuôi thương binh, đột nhập vào ấp chiến lược lấy gạo, vượt qua những lằn ranh giữa sự sống và cái chết mà chị vẫn không hề hấn gì. Nơi nào có mặt chị Tư Mến là nơi đó các chiến sĩ tìm thấy niềm an ủi, động viên. Các vết thương được chăm sóc cẩn thận, chỉn chu mau lành.

Trong những ngày ác liệt năm 1969, chị sinh thêm một bé trai trong hoàn cảnh chiến khu vô cùng nguy nan. Sau 15 ngày, chị phải mang con vào ấp chiến lược gửi cho một gia đình cơ sở nuôi giùm. Rồi chỉ ba tháng sau chị Tư Mến hy sinh. Trong một đợt phản kích của không quân, hầm trú ẩn của chị và các thương binh bị oanh tạc dữ dội. Hàng loạt hỏa tiễn phóng xuống như mưa, cả khu căn cứ xác xơ. Mùi lá xanh cháy quyện với sinh lầy khét lẹt, y sĩ Tư Mến nằm úp mặt sóng soài với một chân gãy nát, bên vai chị vẫn còn nặng trĩu đồ nghề cứu thương. Vẫn còn nhận được màu sắc từng mảnh của chiếc áo gối đầy màu sắc kỉ niệm một thời vợ chồng gian khổ có nhau. Từ lòng chảo huyện Nhơn Trạch một đêm se lạnh, gió bấc thổi rít qua hàng cây réo rắt, Bảy Ước nhận được hung tin. Như tiếng sét đánh bên tai, không dằn nổi lòng mình, vị chỉ huy đã chui xuống hầm địa đạo ôm ảnh người vợ thân yêu khóc nghẹn...

Vài năm sau, nỗi đau nào cũng nguôi ngoai theo thời gian. Trong hai cặp vợ chồng cùng là đồng đội, đồng chí ở Rừng Sác đều mang nỗi đau hy sinh- vợ chồng chia lìa, để lại mỗi bên ba đứa con. Đứa thì cha hy sinh, đứa mẹ là liệt sĩ cùng chịu chung nỗi đau mất mát. Họ tìm nhau trong cùng cảnh ngộ, xác định gánh vác trách nhiệm thay người đã mất. Một bữa cơm thân mật trước mặt nhiều anh chị em trong đơn vị, trên chiếc sạp nước nơi Rừng Sác, anh em vui vẻ đọc mấy câu thơ: “ Thủ trưởng nhìn em thủ trưởng cười/ Em xin đồng ý thủ trưởng ơi!”. Vậy là, mối duyên cùng cảnh ngộ, sự đồng cảm, cảm mến đã có sự bù đắp như một sự lắp ghép mới của số phận. Hai gia đình hao khuyết đã hợp lại thành một tổ ấm gia đìn. Người vợ sau của Bảy Ước là chiến sĩ quân y Tuyết Vân, có chồng hy sinh tại chiến khu Rừng Sác.

Sự đồng cảm, đồng lòng đã đưa hai tâm hồn cùng chung một nhịp đập. Sau hòa bình, Bảy Ước ra Bắc đón hai đứa con vào Nam còn người vợ sau của ông, chị Tuyết Vân cũng về quê đón 3 con của mình. Tất cả quần tụ chung sống bên một nhà . 9 đứa con trong đại gia đình ấy có đủ các hệ phái “con anh, con em, con chúng ta” nhưng họ gắn bó mật thiết, yêu thương và quý mến như ruột thịt.

Hoa Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.