Cả làng ngồi chậu để cấy lúa
Những người phụ nữ ngồi trong một cái chậu, đẩy đưa cơ thể mình trên mặt ruộng đầy nước còn nguyên cọng rạ, tay thoăn thoắt cấy. Họ tiến, lui như những con ốc bươu vàng khổng lồ, đổ những cái bóng đen thẫm, no tròn xuống cánh đồng trắng lấp loáng.
Đó là những nông dân đang cấy không làm đất nhờ thuốc Gramoxone mà người ở đây vẫn quen gọi là chất diệt màu xanh vì khi phun vào mọi màu xanh trên mặt ruộng bỗng hóa thành mùn.
Xuất phát từ vụ mùa năm 2006, ông Hoàng Văn Mạnh ở xóm 6 xã Hải Phong (Hải Hậu, Nam Định) được cán bộ kỹ thuật của một Cty thuốc BVTV quảng bá về mô hình làm mạ ném không cày bừa ở Trung Quốc với mục đích chính là bán thuốc xử lý cỏ, lúa chét.
Không ngờ mô hình tận bên Trung Quốc về đến đất Hải Hậu lại được hoán cải từ mạ ném thành mạ nền rất tiện lợi vì không phải gieo mạ vào khay, không phải ném chỗ dày, chỗ mỏng rồi sinh công dặm tỉa. Gặt lúa chiêm xong dân phun thuốc trên mặt ruộng đợi 5-7 ngày phân hủy hết tất cả chất xanh thành chất mùn là đồng loạt đẩy chậu đi cấy.
Năng suất cao hơn 10-15%, tiết kiệm 100.000đ/sào công cày bừa chưa thuyết phục bằng chuyện vụ mùa được đẩy sớm từ 7-15 ngày đủ để Hải Hậu có 5.000 ha đất sẵn sàng cho sản xuất vụ đông.
Người dân bơi trong chậu để cấy lúa
Tuy nhiên khi phát triển phương pháp cấy không làm đất, nhiều dư luận bảo hóa chất đó giống như chất độc khai quang của Mỹ thời chiến tranh khiến cho không ít lãnh đạo cơ sở tha hồ… run.
Mô hình lan ra không theo kênh nông nghiệp thông thường mà phát triển “du kích” bằng đường truyền sẵn có trong dân như đi ăn cỗ, đi cưới hỏi, đi chơi đâu đó rồi rỉ tai nhau làm.
Không một đồng khuyến nông, không một hội nghị tuyên truyền, cấy lúa không làm đất đã lan ra với tốc độ thần kỳ ở Hải Hậu với 2.150 ha chiếm 20% diện tích đất lúa toàn huyện, tiết kiệm mỗi năm nhiều tỉ đồng công làm đất và ghi nhận nhiều điều không thể tưởng tượng.
Tỉ như HTX Liên Minh của xã Hải Minh vụ thứ nhất làm mô hình vài mẫu, vụ thứ hai trên 90% diện tích được ào ào áp dụng. Tỉ như xã Hải Phong giờ gần như 100% vụ mùa cấy bằng biện pháp không làm đất, chỉ còn các thợ cày sẵn máy ở nhà, tiếc của đánh ra làm vài vòng.
Tỉ như HTX Nam Hải ở xã Hải Phong cấy xong 50% diện tích trong tháng 6, sớm đến 15 ngày so với trước đây, điều mà nhiều nơi khác của Nam Định không thể làm được.
Sức hấp dẫn của mô hình còn khiến cho các huyện lân cận như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh hay cả tỉnh Hải Dương cũng lục tục kéo đoàn đến học tập.
Ông Lương Đình Tuyên, chủ nhiệm HTX Nam Hải, kể xã viên gặt xong ngày 8/6 thì ngày 10/6 có nước vào ruộng dân đã đồng loạt phun thuốc để cấy. Tôi hỏi chuyện môi trường thế nào anh bảo chỉ thấy cua, ốc, ếch không chết còn nghi ngại thì vẫn có bởi thuốc BVTV nào cũng ít nhiều ảnh hưởng.
Khi tôi đến nhà ông Hoàng Văn Mạnh, nông dân đầu tiên áp dụng phương pháp cấy lúa không làm đất, vai ông đang trĩu xuống vì bình thuốc chứa Gramoxone lủng lẳng đằng sau: “Một thửa ruộng cày bừa kỹ và một thửa ruộng khác không cày, cách nhau có một cái bờ, giống má như nhau, mưa nắng như nhau, chăm sóc như nhau mà năng suất vượt trội 10-15% lại thuộc về thửa không hề được làm đất đấy”.
Cấy không làm đất nên mạ không bị dúi xuống sâu, cây lúa phát triển ngay lập tức, đẻ nhánh xòe to, lá đứng dọc đều nhau như những hàng vệ binh, ngắm mãi không biết chán. Đã thế, cứ như lời ông Mạnh hạt thóc không cày bừa “béo” hơn hẳn hạt thóc trên ruộng có cày bừa.
Có ông cán bộ đến tham quan ruộng cứ ngồi xổm trên bờ mà đếm khóm, đếm dảnh lại còn lôi cả kính lúp ra xem hạt mẩy hay lép nữa mới đưa ra kết luận chứ không phải chuyện nói vo. Mê quá, ở Hải Phong có ba hộ là Hoàng Văn Chẩn, Ngô Văn Cầu và Hoàng Văn Diệm đã thử ba vụ liên tiếp không làm đất mà lúa vẫn tốt, đất vẫn mềm.
Tôi hỏi ông Mạnh thấy những sinh vật trên ruộng sau khi phun hóa chất thế nào? Ông thủng thẳng: “Rốc (cua đồng), cá, nhất là dế trũi có rất nhiều. Cứ cầm giỏ đi một tí là được cả cân cua, cầm cuốc đi một tí là có cả giỏ cá chạch”.
Loại thuốc dân dùng để phun cho chất xanh mục
Bình thường sau 5-7 ngày phun thuốc mới cấy lúa nhưng vụ mùa năm 2012 nhà ông Mạnh bấn người làm, buổi sáng phun thuốc, chiều vãi mạ, mai cho cấy luôn mà lúa vẫn phát triển bình thường chứng tỏ hóa chất này phân hủy rất nhanh.
Đến ngay cả cái ao nhà mình, cỏ mọc um tùm ven bờ, rau muống già lòa xòa mặt nước, lười công phá ông cũng tiện tay phun luôn một bình Gramoxone xuống. Rau cỏ chết dúi dụi mà cá mú dưới ao vẫn không bơi lội bình thường. Từ ruộng đồng, Gramoxone còn bò lên cạn sang vùng đất màu, sang cả đất vườn cây ăn quả…
Chuyện dùng hóa chất để không phải làm đất khiến dân hoan hỉ nhưng cán bộ lại tỏ ra thận trọng. Ông Phạm Văn Chiến, bí thư Huyện ủy Hải Hậu khẳng định: “Thuốc mà người dân phun theo phương pháp cấy lúa không làm đất tuy không phải là thuốc cấm nhưng quan điểm của tôi đó là thuốc hạn chế sử dụng nên huyện khuyến cáo dân không dùng mà thay thế bằng phương pháp gặt sát gốc rồi dẫn nước ngập mặt ruộng”.
Phun thuốc để cho chất xanh mục
Đến ngay cả quy trình kỹ thuật cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất của phòng nông nghiệp huyện cũng không một chữ đả động đến việc dùng Gramoxone mà chỉ có gặt sát gốc, giữ nước ngập gốc rạ, thu dọn cỏ dại và tàn dư thực vật trên đồng.
Gramoxone là chất trừ cỏ không chọn lọc có độ độc cao (nhóm 2) tác dụng tiếp xúc cực mạnh, 30 phút sau phun mà gặp mưa cũng không làm giảm tác dụng của thuốc. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới hoạt chất Paraquat có nhiều ảnh hưởng đến người sử dụng, tiếp xúc với thuốc (có thể gây mù mắt, viêm loét da, rụng móng tay, chân, xơ hóa phổi, chảy máu cam, suy thận…) |
Khi diện tích sử dụng hóa chất này tăng chóng mặt Sở NN-PTNT Nam Định cấp tốc chỉ đạo Chi cục BVTV lấy phẫu diện đất gửi đi đánh giá tồn dư. Trong báo cáo của Chi cục BVTV Nam Định phân tích môi trường đất và nước ở thời điểm trước phun, sau phun 10 ngày và sau phun 1 tháng có ghi dư lượng Paraquat (hoạt chất trong Gramoxone-PV) thấp hơn so với giới hạn tối đa cho phép của Việt Nam.
Tuy nhiên đơn vị này cũng đề nghị: “Cần đánh giá ảnh hưởng tồn dư thuốc trừ cỏ Gramoxone 20 SL trên khu ruộng được sử dụng thuốc qua nhiều năm để có kết luận chắc ăn hơn”.
Trong một công văn do ông Ngô Tiến Dũng, phó cục trưởng Cục BVTV gửi cho Chi cục BVTV Nam Định, cũng rất thận trọng về hoạt chất trên: “…Việc sử dụng hóa chất để diệt cỏ và lúa chét trong phương pháp sản xuất lúa không làm đất cần phải được xem xét, đánh giá đầy đủ về nguy cơ tác động xấu đến môi trường và con người giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Thuốc trừ cỏ Gramoxone là thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam tuy nhiên đây là thuốc có độ độc hại cao…Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới cũng đã khuyến cáo các quốc gia loại bỏ hoạt chất này”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam