Nỗi bất hạnh của cử nhân đạt bằng khá
Đến gặp anh Thắng vào quá trưa, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy anh vẫn đang nằm cặm cụi đính từng hạt đá vào bức tranh lớn trên giường.
“Chờ tôi chút nhé, tôi cố nốt cho xong mấy hạt đá vào vùng tranh, sắp xong rồi!” - anh Thắng nói vội khi thấy tôi bước vào nhà. Đính vội những hạt đá cuối cùng, anh khó khăn kéo lê người lên chiếc xe lăn ở cạnh giường và di chuyển sang phòng bên cạnh mời nước tôi.
Đầu năm 2004, anh Thắng tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm Kĩ Thuật Vinh với tầm bằng khá, thầy cô và bạn bè đều đặt nhiều kì vọng về tương lai của người sinh viên chân chất, giỏi giang. Thế nhưng, khi tương lai với nhiều gam màu tươi sáng đang mở ra trước mắt thì tai ương ập đến. Trong lúc làm việc tại nhà máy ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An anh Thắng bị tai nạn trượt dàn giáo khiến hai chân của anh bị liệt hoàn toàn! Trong quá trình điều trị ở bệnh viện Việt Đức, nhà máy nơi anh làm việc chỉ hỗ trợ kinh phí và đến nay mỗi năm tết đến đều gửi biếu một món quà nhỏ, ngoài ra không có sự hỗ trợ hay đền bù nào khác.
Anh chua xót kể: “ Làm việc trong nhà máy được hai tháng thì tôi bị tai nạn, liệt hai chân không đi lại được, khoảng thời gian đó là khoảng thời gian cực hình đối với tôi, khủng hoảng tâm lý, tương lai bị dập tắt. Tấm bằng đại học của tôi sau 4 năm học lại trở thành tờ giấy vô dụng, không có cơ hội được dùng tới.”
Đăm chiêu nhìn khoảng sân nhỏ trước nhà, mắt anh đỏ lên, từng ngấn nước chực chờ tuôn trào. “Ước mơ được làm nghề yêu thích của mình, đi học tại trường đại học mình thích ba mẹ tự hào về mình chu cấp cho mình như thế nhưng tôi chỉ báo hiếu công lao ba mẹ vỏn vẹn hai tháng”. Nói đến đây anh xoay người đi, cố gắng ngăn cảm xúc của mình, những tiếc nấc nghẹn bị anh che dấu bằng những tràng ho giả.
Từ khi anh bị tai nạn đến thời điểm này anh đã trải qua rất nhiều công việc như đánh máy, bán hàng tạp hóa… để tự nuôi sống bản thân. Và tấm bằng đại học anh đành ngậm ngùi cất giữ cẩn thận trong tủ.
Đau đớn nhìn vợ vất vả, lo lắng cho tương lai của con
Năm 2014, qua mai mối, anh Thắng gặp và nên duyên với chị Lương Thị Sâm cùng quê Nghệ. Cả hai bên gia đình đều chung một hoàn cảnh khó khăn nên rất hiểu và thông cảm cho nhau. Hạnh phúc đơn sơ cứ thế lên hương. Đến tháng 5/2015, anh chị vui mừng đón bé gái đầu lòng, anh đặt tên con là Nhung.
Tháng 3/2018 tại chùa Chí Linh( Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An) Trung tâm khuyết tật Hoa Sen tạo việc làm cho những người khuyết tật, công việc cụ thể của họ là đính đá vào các bức tranh.
Người nào làm thì đến đăng kí và nhận bức tranh để làm. Trường hợp của anh Thắng do bị liệt 2 chân hoàn toàn, nhà neo người nên được trung tâm tạo điều kiện cho nhận về nhà làm. Tùy vào kích cỡ và độ khó của mỗi bức tranh cũng như độ dài thời gian mà người đính đá hoàn thành sẽ nhận được mức lương khác nhau. Trung bình mỗi bức tranh cỡ vừa sẽ có giá từ hai ba trăm nghìn đồng trở lên, cao nhất có những bức được trả với giá là 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên những bức như thế phải đính trong khoảng thời gian là 1 tháng hoặc hơn.
Mỗi ngày, anh Thắng đính tranh từ 4 đến 5 tiếng, anh thường nhận những bức tranh vừa phải và hoàn thành trong vòng 7 đến 10 ngày với mức thù lao là 250 nghìn đồng.
Vì chủ yếu làm nông nên thu nhập của gia đình thấp, anh nỗ lực làm tranh càng nhiều càng tốt để phụ thêm thu nhập gia đình. Anh bảo có đôi lúc nóng lòng, cần tiền phải làm nhiều tiếng trên ngày khiến cho mắt anh kém đi hẳn.
Đang nói chuyện dở với tôi, anh xin phép xuống cắm nồi cơm vì lúc đó cũng đã 11 giờ trưa, thành thạo từng nơi để gạo thoăn thoắt vo gạo và cho vào nồi cơm điện.
Vừa thấy bóng dáng của chị Sâm về đến nơi cổng, ánh mắt anh sáng rỡ, miệng nở nụ cười hiền rồi lại cụp xuống buồn rầu. Căn nhà hiện tại của anh là căn nhà của bố mẹ để lại cho hai chị em anh, hiện tại anh với vợ con và chị cùng sống trong một căn nhà, ngoài những món đồ như chiếc xe máy cũ và ti vi thì hầu như không có thứ giá trị nào khác. “ Nhà tôi cha mẹ để lại cho ít ruộng, mùa nắng, mùa mưa, mùa gặt, mùa phơi đều do một tay vợ quán xuyến tất bật từ sáng tới tối, đôi lúc nhờ cậy được bà con hàng xóm và anh em bên ngoại! Đau lắm xót lắm, cũng buồn lắm chớ chỉ biết nhìn vợ và cắm nồi cơm trước chứ tôi không chia sẻ được việc gì!” anh chia sẻ.
Nhắc đến bé Nhung, đôi tay anh xoa vào nhau, trong mắt anh là một khoảng trống vô định. Anh không biết diễn tả như thế nào về nỗi lo lắng cho tương lai sau này của bé!.
Năm nay, anh đã 39 tuổi sắp đến tuổi tứ tuần mà bé Nhung chỉ mới lên ba, từng đồng lương ít ỏi của anh không đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống. Vì vậy, anh không dám mơ, không dám chắc rằng sẽ thực hiện được những ước mơ, những nhu cầu cho bé Nhung đặc biệt trong thời đại ngày càng hiện đại như thế này.
“Tôi chỉ mong có nhiều người đặt tranh hơn nữa để làm chứ ở trung tâm mặc dù rất tốt nhưng rất khó bán được và giá cả lại thấp. Tôi cũng chỉ muốn làm trọn vẹn trách nhiệm của một người cha đối với con gái của mình!” đó là những chia sẻ cuối cùng của anh trước khi tôi rời đi.
Minh Nhung