Ngay sau Tết Nguyên Đán 2017, dư luận “chưng hửng” khi hay tin Công an xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã bắt, xử phạt 4 lão nông mỗi người 1 triệu đồng về hành vi đánh bài tiến lên ăn thua... một con gà trị giá 150.000 đồng.
Tại thời điểm vừa xảy ra vụ việc, trả lời báo chí, ông Hồ Trọng Hiểu – Trưởng Công an xã Tân Đức, một mực cho rằng xã xử lý như thế là “đúng người đúng tội”, vì việc đánh bài ăn thua một con gà cũng vi phạm pháp luật.
Điều đáng nói, 3 trong số 4 “nghi phạm” là những cựu chiến binh, họ rủ nhau chơi bài để hùn tiền mua một con gà làm mồi nhậu chứ không có tính chất cờ bạc chuyên nghiệp. Và đương nhiên “tiền tang” tại “sới bạc” không lớn.
Do không thể xử phạt theo Điều 248 - Bộ luật hình sự, quy định xử phạt về Tội đánh bạc “Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn...” nên Công an xã Tân Đức đã “tích cực” áp luật Phòng chống tệ nạn xã hội (Điểm a, Khoản 2, Điều 26 của Nghị định/CP) để... phạt răn đe.
Thiết nghĩ, “Sống – làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; không thể suy diễn nay mấy anh đánh bài ăn con gà thì mai kia chắc chắn sẽ... ăn đến con bò. Hoặc quy chụp rằng cha, ông chơi bài ắt con cháu hư hỏng, tạo dây chuyền hệ lụy xấu cho xã hội, nên... thà bắt nhầm hơn bỏ sót. Thành thử, vụ bắt phạt “Tội đánh bạc trái phép” của Công an xã Tân Đức vừa qua khiến lòng dân không phục và vô hình trung tự biểu lộ nghiệp vụ pháp luật còn yếu kém.
Sáng ngày 1/3, trao đổi với Zing.vn, đại tá Phạm Thành Sỹ - Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết đã chỉ đạo Công an xã Tân Đức hủy bỏ các quyết định xử phạt 4 người đánh bài ăn thịt gà tại địa phương này.
Đồng thời, ông Ngô Tấn Đạt - Phó chủ tịch UBND xã Tân Đức, cũng phân tích việc đánh bài của các cựu chiến binh chỉ là vui chơi giải trí, không có ý sát phạt nhau. Nhưng công an xã xử lý họ hành vi Đánh bạc trái phép là không đúng. Ông Đạt nói "Các cựu chiến binh đáng tuổi cha chú nhưng anh em công an xã có thái độ không tốt nên họ đã nhìn nhận khuyết điểm và xin lỗi bà con”.
Tại buổi họp dân, công an xã đã trả lại tiền phạt cho những người đánh bài hùn tiền mua gà làm tiệc nhậu như vừa nêu.
Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện vui đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười ở thập niên trước, chuyện kể rằng:
Thời còn bao cấp, chính quyền các địa phương đều đề ra chính sách cấm nấu rượu lậu để tiết kiệm lương thực. Một hôm, đoàn cán bộ xã nọ bất ngờ ập vào kiểm tra nhà của một phụ nữ thì phát hiện có dụng cụ nấu rượu giấu dưới gầm giường. Lập tức đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tịch thu tang vật và xử phạt người phụ nữ ... có hành vi nấu rượu lậu. Chủ nhà không đồng ý, bèn cự cãi:
- Mấy ông làm vậy không được, có bắt quả tang tôi nấu rượu đâu mà phạt?
Cán bộ giải thích:
- Tuy chưa bắt được quả tang cô nấu rượu, nhưng phát hiện dụng cụ nấu rượu giấu trong nhà chứng tỏ cô có nấu rượu. Chúng tôi buộc phải lập biên bản xử phạt cô vì tội nấu rượu lậu.
Bỗng người phụ nữ la toáng lên:
- Hiếp dâm! Bớ bà con ơi, hiếp dâm. Cứu tôi với... có người hiếp dâ..â…m!
Cả đoàn kiểm tra ngơ ngác:
- Ơ... cái cô này, hiếp dâm đâu? Ai hiếp dâm cô? Đừng có mà vu khống bậy bạ!
- Tuy các ông chưa thực hiện việc hiếp dâm, nhưng “lũ lượt” mang theo... dụng cụ hiếp dâm vào nhà tôi, chứng tỏ các ông có hành vi hiếp dâm!
Thế đó, thực thi và áp dụng luật cần phải đúng Quy phạm pháp luật. Bởi chẳng có điều luật nào cho phép chính quyền xử lý theo cảm tính, suy diễn cả. Mong sẽ không còn nơi nào tái hiện cảnh “áp luật”... lan man để rồi phải họp hành xin lỗi và... hát câu hứa hẹn “rút kinh nghiệm sâu sắc”!
Lệ Hoa
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả