Chuyện chưa từng tiết lộ của điều dưỡng hơn 20 năm tiếp xúc với bệnh nhân ảo giác

Chuyện chưa từng tiết lộ của điều dưỡng hơn 20 năm tiếp xúc với bệnh nhân ảo giác

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 27/03/2018 12:45

Hơn 20 năm công tác trong bệnh viện Tâm thần Hà Nội, điều dưỡng trưởng khoa H Lê Quốc Dân cũng đã chứng kiến rất rất nhiều ca bệnh mà bệnh nhân sử dụng ma túy đá dẫn đến ảo giác.

Nghĩ mình bị “cắm sừng”.... bố mẹ là con gấu

Trong cuộc trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, điều dưỡng Lê Quốc Dân cho hay anh đã có hơn 20 năm công tác tại bệnh viện. Thế nhưng, mỗi một ca bệnh đều để lại cho anh những ấn tượng riêng. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân sử dụng ma túy đá thì mỗi bệnh nhân lại có những biểu hiện khác nhau.

Điều dưỡng trưởng khoa Lê Quốc Dân cho biết: “Khi bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, kích động dữ dội thì không khai thác được ảo giác mà bệnh nhân gặp phải ngay lúc đó. Nhưng sau khi vào viện được khoảng 1 vài tiếng, chúng tôi bắt đầu khai thác ảo giác mà bệnh nhân gặp phải. Trong đó, sau khi bị ảo giác, bệnh nhân thường có biểu hiện hoang tưởng và ảo thanh”.

Điều dưỡng Dân cho biết trong quá trình điều trị bệnh, anh đã từng gặp phải không ít trường hợp bệnh nhân bị ảo thanh do sử dụng ma túy đá trong thời gian dài.

“Khi đang chơi “đá” có bệnh nhân hoảng loạn, lo sợ vì nghe thấy tiếng người xui khiến trong đầu: “Có công an đang bao vây xung quanh, phải về ngay”. Bệnh nhân về nhà, hay rúc vào trong phòng kín, hoảng loạn và người nhà đưa bệnh nhân đi viện. Hoặc có những người bệnh cho mình là người biết bay, trèo lên cao bay... Hình ảnh này do ảo thanh từ bạn bè, người thân nói vào bên tai và bệnh nhân tin đó là thật, cứ thế làm theo.

Chuyện chưa từng tiết lộ của điều dưỡng hơn 20 năm tiếp xúc với bệnh nhân ảo giác

Bệnh nhân sử dụng ma túy đá thường bị ảo thanh và hoang tưởng (Ảnh minh họa).

Cũng có những bệnh nhân nhập viện trong trạng thái trầm cảm, thỉnh thoảng lại tự tát vào mặt. Tôi hỏi tại sao lại tát vào mặt thì bệnh nhân nói: “Nó cứ bắt em phải tát vào mặt”. Hay bệnh nhân tên T., ờ Từ Sơn, bệnh nhân này vào ban đêm bị ảo thanh xui khiến phải chặt ngón tay. Hiện tại, T. cụt hai ngón tay út”.

Theo lời chia sẻ của anh Dân, đã có không ít bệnh nhân do không chịu được ảo thanh đã có ý định treo cổ tự tử: “Rất may chúng tôi có camera giám sát, phát hiện kịp thời nên chưa để xảy ra trường hợp tử vong nào”.

Đó là với những bệnh nhân bị ảo thanh, còn có những bệnh nhân bị hoang tưởng dẫn đến những hành vi nguy hiểm cho người thân.

“Tôi còn nhớ có một bệnh nhân tên Ph. ở Tuyên Quang đã có người yêu, nhưng do sử dụng ma túy đá nên khi hẹn hò bạn gái, lúc thì anh ta nhìn thấy bạn gái xinh đẹp, lúc lại thấy cô gái ấy biến thành một con ma. Ph. vội vàng chạy “bán sống bán chết” về nhà trong tình trạng hoảng loạn”, điều dưỡng Dân cho biết thêm.

“Bên cạnh đó, tôi cũng từng gặp bệnh nhân sử dụng ma túy đá rồi luôn nghĩ vợ đi với người khác, luôn tìm cách giết vợ. Hay có người bệnh luôn nghĩ có ai đó đang đầu độc mình nên họ không dám ăn, họ phải kiểm tra đồ ăn bằng cách nhìn người khác ăn rồi mới dám ăn, hoặc tự đi lấy đồ ăn. Hay mới đây nhất, có bệnh nhân vào viện trong trạng thái hoảng loạn, sau khi tỉnh có kể lại sau khi chơi ma túy xong về nhà nhìn thấy bố mẹ trông như hai con gấu khổng lồ nên định cầm dao phi, may là bố mẹ chạy kịp không thì đã xảy ra sự việc đáng tiếc”, điều dưỡng Dân chia sẻ thêm.

Trăn trở...

Theo điều dưỡng Lê Quốc Dân, phần lớn bệnh nhân vào viện là bệnh nhân loạn thần, hoang tưởng, ảo giác, kích động mạnh do người nhà hoặc công an đưa vào... còn những bệnh nhân sử dụng nhưng vẫn kiểm soát được hành vi thì vẫn ở ngoài xã hội, như vậy rất nguy hiểm. Có một lúc nào đó họ sẽ gây hại cho người nhà hoặc bản thân.

“Phần lớn bệnh nhân sẽ quay trở lại với con đường ma túy bởi ma túy khi buồn hay vui thì lại đều nhớ đến, khi uống rượu nhiều đều nhớ đến. Vì thế, việc quan trọng nhất là sau khi điều trị tại bệnh viện bệnh nhân trở về nhà phải có sự quan tâm, giám sát của gia đình, phải dùng thuốc và kiểm tra thường xuyên”, điều dưỡng Dân trăn trở cho biết.

Chuyện chưa từng tiết lộ của điều dưỡng hơn 20 năm tiếp xúc với bệnh nhân ảo giác (Hình 2).

Điều dưỡng trưởng khoa Lê Quốc Dân chia sẻ với PV về những bệnh nhân có biểu hiện nguy hiểm do sử dụng ma túy đá.  

Cũng trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, Ths. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến lạm dụng chất (khoa H), bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Theo số liệu thống kê năm 2017, bệnh viện tiếp nhận 342 bệnh nhân đến điều trị các rối loạn tâm thần do ma túy tổng hợp gây nên”.

Ths. Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện nay có nhiều loại ma túy, sử dụng bất hợp pháp. Nhóm thứ nhất đó là các chất ma túy gây kích thích, dạng Amphetamin, các đối tượng thường dùng ma túy đá, thuốc lắc. Nhóm thứ hai là cần sa tổng hợp. Loại thứ ba là “tem giấy”, “bùa lưỡi”,  chất gây ảo giác mạnh nhất.

“Vào khoa chúng tôi điều trị chủ yếu các đối tượng sử dụng ma túy đá và thuốc lắc, cần sa tự nhiên và Cỏ Mỹ”. Bệnh nhân dùng kết hợp nhiều loại ma túy gây ảo giác”, Ths. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Nói về biểu hiện khi bệnh nhân sử dụng ma túy đá, Ths. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Bệnh nhân sau khi sử dụng, ảo giác sẽ xuất hiện ngay sau đó gọi chung là tác dụng dược lý, xuất hiện ảo thị sinh động, thậm chí rùng rợn. Các hoang tưởng mà bệnh nhân gặp phải là mình bị hại hoặc mình bị truy hại... đó là tình trạng ngáo đá. Chính những điều đó gây nên những rối loạn cảm xúc hành vi do hoang tưởng, ảo giác chi phối.

Ví dụ có những người hoang tưởng người yêu là ma quỷ, hoặc tưởng mình là chim có thể bay, hoặc có những trường hợp tưởng mình là con khỉ, trèo lên cây cao...”.

 “Muốn điều trị chống tái nghiện là quá trình kéo dài, cần phải có sự tham gia của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng khác”, Ths. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Ths. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cũng đưa ra lời khuyên đối với những gia đình có người sử dụng ma túy đá: “Người sử dụng ma túy đá không biết lúc nào ngáo đá, nên trong sinh hoạt về đêm cần phải có sự đề phòng, cất các dụng cụ ở chỗ khó lấy, cài cửa lúc đi ngủ. Khi xuất hiện ngáo đá nên tránh đến gần vì người bệnh có thể không nhận ra người thân và gây ra những hành vi nguy hiểm. Tiếp đó, nhờ lực lượng tại chỗ khống chế đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị”.

Thanh Lam - Mạnh Hải

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.