Đội đặc nhiệm núi rừng duy nhất trên cả nước
Vừa mới ra khỏi rừng được mấy ngày, cũng là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, thế nhưng anh Lê Tất Thành, đội trưởng Đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An không sắp xếp đồ trở về nhà, mà chuẩn bị để tiếp tục đi vào rừng tuần tra lần nữa.
“Giáp Tết chính là thời điểm nhiều đối tượng vào rừng đặt bẫy, săn trộm động vật hoang dã để mua bán, tiêu thụ. Những kẻ này không từ một thủ đoạn nào, vì vậy anh em phải liên tục thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát”, anh Thành nói.
Đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát ra đời từ năm 2018, do Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife – SVW) chi trả lương. Đây cũng là “biệt đội” duy nhất ở Việt Nam do trung tâm này thành lập, huấn luyện và duy trì để giải cứu và bảo vệ thú rừng.
Những thành viên này đều là kỹ sư, cử nhân lâm nghiệp, được tuyển dụng đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng. Đợt tuyển dụng đầu tiên, có 170 ứng viên tham gia dự tuyển, nhưng chỉ có 7 người vượt qua được sự lựa chọn khắt khe này. Tiêu chuẩn tuyển chọn các thành viên phải là người có sức khỏe, yêu rừng, yêu động vật và có kỹ năng trụ vững dài ngày trong rừng.
Theo anh Thành, với số tiền lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng chưa thực sự cao với những công sức mà anh em đã bỏ ra. Thế nhưng không hiểu vì sao từ khi được tuyển chọn các thành viên đều rất gắn bó, đam mê với công việc. Cho đến nay, sau 3 năm hoạt động thì số lượng thành viên đã tăng lên con số 16.
“Chúng tôi không có công cụ hỗ trợ nào, trong khi thợ săn và lâm tặc luôn mang theo súng. Vì vậy, đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát phối hợp với lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát trở thành một đội “đặc nhiệm” lớn. Nhiệm vụ là triển khai các tuyến tuần tra bảo vệ rừng, truy quét, ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại, tịch thu súng săn, đẩy đuổi con người ra khỏi khu vực cấm khai thác động thực vật tại Vườn quốc gia Pù Mát”, anh Thành nói.
Mỗi tháng tuần tra 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 7 - 10 ngày. Mỗi chuyến được chia làm 4 tổ đi 4 hướng. Mỗi tổ gồm 6 -10 người (3 thành viên của nhóm SVW, 3 kiểm lâm và lực lượng nhận khoán).
Quãng đường tuần tra rất hiểm trở, thực sự nguy hiểm đến tính mạng; chỉ một chút sơ sểnh cũng có thể rơi xuống vách đá, nguy cơ thương tật rất cao, chưa kể đến sự chống trả của các đối tượng vi phạm ngay trong rừng. Vì vậy, mỗi thành viên phải có sự nỗ lực kiên trì, đam mê, yêu thiên nhiên, yêu rừng mới có thể làm được công việc này.
Bí quyết băng rừng vượt núi
Gặp thành viên được xưng tục là “người không phổi” Nguyễn Hữu Trung khi có thể đi rừng liên tục mà không biết mệt mỏi khiến tôi rất bất ngờ, bởi so với tưởng tượng thì chàng thanh niên này khá gầy gò và xanh xao.
“Mọi người trêu đùa nhau mới đặt biệt danh đó chứ ai vào đội cũng đều có khả năng đi rừng nhiều ngày cả. Bởi nếu thành viên nào không chịu được nhiệt thì đều đã nghỉ cả rồi”, Trung cười.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mặc dù sau đó tốt nghiệp Đại học Lâm Nghiệp nhưng Trung chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó với núi rừng. Tham gia ứng tuyển và trở thành một trong 7 người đầu tiên được giữ lại, cuộc đời của Trung đã có bước ngoặt vô cùng lớn.
“Những ngày đầu tiên đi rừng, tôi mệt tưởng như muốn bỏ việc. Thậm chí có rất nhiều người đã tự động xin nghỉ do không chịu được nhiệt càng khiến tôi lay động hơn. Thế nhưng sau vài chuyến đầu hơi vất vả thì đến nay việc đi rừng nhiều ngày đã không là vấn đề lớn nữa. Tôi cũng không hiểu vì sao, chắc do duyên với núi rừng”, anh Trung nói.
Khác với nhiều người suy nghĩ, để giảm bớt cân nặng, các thành viên trong đội thay ba lô bằng chiếc bao tải. Phía trong bao lót thêm một túi ni lông cỡ lớn để bỏ quần áo, chiếc chăn mỏng, võng, bạt… Sở dĩ chọn chiếc bao tải này cũng bởi nó nhẹ, chống thấm nước rất tốt, còn ba lô bình thường khi ngấm nước thì rất nặng.
Thực phẩm chủ yếu của đội là lạc rang, cá khô, thịt lợn thái miếng ướp mặn. Đặc biệt, thịt lợn chỉ ngon vài bữa đầu, những ngày sau có mùi nhưng các thành viên cũng phải cố dùng vì đây là món tươi có đạm duy nhất đối lính đặc nhiệm. Ăn mãi thịt lợn cũng chán, đội đưa ra sáng kiến vác thêm con gà hoặc vịt. Vì vậy, bình quân mỗi người vác 20kg.
Một trong những “bảo bối” mà các thành viên hay dùng là chiếc hộp nhựa cũ. Vì tuần tra trong rừng phải vượt qua hàng trăm khe, suối nên chiếc hộp này dành để bỏ các vật dụng thiết yếu như các loại thuốc, bông băng, điện thoại…
Anh Lê Thành, một trong những thành viên của đội cho biết, việc đối mặt với việc thiếu nước khi tuần tra ở những khu vực rừng hay núi cao là chuyện thường. Trên núi cao, tìm được nước là điều khó khăn. Nhiều khi cả đội phải uống thứ nước mà anh em tếu táo gọi là như “nước đái lợn”. Đó là một ít nước đọng trong hộc đá, màu như chè đậu đen. Đội đành lọc qua chiếc áo mỏng để dùng.
“Vất vả nhất là những ngày trời mưa rét mướt, giữa rừng củi ướt nên không thể nấu cơm, thường xuyên phải ăn mỳ tôm sống và lương khô. Có những ngày tuần tra trên đồi hết nước, cả đội đành phải tìm vùng nước bẩn lóng qua áo để uống”, anh Thành nói.
Bản lĩnh đối đầu với kẻ giết thú rừng
Kể từ khi thành lập, 16 thành viên trong đội cùng lực lượng kiểm lâm đã thực hiện hàng trăm chuyến đi rừng, “lội” khắp cánh rừng già Pù Mát gần 95.000 ha, chu vi hơn 210 km này.
Với “bản lĩnh” đi rừng thì có thể sau vài chuyến có thể rút kinh nghiệm, nhưng với việc đối đầu với hàng trăm nhóm thợ săn thú thì chỉ có thể sử dụng kỹ năng hóa giải.
“Khi bị phát hiện, tịch thu thú bị bẫy, có những nhóm thợ săn mang dao, súng săn ra chống trả. Nếu để xảy ra đụng độ, sẽ rất bất lợi cho anh em. Vì vậy, chúng tôi phải đã tìm cách hóa giải những cuộc chạm trán có thể xảy ra xung đột, chống trả của lâm tặc”, đội trưởng Đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát nói.
Thợ săn nơi đây phần lớn đều là người bản địa, vừa thông thạo địa hình, lại hay sử dụng súng tự chế để bắn thú. Đây thực sự là thách thức mới của biệt đội bảo vệ thú rừng ở đây. Cuộc sống gần như đã bám chặt vào rừng, nên sau khi bị bắt, bị xử lý, những tay thợ săn, lâm tặc này lại tiếp tục vào rừng và dùng các chiêu khác để đối phó.
Khi có thông tin có một số đối tượng xuất hiện ở khu rừng giáp ranh với biên giới Lào, địa hình núi cao rất hiểm trở nhưng đội luôn sẵn sàng xuất kích ngay. Bởi chậm chân chút nào là bao nhiêu bẫy được giăng ra, bao nhiêu thú rừng bị sát hại. Đến địa điểm này, đội phải quan sát kỹ những dấu hiệu của việc đặt bẫy.
“Họ làm bẫy lẻ, không làm lán ở gần suối như trước nữa mà mắc võng ở trên cao để chờ. Đến khu vực đặt bẫy lẻ, họ không để lại dấu vết khiến anh em chúng tôi rất khó phát hiện. Sau những lần chứng kiến thú rừng dính bẫy thì anh em ai cũng rất xót xa, mọi người đều cố gắng hoàn thiện về nghề để có thể phát hiện kể cả những bẫy nhỏ nhất”, anh Thành kể.