Lá cờ nhiều kỷ niệm
Chúng tôi tìm đến nhà người thợ may cờ Nguyễn Văn Phục khi anh đang bận rộn hoàn thành những đợt hàng chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9. Vào cửa đã thấy màu đỏ bao phủ đôi tay nhịp nhàng theo từng mũi chỉ, anh say sưa vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe về công việc độc đáo nhưng đầy ý nghĩa này. Trong câu chuyện ấy, những kỷ niệm về lá cờ thiêng liêng đang được treo trên cổng trời nơi địa đầu Cực Bắc của Tổ quốc dần dần hiện ra.
Anh Phục đang chăm chú từng đường kim mũi chỉ khi may cờ.
Trên đỉnh núi Rồng hùng vĩ, cột cờ Lũng Cú đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của đất nước. Nếu một lần đến đây hẳn ai cũng muốn được đặt chân lên đỉnh núi này để chiêm ngưỡng lá Quốc kỳ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và sự trường tồn của dân tộc. Như một cơ duyên, người thợ may vô tình có được vinh dự này chính là anh Phục, người con của làng Từ Vân, làng thêu truyền thống nổi tiếng bao đời nay.
"Nhận được cuộc điện thoại đặt hàng may lá cờ có kích cỡ chiều rộng 6m, chiều dài 9m, tôi thắc mắc hỏi: May cờ to thế để treo ở đâu? Để làm gì? Lá cờ to như thế rất khó có thể kéo lên và cũng kén nơi treo. Lúc đó người đặt hàng mới cười bảo với tôi là để treo ở cổng trời Lũng Cú tỉnh Hà Giang. Nghe vậy, tôi sướng lắm, vừa vui vừa cảm thấy vinh dự. Từ hôm đó tôi bắt đầu làm, dồn rất nhiều tâm huyết vào lá cờ đó, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Đến khi hoàn thành bỏ vào túi để đưa đi giao hàng, cầm trên tay thấy nó nặng lắm, nặng cả về trọng lượng, nặng cả về tình cảm. Lúc đó cũng chỉ biết là treo ở cổng trời thì vui lắm nhưng đến khi biết nó mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng của dân tộc và biết được lý do tại sao lại may 54m2 mà không phải con số khác thì tôi cảm thấy vinh dự gấp bội lần", anh Phục hào hứng kể.
Được tự tay may lá cờ treo trên điểm cực Bắc của Tổ Quốc, vô tình thôi nhưng với anh Phục, đó là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời không bao giờ quên được.
Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện về lá cờ treo trên đỉnh núi Rồng được người con của làng dệt nổi tiếng này hào hứng kể như vậy. Phải là một kỷ niệm đầy tự hào và khó quên thì anh mới nhớ như in đến thế. Phải là người thợ may cờ khéo léo và có tiếng khắp nơi thì mới được tin tưởng giao cho vinh dự to lớn đó.
Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang trên đỉnh núi Rồng.
Lối đi riêng nhiều ý nghĩa
Sinh ra ở một làng quê có truyền thống về nghề thêu, anh Phục may mắn sớm được cùng bố rong ruổi trên những chuyến xe chở hàng đi khắp các vùng miền để bán và đổ hàng xuất khẩu, được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều nơi. Không đi theo con đường mà những người khác trong làng lựa chọn như thêu gối, thêu khăn, thêu túi, để chạy theo sự đòi hỏi của thị trường. Anh Phục tự chọn cho mình một lối đi riêng mà không ai ở làng theo đuổi là nghề may cờ.
Hơn 15 năm trực tiếp bắt tay vào công việc của một người thợ may cờ, anh tâm sự ngày xưa Nhà nước thành lập từng tổ cờ đỏ chuyên may cờ Tổ quốc để phục vụ các dịp lễ tết, hội họp. Làng anh có cụ Năm Côn làm trong tổ may đó sau này về quê truyền lại nghề nhưng không có nhiều người nối nghiệp. Là lớp cháu chắt, được tiếp xúc sớm với nghề truyền thống, thấy công việc may cờ vừa đáp ứng được thị trường lại mang nhiều ý nghĩa nên anh quyết định theo nghề từ lúc còn thanh niên. Năm 2000, anh lập gia đình. Chị Duyên, vợ anh lại một lần nữa tiếp thêm động lực cùng chồng tiếp tục công việc của mình.
Ngôi nhà chật hẹp ngổn ngang máy móc, vải đỏ vải vàng xếp đống. Từng loại vải được phân ra rõ ràng, loại vải may cờ gọi là vải sa-tanh được mua về từ La Cả (La Khê, Hà Đông) còn những bộ phận khác của lá cờ như tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc hoặc ở chợ Đồng Xuân. Những năm đầu vào nghề chưa có máy móc, anh phải tự tay kẻ chữ, bây giờ hiếm mới gặp những mẫu cờ phục chế từ những năm 30-40 với những phông chữ buộc phải kẻ bằng tay tỉ mẩn thì mới phục chế được y nguyên. Sáng, anh phải dậy từ 4h đến 12h đêm, những lúc rảnh rỗi anh lại lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về nghề may và thêu để có được những sản phẩm đẹp và chất lượng hơn.
Công việc tất bật và bận rộn suốt cả ngày. Những dịp lễ như 30/4, 19/8, 2/9 hay những ngày Tết, ngôi nhà nhỏ của anh trở nên bận rộn hơn khi liên tục có những đơn đặt hàng từ Hà Nội và nhiều vùng khác nhau. Hồi xưa chưa có máy cắt phải tự tay cắt từng tấm vải, tỉ mẩn với từng cánh sao. Phải mất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn thì mới có thể hoàn thành được một sản phẩm ưng ý.
Trời đã trưa, con đường dẫn từ nhà ra ngõ của anh Phục sáng lên một màu đỏ của cờ. Vải để trong nhà, cờ phơi ngoài sân, trước ngõ cờ treo phấp phới. Đúng vậy, người may cờ là người vác trên mình trọng trách và nhiệm vụ đặc biệt, tuy đó là một nghề cũng để mưu sinh như bao nghề khác nhưng ý nghĩa của những sản phẩm anh Phục làm ra thì thật cao quý. Quốc kỳ là niềm tự hào của cả dân tộc và người làm ra nó chính là những người đang trực tiếp giữ gìn sự thiêng liêng đó. Theo năm tháng nắng gió có thể làm cho màu cờ bị phai nhưng người may cờ thì vẫn sẽ tiếp tục làm công việc của mình, đổi lại những lá cờ đã bạc bằng những lá cờ mới đỏ tươi trên từng góc phố ngôi nhà.
Sắp đến Quốc khánh 2/9, trên từng chuyến xe, những lá cờ từ làng thêu Từ Vân nổi tiếng, nơi đó có những con người như anh Phục, cờ nhỏ cờ to sẽ reo vui trong niềm tự hào chung của cả dân tộc trên khắp mọi nẻo đường.
Vài nét về cột cờ Lũng Cú hùng vĩ Cột cờ Lũng Cú là cột cờ đã được hình thành và lưu giữ qua nhiều tháng năm. Từ những năm 1977 trở về trước, cột cờ chỉ là một chiếc cột gỗ nhỏ nhưng lá cờ Tổ quốc vẫn ngày đêm tung bay trên đỉnh núi Rồng. Từ năm 1978 đến nay, cột cờ đã nhiều lần thay đổi từ cột gỗ sang cột sắt, rồi cột xây vào năm 2002. Đến năm 2009, cột cờ Lũng Cú được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia và đến 2010 tỉnh Hà Giang đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, nâng cấp tăng thêm giá trị và vị trí lịch sử của cột cờ. |
Thơm Nguyễn