Chuyến đi huyền thoại của con tàu sắt đầu tiên của Việt Nam

Chuyến đi huyền thoại của con tàu sắt đầu tiên của Việt Nam

Thứ 7, 28/12/2013 21:03

Nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay) đã được thành lập vào ngày 23/10/1965 với mật hiệu là Đoàn tàu không số.

Lúc bấy giờ, quân đội ta không chỉ sử dụng những tàu được viện trợ từ bên ngoài, mà còn chủ động tự đóng thêm tàu để vận chuyển hàng hóa chi viện. Tàu 68 là một  trong những con tàu như vậy.

Từ con tàu lịch sử

Sau khi Đoàn 759 được thành lập, nhu cầu về tàu vận chuyển hàng hóa vào miền Nam trở nên cấp thiết. Lúc đó, chỉ thị từ Trung ương cho các kỹ sư đóng tàu của Việt Nam là phải đóng những con tàu có tải trọng khoảng 100 tấn, chở được vũ khí hạng nặng và một tiểu đội 12 người. Điều quan trọng nhất là tàu phải nhỏ gọn, chống chịu được với sóng gió cấp 8 – 9. Các kỹ sư đã gấp rút hoàn thành và những chiếc tàu đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã ra đời tại xưởng đóng tàu số 3 (Hải Phòng). Những chiếc tàu này được bàn giao lại cho Đoàn 759 sử dụng, trong đó có chiếc tàu mang số hiệu 68.

Xã hội - Chuyến đi huyền thoại của con tàu sắt đầu tiên của Việt Nam

Một con tàu không số do máy bay Mỹ chụp được trên biển (nguồn Internet)

Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Bát (trú tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) là chính trị viên tàu 68 và được ông kể cho nghe những hành trình sóng gió của con tàu huyền thoại này. Ông Bát kể: “Tháng 1 năm 1965, sau khi Đoàn 759 nhận được những chiếc tàu đầu tiên do Việt Nam tự đóng, chúng tôi được lệnh ra khơi. Lúc đó, thượng úy Nguyễn Ngọc Ẩn là thuyền trưởng, còn tôi làm chính trị viên. Tàu 68 của chúng tôi được giao nhiệm vụ chở hàng vào Trà Vinh để tiếp viện. Trên tàu, khi đó còn có cả một đoàn cán bộ gồm cán bộ chính trị, bác sỹ và một sỹ quan pháo binh đi cùng. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi bắt được tín hiệu từ cơ quan của ta tại Côn Đảo và chuẩn bị cập bến. Những tưởng chuyến đi đầu tiên gặp nhiều thuận lợi, nhưng khi chuẩn bị cho tàu hướng về điểm đỗ thì bất ngờ, tàu nhận được tín hiệu là “bến động”. Ngay sau đó, tàu của chúng tôi đã bị bao vây của khu trục và tuần dương hạm của địch. Sau hồi trấn tĩnh, bàn bạc, chúng tôi quyết định cho tàu chạy ra khơi chứ không vào bến đỗ như ban đầu. Thế nhưng, hướng nào cũng thấy tàu địch bủa vây. Bên cạnh những ánh đèn pha chói lóa là những tiếng động cơ gầm rú của trực thăng trên đầu và tiếng loa dụ hàng của địch”.

Lặng một chút cho ký ức trào về, ông Bát tiếp câu chuyện: “Lúc đó một số anh em trên tàu rất lo lắng và có ý định chiến đấu tới cùng. Thế nhưng, tôi đã kịp thời trấn tĩnh anh em để nghe ngóng thêm tình hình. Trong khi đó, máy bay địch cứ sáp gần vào tàu tìm kiếm, bên cạnh là những tàu khu trục, tàu tuần dương bắn cảnh cáo. Tiếng đạn nổ đùng đoàng, tiếng trực thăng đinh tai nhức óc, đèn pha chiếu thẳng vào khoang tàu như muốn lật tung các kiện hàng đang được ngụy trang kỹ. Không những vậy, tiếng loa dụ hàng cứ vang lên, kêu gọi tên thật của cán bộ, chiến sỹ trên tàu quay về với chính quyền Việt Nam cộng hòa”.

Trước tình hình đó, để tránh bị phát hiện, ông Phạm Văn Bát cùng thuyền trưởng đã động viên đoàn cán bộ, chiến sỹ yên tâm “án binh bất động” chờ xử lý và nói như dứt khoát với báo vụ 1:  “Không được trả lời. Nếu trả lời thì chúng sẽ truy tận gốc, trốc tận rễ, rồi cuối cùng sẽ bị lộ. Cứ kệ cho chúng tiếp tục bắn uy hiếp và đánh tín hiệu hỏi tàu của ta mang quốc tịch nước nào? Chạy từ đâu tới? Chở hàng gì?... Các anh cứ cho tàu chạy thẳng ra khơi”.

“Thế nhưng, máy bay Mỹ và các tàu khu trục của Ngụy vẫn quyết bám theo đến cùng. Chúng bắn súng đe dọa, truy đuổi trong màn đêm đen kịt của biển khơi. Cuộc rượt đuổi cứ thế diễn ra cho tới khi trời tảng sáng. Theo sự chỉ đạo của căn cứ trên bờ và đối sách của cấp uỷ tàu, chúng tôi khẩn trương kéo những tấm lưới đánh cá phủ lên các khẩu pháo, phủ kín các hầm hàng, đồng thời cho thuỷ thủ lấy những con cá gỗ ra móc lên các mảng lưới để đánh lừa địch. Ấy vậy mà chúng cứ bám riết không buông. Sau cùng, khi ra đến gần hải phận quốc tế, chúng tôi mới thoát khỏi sự truy đuổi của tàu giặc” – ông Bát nhớ lại. Sau màn đấu trí và đấu súng căng thẳng, con tàu 68 cũng đã giao hàng an toàn tại căn cứ Bến Tre.

Cán bộ tàu 68 nhận nhiệm vụ thứ hai vào đầu năm 1966 khi đảm nhận việc chở vũ khí và hàng hóa vào tận đất mũi Cà Mau. Cũng như lần trước, hành trình ban đầu đều thuận lợi. Sau khi giao hàng an toàn, tàu 68 quay trở lại miền Bắc thì bị tàu của địch phát hiện và buộc phải quay trở lại. Lúc đó, dưới khoang tàu đang chứa 1 tấn thuốc nổ nên cán bộ tàu quyết định chọn giải pháp “im lặng là vàng”. Sau mấy ngày tàu địch theo dõi, cuối cùng chúng không còn đủ lòng kiên nhẫn nên đã phải rút lui. Vậy là cán bộ, thủy thủ tàu 68 đã có chuyến ăn Tết ý nghĩa nơi đất mũi Cà Mau.

Xã hội - Chuyến đi huyền thoại của con tàu sắt đầu tiên của Việt Nam (Hình 2).
Ông Phạm Văn Bát trong buổi trò chuyện với PV.

Người chiến sỹ trở về từ huyền thoại

Thành công của tàu 68 gắn liền với công sức của những cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu để bảo vệ con tàu. Người chính trị viên Phạm Văn Bát năm nào giờ đã có tuổi. Thế nhưng, những ký ức hào hùng về một thời hoa lửa vẫn là những câu chuyện thường ngày được ông kể với anh em, bè bạn. Ông cho biết: “Thời đó, khi vừa tốt nghiệp trường Lục quân I, tôi mang hàm thiếu úy và đang khấp khởi được vào Nam chiến đấu. Thế nhưng, tôi và 15 đồng chí khác được điều đi nhận nhiệm vụ mới mà không rõ nhiệm vụ gì. Đến khi gặp người mặc áo Hải quân thì ai cũng té ngửa và tha hồ đoán già, đoán non. Chúng tôi sau đó được chuyển về Hải Phòng tập huấn trong vòng 45 ngày về những kỹ, chiến thuật trên biển. Lúc này mọi người mới biết, đang mang trên mình nhiệm vụ bí mật”.

Thời đó, mọi nhiệm vụ đều diễn ra hết sức bí mật. Trước khi nhận nhiệm vụ, anh em trong đoàn đều coi như vô danh, không được phép gọi tên thực của mình mà chỉ được gọi nhau bằng ký hiệu. Mọi người cũng không được nhắn nhủ với gia đình, người thân dù là một mẩu thư nhỏ để đảm bảo công tác bí mật. Ông Bát năm đó 31 tuổi, đã lấy vợ nên tranh thủ biên thư về cho gia đình. Tuy nhiên, bức thư đó 3 năm sau người nhà mới nhận được. Ông còn kể thêm: “Chúng ta đều gọi là Đoàn tàu không số nhưng khi xuất phát từ Bến Nghiêng (Đồ Sơn – Hải Phòng) thì tàu nào cũng đều có mang số hiệu cả. Khi tàu tới địa phận biển do địch kiểm soát hoặc  cấm vận (lúc đó 40 hải lý trở vào bờ là do lính Ngụy kiểm soát và 100 hải lý trở vào bờ là do Mỹ chiếm đóng và kiểm soát chung) hoặc sang hải phận của nước khác thì tàu mới thay đổi số hiệu và màu sơn, đồng thời treo cờ nước bạn trên thân tàu”.

Cũng theo ông Bát, tên gọi những người trên Tàu đều gọi theo tên miền Nam để giả dạng là ngư dân. Giai đoạn từ năm 1963 -1968, hầu hết những chiến sỹ làm nhiệm vụ trên tàu đều là con em người miền Nam. Người miền Bắc như ông Bát rất ít và phải được kiểm tra lý lịch rất kỹ để đảm bảo tuyệt đối bí mật. Trong thời gian sống và chiến đấu với tàu 68, ông đã chứng kiến tình đồng chí, đồng đội keo sơn không chỉ của những người trên tàu và cả của ngư dân nước bạn. Những chiến sỹ của tàu không số thời đó trước khi đi không chỉ làm lễ “truy điệu sống” mà theo ông Bát, các chỉ huy còn phải chuẩn bị sẵn những túi nilon để làm quan tài cho những chiến sỹ ngã xuống. Tuy nhiên, việc này chỉ những cấp chỉ huy mới biết để tránh làm anh em hoang mang.  

Tàu 68 đã thực hiện được 11 chuyến hàng thành công

Ông Phạm Văn Bát tiết lộ: “Trong hành trình của mình, tàu 68 thực hiện  được 11 chuyến đi thành công, kịp thời tiếp tế hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa cùng các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho cuộc chiến đấu của chiến sỹ, nhân dân miền Nam đi tới thắng lợi cuối cùng”. 

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.