Hương Nê gần như bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng những dãy núi lạnh ngắt đặc trưng của vùng Đông Bắc. Đây là một xã khá phát triển nằm trong lòng thung lũng. Đời sống người dân nơi đây khấm khá nhất vùng. Vượt qua nhiều quãng đường quanh co, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nhà thầy tào Bọc (vì một số lý do ông muốn giấu họ), thầy tào uy tín nhất của xã Hương Nê, gia đình có 5 đời làm thầy tào. Thầy tào Bọc là người được chọn trong số các anh em để nối tiếp truyền thống làm thầy tào của gia đình.
Ngồi bên chén nước, sau những ái ngại ban đầu, khi hiểu được mục đích của chúng tôi tìm đến ông để tìm hiểu về lịch sử, phong tục của vùng Hương Nê, thầy tào Bọc bắt đầu cởi mở hơn trong câu chuyện.
Theo thầy tào Bọc, mỗi vùng có những quan niệm khác nhau về thầy tào, tuy nhiên, chức năng chung của những thầy tào ở vùng sơn cước chủ yếu là lo việc tâm linh, các phong tục truyền thống cho cộng đồng người Nùng. Theo quan niệm xưa, thầy tào là người được Ngọc Hoàng truyền thụ những tinh hoa pháp thuật về cứu khổ cứu nạn, cứu dân độ thế, trừ bệnh trừ tà, cầu may, cầu bình an cho nhân dân. Còn ngày nay, theo nếp sống mới, thầy tào chính là những người lưu giữ những nét truyền thống của người Nùng. Từ ngày xây dựng nếp sống mới, một số phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa trong việc hiếu vẫn được lưu giữ, một số hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ. Nhiều gia đình thầy tào đã có nhận thức tiến bộ, tổ chức tang lễ đơn giản, tiết kiệm, hợp vệ sinh, hành lễ không cầu kỳ và câu nệ.
Theo thầy tào Bọc, thầy tào là bậc thầy cao nhất, được ví như: Nhị phẩm Thượng thư, Tuần sứ đại phu; kế đến là thầy pựt rồi đến thầy then. Vì thế, thầy tào được phép cấp sắc cho thầy pựt, còn thầy pựt được phép cấp sắc cho thầy then. Sau khi được cấp sắc, thầy pựt mới đủ điều kiện được hành nghề. Thầy tào là những người phải có đủ uy tín, đức độ mới được chọn. Theo thầy tào Bọc, với nghề thầy tào, mỗi đời phải lấy một người tiếp bước các thầy tào. Đây gần như là một quy định khắt khe. Khi được hỏi, có yếu tố tâm linh ở đó không, thầy tào Bọc cho rằng, ông nghiêng nhiều hơn về yếu tố tiếp nối văn hóa.
Bởi chính ông, khi được chọn làm thầy tào, cũng phải học hàng ngàn bài cúng, đọc sách cổ của người Nùng để lại. Để làm được thầy tào ông cũng phải trải qua các cấp độ khác nhau và ở mỗi cấp độ có rất nhiều bài cúng. Trong những bài cúng ấy là lời nói của người Nùng nói với tổ tiên, với các thần linh và đôi khi có cả những tư duy triết học của người Nùng trong đó. Hiện trong nhà thầy tào Bọc cũng có cả một kho với gần 500 quyển sách cổ. Kho tư liệu quý này, theo ông, đó không chỉ là những bài cúng, những cách xem bói... mà còn có cả những lời dạy của tổ tiên.
Sau câu chuyện trà nước và nghề thầy tào, chúng tôi ngỏ ý muốn chiêm ngưỡng pho sách cổ mà gia đình ông đã gìn giữ từ rất lâu. Theo thầy tào Bọc, những cuốn sách cổ này không chỉ ghi lại những thông điệp của quá khứ mà trong đó còn ẩn chứa những bí mật đáng quý của người Nùng trong vùng Hương Nê nói riêng và của người Nùng nói chung.
Kho sách cổ của thầy tào Bọc được cất riêng một góc trên gác trong căn nhà gỗ của gia đình. Kho sách cổ bao gồm rất nhiều loại khác nhau từ thơ ca được ghi chép bằng thơ Nôm của người Nùng đến các bài cúng, cách xem lịch và những bài thuốc cổ... Theo như thầy tào Bọc giới thiệu, có thể coi kho sách cổ của gia đình ông là một bộ “bách khoa toàn thư” riêng của người Nùng ở vùng Hương Nê này và có tuổi đời trên dưới 200 năm. Bên cạnh đó còn có rất nhiều cuốn sách mà ông chép lại để hành nghề.
Lần giở từng trang sách cổ, thầy tào Bọc chỉ cho chúng tôi cách người Nùng ở vùng này xem lịch. Theo đó, người Nùng cũng có cách tính lịch gần giống như lịch mùa trăng đặc trưng của dân cư Á Đông. Tuy nhiên, nó có phần chi tiết hơn như theo từng ngày, giờ tốt, giờ xấu, lịch mùa màng, ma chay, cưới hỏi... Lịch được ghi đầy đủ và có những quy luật riêng, được đúc kết từ hàng ngàn năm của tổ tiên người Nùng.
Một trong những kho tư liệu rất quan trọng khác của thầy tào Bọc chính là cuốn sách ghi những bài cúng. Đây được xem là tài liệu rất quan trọng của thầy tào. Trong cuộc sống tâm linh của người Nùng, thầy tào được coi là người có khả năng “chèo đò” đưa linh hồn người đã khuất về phía bên kia thế giới, nơi họ được siêu thoát. Không chỉ lo phần người đã khuất, một thầy tào của người Nùng còn đi cùng một đời người với quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” và mỗi giai đoạn đều có những bài cúng khác nhau. Ngày nay, thầy tào Bọc kiên quyết từ chối việc cúng bệnh. Thầy tào Bọc chỉ còn giữ lại những bài cúng mang những nét đặc trưng tâm linh của người Nùng vùng Hương Nê này. Những bài cúng được chắt lọc theo thời gian và trở thành những tinh hoa của người Nùng.
Bên cạnh những bài cúng, một trong những kiến thức trong kho sách cổ mà chúng tôi đặc biệt chú ý của thầy tào Bọc chính là sách dạy làm bùa. Bùa được coi là một phần của cuộc sống người dân tộc thiểu số. Theo thầy tào Bọc thì, bùa cũng có rất nhiều loại, thường được chia làm 2 loại bùa xấu và bùa tốt. Bùa xấu ít được những thế hệ thầy tào đi trước ghi lại trong những cuốn sách cổ truyền lại cho con cháu mà thường được truyền dạy theo phong cách truyền miệng. Bởi bùa thì phải có chú, nếu không có chú thì bùa không có tác dụng. Những bài chú không còn cách nào khác phải học thuộc nằm lòng bởi nếu ghi ra rất dễ có người biết và như thế thì việc bị “phản bùa” dễ xảy ra. Nghe những câu chuyện như thế, chúng tôi cũng tỏ ra khá ái ngại. Theo thầy tào Bọc thì, nhiều năm nay, các thầy tào ở các vùng không còn làm bùa xấu nữa mà thực hiện nếp sống mới. Bùa mà thầy tào Bọc còn giữ lại chỉ là những bùa tốt, bùa bình an, mong cầu sức khỏe...
Các loại bùa sức khỏe, bùa bình an, mưu cầu hạnh phúc thì vẫn được duy trì hay các loại bùa sức khỏe để chữa một số bệnh đơn giản gần như chữa mẹo của người xưa thì vẫn được dùng. Cũng theo thầy tào Bọc, nếu ngày xưa có bùa yêu, bắt một chàng trai hay một cô gái phải theo mình thì ngày nay họ bỏ bùa xấu đó đi chỉ còn giữ lại bùa làm cho đôi trai gái đã nên vợ chồng không bỏ nhau mà yêu thương nhau trở lại. Các loại bùa giúp tránh gió, mưa, ngộ độc khi đi rừng vẫn được các thầy tào truyền lại cho đệ tử theo nghề. Bên cạnh những bài cúng, thơ ca và nông lịch thì cũng là một trong những phương tiện truyền tải văn hóa truyền thống rất lớn của người Nùng ở vùng Hương Nê.
Ông Hoàng Văn Thành, Phó trưởng phòng Văn hóa- Thể thao huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn: “Trong đời sống tâm linh người dân tộc thiểu số vùng cao, thầy tào đóng vai trò rất quan trọng. Trước kia do tác động còn khó khăn, đời sống hủ tục lạc hậu nên việc tâm linh của bà con cũng gặp nhiều phiền hà. Từ nhiều năm nay, huyện Ngân Sơn đã ký cam kết với hơn 20 thầy mo, thầy tào trong huyện sẽ xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc tang lễ. Một số phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa trong việc tang vẫn được lưu giữ, một số hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ. Nhiều gia đình thầy tào đã có nhận thức tiến bộ, tổ chức tang lễ đơn giản, tiết kiệm, hợp vệ sinh, hành lễ không cầu kỳ và câu nệ. Trong đó, nhiều thầy tào còn góp phần lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp cho bà con dân tộc”. |
Trần Phương