‘Chuyên cơ mặt đất’ 7 tỷ nguy cơ phải đắp chiếu

‘Chuyên cơ mặt đất’ 7 tỷ nguy cơ phải đắp chiếu

Thứ 4, 18/12/2013 15:03

Sau gần nửa tháng hoạt động thử, chiếc xe được mệnh danh là “chuyên cơ mặt đất” đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động hoặc chuyển đổi công năng do chưa chính thức được cấp phép vào bến.

Đầu tư gần 7 tỷ đồng với nội thất tiện nghi, chiếc xe được mệnh danh là “chuyên cơ mặt đất” đầu tiên tại Việt Nam đã vận chuyển khách tuyến Điện Biên - Hà Nội từ ngày 17/11.

Chuyến nào cũng kín khách

“Chuyên cơ mặt đất” là chiếc xe có các phòng rộng, riêng biệt với những tiện nghi hiện đại. Trong các phòng có bàn làm việc và các vị trí để đồ hợp lý cho hành khách sử dụng khi cần.

Xe có 2 ghế và 20 giường được bọc da, rộng rãi, có thể điều chỉnh ngả lưng, trượt một cách dễ dàng giúp “thượng đế” cảm thấy thoải mái trong suốt một hành trình dài. Những chiếc giường này có tích hợp chức năng massage cho hành khách cảm giác thư thái.

Ngoài ra, nội thất trong xe còn được trang bị những thiết bị tiện nghi khác như: Tủ lạnh, tủ rượu, tivi LED 16 inch, ổ cứng lưu phim ảnh và các chương trình ca nhạc, giải trí... cùng hệ thống âm thanh, tai nghe cao cấp.

Xã hội - ‘Chuyên cơ mặt đất’ 7 tỷ nguy cơ phải đắp chiếu

Hệ thống giường nằm tích hợp massage giúp hành khách thư giãn, giảm mệt mỏi trong suốt một hành trình dài

Có thể phải dừng hoạt động

 "Về mặt nguyên tắc, các doanh nghiệp khi khai thác trên tuyến phải chấp hành đúng theo phương án kinh doanh vận tải. Khi có những điều chỉnh thì phải báo cáo các cơ quan quản lý tuyến. Việc qui định theo các nhóm có “Cùng sức chứa” như vậy là để ổn định việc khai thác và không tạo ra những biến động trên tuyến. Tuy nhiên, khi đã được hai Sở GTVT tại hai đầu bến chấp thuận thì không có lý do gì xe không được vào bến khai thác”. Ông Khuất Việt Hùng, vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

Tuy nhiên, ngày 17/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Long, giám đốc Công ty CP Du Lịch Xuân Long, băn khoăn: “Chúng tôi đang lo ngay ngáy và tính đến việc cho dừng hoạt động “chuyên cơ mặt đất” vì chiếc xe này chưa được cấp phép chính thức vào Bến Giáp Bát”.

Nói rõ hơn về nguy cơ phải dừng hoạt động, ông Long cho biết, trước đây trên tuyến Điện Biên - Giáp Bát, công ty đã khai thác một chiếc xe County 29 ghế ngồi, sau đó đã đầu tư nâng cấp chiếc xe chất lượng cao với tên gọi “chuyên cơ mặt đất” thông qua việc sửa sang, đóng mới và đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho phép hoạt động. Tuy nhiên, sau khi đã xin phép tham gia và được hai Sở GTVT tại hai đầu tuyến là Điện Biên và Hà Nội chấp thuận thì chiếc xe vẫn chưa được cấp phép chính thức để vào Bến Giáp Bát.

Lý do phía Công ty Bến xe Hà Nội cho rằng, việc thay thế này không phù hợp theo qui định của văn bản số 10788/BGTVT-VT ngày 10/10/2013 của Bộ GTVT hướng dẫn triển khai Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT. Vì thế, chiếc xe này đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động hoặc ít nhất phải chuyển đổi công năng từ xe 22 chỗ về 29 chỗ ngồi như cũ. Và khi đó, thương hiệu “chuyên cơ mặt đất” cũng sẽ không còn bởi toàn bộ thiết kế như hiện nay bị tháo bỏ.

Tại Điều 16, Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT có qui định về việc bổ sung, thay thế xe khai thác tuyến như sau: “... Phương tiện thay thế, bổ sung phải có cùng sức chứa với phương tiện đang hoạt động trên tuyến...”.

Tại Văn bản số 10788/BGTVT-VT, ngày 10/10/2013 của Bộ GTVT hướng dẫn triển khai cũng giải thích rõ khái niệm “Cùng sức chứa” được hiểu là trong cùng nhóm phương tiện phân loại theo sức chứa, cụ thể được chia làm 3 nhóm, gồm: Nhóm xe có sức chứa từ 16 đến 24 ghế (hoặc giường nằm); Nhóm xe có sức chứa từ 25 đến 35 ghế (hoặc giường nằm); Nhóm xe có sức chứa từ 35 ghế (hoặc giường nằm) trở lên.

Như vậy, nếu áp đúng theo qui định này, “chuyên cơ mặt đất” có 22 ghế và chiếc xe County 29 chỗ mà doanh nghiệp này đã khai thác trước đây trên tuyến Điện Biên - Giáp Bát thuộc hai nhóm sức chứa khác nhau (Nhóm A và nhóm B) nên không được phép thay thế. Nếu muốn tiếp tục hoạt động, “chuyên cơ mặt đất” phải đăng ký tuyến mới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng “Áp nguyên qui định như vậy là cứng nhắc. Với các văn bản trên, Bộ GTVT chủ yếu muốn khống chế các doanh nghiệp tăng đột biến số ghế ngồi của phương tiện trên tuyến có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác chứ hoàn toàn không có mục đích cấm các doanh nghiệp giảm số ghế ngồi để nâng cao chất lượng phục vụ. Việc áp dụng qui định chia làm 3 nhóm xe có sức chứa khác nhau là máy móc và không khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ”.

Theo Giao thông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.