Một trong những câu chuyện thú vị quanh những gốc sưa trăm tuổi ở đình làng Đông Cốc được chính lãnh đạo xã Hà Mãn (Thuận Thành – Bắc Ninh) và người dân địa phương kể lại với PV là chuyện một đại gia đánh đổi cành sưa “cụ” bằng số gỗ lim tu sửa lại đình làng.
Theo lời kể của người dân thôn Đông Cốc, vào khoảng những năm 2007, một cành sưa lớn thuộc cây sưa 400 năm tuổi bỗng dưng bị bão làm gãy đổ. Trong cơn sốt gỗ sưa lên đến đỉnh điểm, các cụ và nhân dân trong làng đã xin rao bán lấy tiền sửa sang lại đình làng.
Thời điểm đó, có nhiều đại gia gỗ ghé thăm hỏi mua, giá cả được đẩy lên đến 300 triệu đồng cho cành sưa thuộc cây 400 năm tuổi.
Sau đó, một đại gia tên H. người ở quê gỗ Từ Sơn (Bắc Ninh) đã được các cụ đồng ý cho khai thác khi ông này xin thay vì trả tiền thì sẽ mang gỗ lim “tốt” nhất đến để tu bổ lại di tích đình Đông Cốc để ngôi đình khang trang như ngày nay.
Chủ tịch UBND xã Hà Mãn – Nguyễn Văn Hiến cũng kể về điều này với giọng cười luôn thường trực. Ông Hiến vừa cười vừa kể với PV: "Ngày đó, cũng có 4, 5 vị đến hỏi mua cành sưa. Giá cành sưa cụ có lúc được đẩy đến 700 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó không ai mua".
Theo lời ông Hiến, đại gia tên H. sau đó ngỏ lời xin không trả cành sưa bằng tiền mà đánh đổi bằng cách sửa lại toàn bộ đình làng bằng gỗ mới và được các cụ nhất trí.
Đặc biệt, theo lời vị Chủ tịch UBND xã Hà Mãn thì sau khi được đồng ý, vị đại gia đã hạ giải đình làng để tiến hành tu sửa.
Chuyện hài hước cũng xảy ra ở đây khi, vị đại gia kia thay vì dùng loại gỗ lim thì đã dùng gỗ căm xe để dựng đình và bị người dân phát hiện.
“Nhìn cột to, người dân ai cũng thích… Thế nhưng thời điểm đó một vài người thợ mộc biết về gỗ đã phát hiện đây không phải là lim”, ông Hiến vừa kể lại vừa cười.
Khi dân làng phản ánh, vị đại gia có bào chữa rằng “gỗ lim có nhiều loại, có gỗ lim Lào, lim Thanh Hóa...”. Sau đó mang gỗ đi thẩm định thì họ gọi tắt là căm xe.
“Về lúc đó ông H. không dám dựng đình lên nữa. Ví dụ ngày kia dựng thì nay có trả lời nên người dân không cho dựng. Ông H. lúc bấy giờ quay sang tính bỏ lớp đó đi và tiếp tục làm lại”, ông Hiến kể.
Cũng theo lời Chủ tịch UBND xã Hà Mãn, vị đại gia sau đó dẫn một vài người trong làng đi xẻ gỗ dựng đình, chọn đúng loại gỗ lim.
Những năm 2012, khi cây sưa 200 tuổi được giao bán thì vị đại gia tiếp tục sang hỏi mua với giá 40 tỷ. Vị đại gia sau đó được đồng ý với điều kiện phải xin được giấy phép và đặt cọc 200 triệu đồng.
Một thời gian sau khi cấp trên đồng ý, thì ông H. không có nhu cầu mua nữa mà trả giá 5 triệu đồng một cân gỗ sưa sau khi đẽo vỏ…!
Theo lời cụ thủ từ và người dân trong thôn, ngoài việc đánh đổi cành sưa, thì hàng năm việc ươm cây hay lấy quả sưa bán cũng mang lại khoản thu nhập kha khá cho đình, chùa.
Ngoài những chuyện kể trên thì còn rất nhiều câu chuyện xung quanh những gốc sưa trăm tuổi ở đình làng Đông Cốc mà chỉ những người sống trong làng mới tường tận. Những gốc sưa trăm tuổi nơi đây được người dân coi như báu vật chung tay gìn giữ nhiều đời.
Nhất Nam