Cấm bán rượu bia trong các quán karaoke
Xin mở đầu bản tin của chúng tôi bằng một thông tin khiến nhiều chị em phụ nữ vui mừng nhưng lại làm các đấng mày râu tranh cãi không ngớt, đó là đề xuất việc cấm bán bia rượu tại quán karaoke của bộ Y tế.
Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của bia rượu mà bộ Y tế đưa ra tại phiên họp của Ủy ban các vấn đề xã hội cuối tháng 4 vừa qua, Bộ đã đề xuất các giải pháp cấm bán rượu, bia tại quán karaoke, không bán bia rượu cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say và phụ nữ đang mang thai. Ngoài ra, cấm cán bộ, công chức và người lao động sử dụng bia rượu trong thời gian làm việc. Lãnh đạo bộ Y tế cho biết, điều này sẽ giúp hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia, tình trạng say bia rượu và giảm khả năng tiếp cận sản phẩm bia rượu của người dân.
Sau khi thông tin dự thảo đề xuất cấm bán bia rượu tại các quán karaoke được đưa ra, rất nhiều ý kiến trái chiều đã cùng tranh luận về nội dung đề xuất này. Nhiều người ủng hộ với việc cấm bán bia rượu tại các quán karaoke nhưng cũng không ít người phản ứng dữ dội. Những người phản đối vì cho rằng, quán karaoke là một nơi vui chơi giải trí, sao lại cấm “cụng ly”? Đi hát karaoke nếu không còn rượu bia nữa hẳn sẽ "nhạt như nước lọc". Nhưng cớ sao cứ đi hát là phải cần chất cồn thì mới vui? Cớ sao chỉ vì vài giờ vui vẻ trong phòng hát để rồi kéo theo bao nhiêu hiểm nguy rình rập khi trong người có hơi men?
Uống rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam, là tác nhân gây bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, những cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ chỉ vì tác hại của rượu bia.
Với phụ nữ chúng tôi, hễ các anh ra khỏi nhà là bao nhiêu lo lắng bủa vây. Chẳng phải nỗi lo các anh trai gái “quên đường về” và là nỗi lo liệu tối nay các anh có ngập trong những cơn say do tiếp khách, do gặp gỡ bạn bè, đối tác. Và mỗi lần chúng tôi tham gia giao thông sẽ giật mình thon thót vì những khuôn mặt đỏ bừng, tay lái không vững. Ai giám đảm bảo họ không gây ra thảm họa cho một gia đình nào đó? Vậy thì cớ làm sao, một nơi được cho là giải trí lành mạnh như quán karaoke lại cứ phải có bia, có rượu?
Vẽ tranh 3D sinh động cho nắp cống ở TPHCM
Một buổi sáng thức giấc, người dân TP.HCM bỗng ngạc nhiên bởi những nắp cống xù xì, xấu xí nằm bên đường bỗng hóa thành những bức tranh đầy sắc màu sinh động và trẻ trung.
Ý tưởng này bắt đầu từ các bạn sinh viên TP.HCM với suy nghĩ làm sao để người dân không nỡ vứt rác ngay trên những miệng cống như thói quen vốn có. Và những bức tranh 3D lấp lánh mang trong mình trọng trách nhắc nhở mọi người về ý thức bảo vệ môi trường đã thành hình.
Người dân chạy qua nhìn thấy chiếc nắp cống bỗng hóa thành bức tranh dạng 3D thay cho khối bê tông khô khốc thường ngày cũng tò mò đứng lại nhìn. Bức tranh như khoác lên những miệng cống chiếc áo đủ sắc màu. Khi là chú cá bơi lượn giữa dòng nước trong xanh, khi lại hóa những đóa sen nở rực trong hồ, lúc như cánh rừng xanh mát hiện lên. Và trước những bức tranh lung linh như thế, nỡ xả rác sao đành.
Sáng tạo một chút, nghĩ khác một chút, làm khác một chút, vậy là không chỉ biến chiếc nắp cống trở nên đẹp hơn, đường phố thêm điểm nhấn mà còn chuyển đi lời kêu gọi cùng góp tay xây dựng cuộc sống xanh đến mọi người.
Là một người dân đang sống và làm việc tại Hà Nội, đọc thấy tin này, tôi thầm hi vọng, một ngày gần nhất cũng được chiêm ngưỡng những bức tranh lấp lánh như vậy ở Hà Nội.
20.000 viên thuốc đặc trị ung thư tồn kho
Sẽ chẳng còn gì buồn hơn khi đan xen giữa những vấn đề tốt lành vẫn còn những tin đáng buồn khiến chúng ta trăn trở. Trong tuần qua, ngoài vấn đề thịt heo hơi rớt giá thê thảm nhưng đến tay người tiêu dùng không hề rẻ thì câu chuyện về gần 20.000 viên thuốc đặc trị chữa bệnh ung thư hết hạn sử dụng trong khi người bệnh không có thuốc để chữa khiến nhiều người sót xa.
Thuốc Tasigna 200mg là thuốc đặc trị cho bệnh ung thư máu, bệnh bạch cầu thể mãn tính (hay còn gọi là bệnh máu trắng). Đây là thuốc đặc trị cho bệnh ung thư máu và không dùng được cho bệnh nhân ung thư khác.
Gần 20.000 viên thuốc hết hạn sử dụng là thông tin đau xót đối với bệnh nhân bị bệnh Bạch cầu tủy mạn, bởi họ phải dùng 3-4 viên/ngày, mỗi viên thuốc có giá hơn 700.000 đồng. Nếu không nằm trong chương trình miễn phí hoặc không có BHYT chi trả, bệnh nhân sẽ phải trả tiền thuốc từ 2-3 triệu/ngày. Với người bệnh ung thư, buộc phải tuân thủ điều trị thì thuốc với họ còn quý hơn vàng.
Gia đình tôi cũng có người mất vì ung thư máu, bé mới 5 tuổi thôi, nhưng vì gia đình quá khó khăn, dù đã bán hết những gì có thể bán những vẫn không thể đủ chi phí cho cháu điều trị nên gia đình đành bất lực mất con. 20.000 viên thuốc kia đem theo sứ mệnh chữa trị cho bao nhiêu bệnh nhân, vậy mà cuối cùng phải tiêu hủy. Nói như đại diện của bộ Y tế thì quá lãng phí.
An Yên