Chuyện dạy con của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh

Chuyện dạy con của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

“Tôi sẵn sàng bỏ việc này, việc kia nếu lúc đó con tôi cần sự có mặt của bố. Từ những gì mà ông bà tôi làm cho bố mẹ tôi, rồi bố mẹ tôi làm cho tôi, tôi đã bắt tay vào làm thực sự cho các con mình, chứ không chỉ nói suông”, nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ,

Cởi mở chia sẻ về cha mẹ mình – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nhà thuyết minh phim Thu Hiền, cùng những kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu, Anh Quân bảo: “Điều đáng quý nhất mà tôi thừa hưởng từ bố mẹ là được lớn lên trong tình thương yêu của gia đình. Tôi trở thành một người tự tin và biết sống thương yêu người khác!”.

Xã hội - Chuyện dạy con của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh

Nhạc sĩ Anh Quân

Tài năng sớm được vun xới

Nhớ lại tuổi thơ của mình, điều đầu tiên mà tác giả bài hát “Hương ngọc lan” nhớ đến, đó là căn hộ mà bố mẹ anh được phân ở khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở Ngã Tư Vọng (Hà Nội).

Anh bảo, gọi đó là “căn hộ” thì hơi… quá đáng vì nó rộng tới… 19m2, mà anh cùng bố mẹ và em gái Hương Ly đã lớn lên ở đó. Theo anh, chỉ nên gọi đó là căn phòng thì đúng hơn.

Thế mà, trong không gian chật chội ấy, trong thời kỳ bao cấp đầy thiếu thốn và cực khổ ấy, Anh Quân bảo: “Về vật chất thì như thế nhưng rất may mắn và về mặt tinh thần thì tôi chưa bao giờ thiếu. Đấy là điều tôi luôn luôn biết ơn bố mẹ. Tôi tự hào về tuổi thơ đầy ắp tình thương của gia đình. Đó là hành trang cực kỳ quan trọng với một đứa trẻ. Khi sống trong tình thương thì lớn lên, đứa trẻ sẽ rất tự tin và nó biết thương yêu người khác”.

Anh giải thích: “Tình thương ở đây không phải là chiều chuộng mà luôn luôn được người khác quan tâm, từ ăn uống đến việc học hành ở trường ra sao. Đó không phải là sự quan tâm đến cầu kỳ như thời nay, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự lo lắng của gia đình dành cho mình”.

Lớn lên bên người cha là nhạc sĩ, âm nhạc cứ thế ngấm dần vào cuộc sống, vào tư duy của cậu bé Anh Quân cho đến khi nó thành sở thích và niềm đam mê. Năng khiếu của Anh Quân sớm được nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh phát hiện, bồi đắp và nuôi dưỡng. Ông cho con trai mình học violon.

Nhạc sĩ “Tóc ngắn” chia sẻ: “Tôi thừa hưởng gien và năng khiếu âm nhạc từ bố. Khả năng thẩm âm, sự nhanh nhạy, một chút tinh tế trong âm nhạc cũng là từ bố. Bố tôi sớm biết con mình có thích nhạc hay không bởi việc một người có năng khiếu và yêu thích âm nhạc khác hẳn với một người có năng khiếu nhưng lại không thích. Nếu anh không thích thì dù anh có năng khiếu cũng không thể phát huy được. Tôi thì có cả hai”.

Vì diện tích “căn hộ” của gia đình quá khiêm tốn nên hồi đó, cậu bé Anh Quân thường phải ra cầu thang của khu tập thể để tập violon.

Hình ảnh in đậm trong trí nhớ của cậu bé Anh Quân khi ấy là: “Bố tôi thường xuyên phải thức đêm để sáng tác. Khi vợ con ngủ hết thì ông mới bắt đầu chui vào trong màn, “bàn làm việc” là cái ngăn kéo gỗ để lên một cái ghế đẩu thấp và một ngọn đèn điện bé xíu. Đi làm về, tiền thì không có nhưng thù lao của ông thường là vài can mắm hay những nông phẩm…”.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh thường xuyên phải đi công tác xa nhà, đi tỉnh này, tỉnh khác. Thời kỳ đó, nhạc sĩ là như vậy và mẹ của Anh Quân, dù ở nhà thường xuyên hơn nhưng công việc thì lại bận bịu gấp đôi bố anh.

Anh Quân bảo: “Mình còn quá nhỏ tuổi nên không để ý được là bố mẹ phân chia công việc như thế nào nhưng chỉ biết là bố mẹ, hoặc ít nhất là một trong hai người, luôn ở bên cạnh các con và luôn có mặt khi tôi cần.

Để cải thiện kinh tế gia đình, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, mẹ tôi còn làm bánh rán, quấn thuốc lá và may quần áo để kiếm thêm. Mẹ tôi may rất đẹp và gần như tất cả nghệ sĩ của khu tập thể đều đặt mẹ tôi may quần áo và đương nhiên, bà cũng may toàn bộ quần áo cho chồng và các con mình”.

Dù nhà thuyết minh phim Thu Hiền được hàng triệu khán giả Việt Nam hâm mộ về giọng nói truyền cảm của mình nhưng Anh Quân không tiếc vì mình đã không thử nối nghiệp mẹ. Anh bảo: “Mỗi con người sinh ra đều có vị trí của mình và không nên ôm đồm quá, hãy cố gắng làm thật tốt một việc thôi. Tôi có năng khiếu và tình yêu đối với âm nhạc thì chỉ nên làm âm nhạc”.

Tuy nhiên, trong gia đình, mẹ anh lại có ảnh hưởng khá nhiều đến con cái, từ tính cách cho đến cách hành xử trong cuộc sống.

Tác giả “Hát theo người đi trên phố” nhận xét: “Mẹ tôi là người nghiêm khắc và đôi khi vẫn to tiếng quát mắng con cái. Nhưng thường thì sau đó, tôi hiểu ra là mẹ mắng thế là muốn tốt cho mình và mẹ rất yêu thương mình”.

Chuyện về chú chó Lucky

Những người thân của Anh Quân đều biết rằng anh cực kỳ yêu loài vật và thích nuôi chó từ nhỏ. Nhưng sống trong một không gian mà chia trung bình, mỗi người được chưa đầy 5m2 ấy thì có lẽ chẳng có người bố, người mẹ nào muốn có thêm thú nuôi, dù con mình có thích đến mấy. Thế nhưng…

Vì cả hai anh em Anh Quân và Hương Ly đều thích nuôi chó nên rất nhiều lần, cậu anh trai cả đã đề cập đến chuyện này với bố mẹ. Tất nhiên là bố mẹ anh sẽ gạt phăng, bởi chật chội như thế thì biết xoay xở ra sao?

Thuyết phục bố mẹ chẳng được, một lần Quân xin được một chú chó con và “đánh liều” ôm về nhà. Bố mẹ anh kiên quyết thuyết phục con và cuối cùng, Anh Quân phải ngậm ngùi mang chó đi trả lại, lòng buồn rười rượi.

Một thời gian sau, không hiểu bố mẹ bàn nhau thế nào mà đến một ngày đẹp trời, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nhà thuyết minh phim Thu Hiền lại khiến các con vô cùng bất ngờ khi chủ động đem về một chú chó nhỏ. Không lời nào có thể tả xiết niềm vui của hai anh em Anh Quân và Hương Ly trong “ngày trọng đại” ấy.

Hai anh em liền đặt tên chú cún là Lucky – cái tên tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Và từ sự kiện hết sức trọng đại ấy, có những lúc, trong căn nhà nhỏ đã có tới 4 con chó và 6 con mèo, do cả chó và mèo cùng đẻ một lúc.

Sau khi Lucky trở thành thành viên trong gia đình được mấy năm thì Anh Quân đi du học, năm đó anh 14 tuổi. Khoảng 2 năm sau khi anh đi thì ở nhà, trong một lần Lucky được cho đi chơi bằng xe máy, có một tiếng còi xe quá to khiến con chó giật mình hoảng sợ rồi lồng lên chạy mất và bị lạc, không thể tìm lại được.

Nhắc lại câu chuyện về Lucky, Anh Quân xúc động: “Đó là câu chuyện mà tôi nghĩ đứa trẻ con nào cũng nhớ, cho quần áo đẹp hay gì đó cũng không thể bằng được niềm vui tinh thần ấy.

Tôi kể câu chuyện này để chia sẻ vì tôi thấy, ngày nay, có những gia đình sống trong nhà 4 tầng mà còn không cho con nuôi chó. Tôi nghĩ đó là một thiệt thòi cho đứa trẻ. Bây giờ, đương nhiên nhà tôi vẫn nuôi chó và hiện có gần 10 con”.

Gia đình là ưu tiên số 1

Hiện tại, một ngày của gia đình nhạc sĩ Anh Quân thường bắt đầu lúc 6h30’ sáng. Anh chị lùa bọn trẻ dậy để chúng tự chuẩn bị cho mình, bố mẹ chỉ đóng vai trò đôn đốc và kiểm tra xem các con đã mặc đủ ấm chưa. Khoảng 7h sáng là anh chị sẽ đưa các con đi học.

Xã hội - Chuyện dạy con của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh (Hình 2).

Vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh bên các con

Nếu Anh Quân vắng nhà thì người lái xe sẽ đưa Mỹ Linh và bọn trẻ đến trường, còn nếu Mỹ Linh phải ra khỏi nhà sớm thì Anh Quân sẽ tự đưa đón các con đi học. Sau đó là tùy cơ ứng biến.

Là nghệ sĩ nên công việc mỗi ngày của anh chị không đều đặn như người làm công sở. Đến chiều thì anh chị sẽ đón các con về và cả nhà ăn cơm tối khá sớm, khoảng 18h30’, để các con có thời gian ôn lại bài và đi ngủ sớm.

Anh chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng dành thời gian cho các con và với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất, nghề nghiệp chỉ đứng thứ hai. Tôi sẵn sàng bỏ việc này, việc kia nếu lúc đó con tôi cần sự có mặt của bố. Từ những gì mà ông bà tôi làm cho bố mẹ tôi, rồi bố mẹ tôi làm cho tôi, tôi đã bắt tay vào làm thực sự cho các con mình, chứ không chỉ nói suông”.

Trong những đêm nhạc của con trai và con dâu, bố mẹ anh lúc nào cũng ở bên các con để ủng hộ và giúp đỡ các con những việc hậu trường lặt vặt.

Còn với kinh nghiệm giữ giọng trong suốt những năm tháng làm thuyết minh phim, nghệ sĩ Thu Hiền chăm lo cho con dâu Mỹ Linh từng ngụm sâm để uống nhằm giữ sức và giữ cho tiếng được trong. Bà cũng tư vấn để chị giữ cổ họng được tốt…

Nhận xét về cha mình, nhạc sĩ Anh Quân nói: “Ông giải quyết công việc rất bình tĩnh, không nổi đóa bao giờ và tôi cũng đã làm được như thế với những việc lớn, còn lại thì hay cáu vặt. Tôi cũng chưa từng thấy ông nói xấu ai và luôn luôn chỉ nhìn mặt tốt của người khác. Đó cũng có thể là điểm yếu khi với bất kỳ ai, ông cũng rất tin tưởng. Nhưng đó cũng là một điểm mạnh, vì ông luôn nhìn đời lạc quan.

Ban đầu là học violon và được giáo sư Nhạc viện Tchaikovski mời sang học tập nhưng sau đó, Anh Quân lại chuyển sang sáng tác. Anh đánh giá đó chính là ảnh hưởng lớn nhất từ cha mình.

Khi đang học tập ở Đức, anh và nhạc sĩ Huy Tuấn có làm một cuốn băng video gửi về cho nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh xem và được nhạc sĩ đánh giá tốt.

Đây là sự khích lệ rất lớn từ những bậc tiền bối và điều đó với một nghệ sĩ đang còn chập chững là vô cùng quan trọng.

Sau này, khi anh đã có những bước đi cứng cáp và vững vàng, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh không bao giờ góp ý vào công việc sáng tác của con mình nữa. Ông tin tưởng vào khả năng của con trai mình và luôn tin anh làm đúng.

Khánh Vũ

* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.