Sự ra đi của nhà vật lý học lỗi lạc Stephen Hawking là một tổn thất lớn với nền khoa học thế giới. Tờ The Guardian gọi ông là "ngôi sao sáng nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại".
Những công trình của Hawking trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khám phá về nguồn gốc vũ trụ, thăm dò tiềm năng của việc du hành thời gian cho tới bí ẩn đằng sau hố đen.
Trước khi ông Hawking xuất hiện, giới vật lý luôn tin tưởng rằng lực hấp dẫn cực mạnh của các hố đen vũ trụ có thể hút bất kỳ thứ gì và không một tạo vật nào trong vũ trụ có thể thoát ra được.
Tuy nhiên, bằng việc kết hợp các cơ chế lượng tử và thuyết tương đối của thiên tài Einstein, ông Hawking đã đem đến một công bố khiến cả giới khoa học phải giật mình. Đó là ít nhất trên lý thuyết, có một số loại hạt có thể chống lại quy luật đó, thoát ngược ra khỏi hố đen dưới dạng bức xạ.
Ông Hawking đã chỉ ra được một vấn đề hết sức cơ bản về cách giới vật lý lúc bấy giờ đang nhìn nhận thế giới, vấn đề mà cho đến tận lúc này vẫn chưa thể giải quyết được. Ảnh hưởng và di sản ông để lại là vô cùng lớn.
Đối với đồng nghiệp và các nhà khoa học từng làm việc cùng ông Hawking, nhà vật lý tài hoa này thực sự là một minh chứng rõ nét về những khả năng vô biên của một tâm hồn nhạy cảm và hài hước.
Tuy nhiên, trái ngược với sức mạnh của trí tuệ, nhà vật lý lỗi lạc này mang cơ thể tật nguyền, hệ quả của căn bệnh thoái hóa thần kinh vận động đã đày đọa nhà vật lý thiên tài từ năm 21 tuổi.
Vào năm 1963, khi điều trị bệnh cho ông Hawking, các bác sĩ tiên lượng ông chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa. Nhưng may thay, căn bệnh của ông tiến triển chậm hơn thông thường. Ông đã sống hơn nửa thế kỷ và đủ lâu để ghi tên mình trong bảng vàng của các nhà khoa học danh tiếng thế giới. Giám đốc trung tâm nghiên cứu và chăm sóc người bệnh Lou Gehrig’s ở London, ông Al-Chalabi gọi tuổi thọ của Hawking là "một điều phi thường".
Theo ước tính của nhà khoa học, ông chỉ thực sự làm việc có 1.000 giờ trong suốt 3 năm học tại đại học Oxford.
Kể từ khi mắc bệnh, ông Hawking phải sống chung với xe lăn và ông đã đi tìm kiếm lời giải cho những bí ẩn của vũ trụ trong đau đớn, khó nhọc mà bệnh tật mang lại.
Thậm chí, khi tình trạng bệnh tật của ông Hawking ngày một xấu đi, ông buộc phải giao tiếp thông qua thiết bị hỗ trợ giọng nói nhân tạo và ra hiệu bằng lông mày.
"Tôi thường được hỏi: bị teo cơ thì sao", ông viết. "Câu trả lời là, không nhiều lắm. Tôi cố gắng sống một cuộc đời bình thường nhất có thể, không nghĩ về tình trạng của mình, không hối hận những điều mà mình không thể làm, mà cũng không nhiều những điều như thế lắm", nhà khoa học từng chia sẻ.
Ngoài việc nghiên cứu khoa học, ông Stephen Hawking cũng rất hay lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội. Ông cảnh báo rằng tương lai của nhân loại chính là vũ trụ ngoài kia.
"Tôi nghĩ nhân loại không có tương lai nếu họ không đi vào không gian… Tôi tin rằng cuộc sống trên Trái Đất đang bị đe dọa ngày càng nhiều trước nguy cơ một đợt nóng lên đột ngột, chiến tranh hạt nhân, một loại virus phát tán hàng loạt và những mối nguy khác", thiên tài vật lý từng cho hay.
Dù luôn bị bệnh tật hành hạ nhưng nhà khoa học Hawking luôn hướng đến việc chinh phục những thử thách.
Chẳng hạn hồi năm 2008, ông chấp nhận thử thách từ công ty Zero G Corporation để trải nghiệm môi trường vô trọng lực. Công ty khi đó đã dùng một chiếc máy bay, lên cao rồi lao ngược xuống trong vòng 25 giây. Ở quãng thời gian đó, mọi người trong cabin không cảm nhận được trọng lực nữa.
"Tôi đã ngồi xe lăn trong gần 4 thập kỷ rồi, thế nên cơ hội được trôi nổi trong không gian vô trọng lực thực sự sẽ rất tuyệt vời", nhà khoa học Hawking chia sẻ trước chuyến bay.
Stephen Hawking đã viết nên một câu chuyện đẹp. Những thành tựu khoa học và câu chuyện về nghị lực sống của ông sẽ trường tồn mãi cùng thời gian.
Xem thêm >> Nhà vật lý lỗi lạc Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76