Khởi nghiệp từ bàn tay trắng
Khu bệnh nhân chạy thận nhân tạo Khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng tấp nập người ra người vào. Giường bệnh san sát, mỗi giường chỉ cách nhau một lối đi nhỏ vừa đủ để đặt máy chạy thận nhân tạo. Tuy vây, tôi không khó nhận ra Mai Ngọc Tiếp - người đàn ông có nước da đen sạm nằm một mình trên giường bệnh đang chạy thận. Vừa chạy thận, anh vừa ăn chiếc bánh mỳ chay để lấy sức. Trước khi gặp Mai Ngọc Tiếp, tôi từng được một người bạn sơ qua về câu chuyện cuộc đời khá đặc biệt của anh. Từ ngày anh bị bệnh, cả gia đình phải chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội sinh sống.
Gia đình nghèo, học hết lớp 9, anh Mai Ngọc Tiếp phải nghỉ học để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền. Năm 15 tuổi anh Tiếp rời quê hương Bắc Giang lên Lạng Sơn học nghề cơ khí xây dựng. Học hành chăm chỉ, chịu khó và không lâu sau anh đã dành dụm được ít vốn liếng. Nhận thấy làm thuê vừa vất vả mà tiền công không được bao, anh quyết định mở xưởng cơ khí riêng bằng số tiền làm được và khoản tiền mẹ vay lãi hộ được 3,5 triệu đồng. Năm 1998, công việc đã tạm ổn định, Mai Ngọc Tiếp lấy vợ, một người con gái gần nơi ở và cùng quê Bắc Giang. Sau ngày cưới hai vợ chồng anh trở lại Lạng Sơn tiếp tục công việc làm ăn và thuê thêm một căn nhà nhỏ và đón mẹ lên ở cùng. Anh Mai Ngọc Tiếp kể: "Nhà chỉ có mẹ, còn các chị đi lấy chồng hết, cuộc sống ai cũng vất vả nên tôi phải tự xoay sở để có tiền cưới vợ. Hai vợ chồng cưới nhau xong, trả hết nợ, không còn đồng nào trong tay. Lúc hai vợ chồng quay trở lại Lạng Sơn làm ăn chỉ còn mỗi 50 nghìn đồng đủ tiền xe. Hai vợ chồng làm ngày làm đêm, có hôm hai vợ chồng chỉ ăn một bữa cơm, còn lại ăn khoai, sắn để tiết kiệm. Một thời gian sau hai vợ chồng đã để dành ra một khoản tiền nên bàn nhau đưa mẹ lên ở cùng. Để mẹ ở dưới quê một mình không yên tâm".
Anh Mai Ngọc Tiếp đang chạy thận nhân tạo ca chiều tại bệnh viện Bạch Mai
Ngày ấy, công việc làm ăn của hai vợ chồng anh Tiếp khá thuận lợi, uy tín và chất lượng ngày càng cao nên xưởng của anh làm không hết việc. Hạnh phúc vỡ òa, một năm sau ngày cưới anh chị sinh được một cháu trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Có thêm thành viên mới trong nhà, anh Tiếp làm việc bằng bốn, năm người khác. Hai vợ chồng chịu thương, chịu khó đồng lòng cố gắng vì gia đình bé nhỏ hạnh phúc. Chẳng mấy chốc, vợ chồng anh Tiếp mua được căn nhà tại thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Không lâu sau, vợ chồng anh chị có thêm thành viên mới, một bé trai kháu khỉnh, khuôn mặt sáng sủa. Nhìn gia đình bé nhỏ hạnh phúc, hai vợ chồng anh Tiếp có thêm động lực cố gắng vun vén và xây dựng. Nhiều lúc họ thầm cảm ơn ông trời đã ưu ái cho anh một gia đình hạnh phúc, công việc làm ăn thuận lợi và suôn sẻ.
Tai họa ập đến
"Niềm vui ngắn chẳng tày gang", đang ở độ chín trong nghề và công việc ngày càng tốt đẹp, năm 2005 sau một vài lần ốm, sức khỏe suy giảm, anh được chẩn đoán bị suy thận. Trong nhà tích cóp được bao tiền từ trước đến nay đều dốc hết cho anh chữa trị. Anh Mai Ngọc Tiếp ứa nước mắt kể: "6 tháng đầu tôi không có bảo hiểm y tế nên trong nhà có bao tiền cũng hết. Cái bệnh này nhiều người bảo gia đình có giàu đến mấy rồi cũng khánh kiệt. Bao nhiêu dự định của tôi sụp đổ, tan tành hết, tôi sốc nặng và bi quan lắm. Mấy tháng đầu điều trị, tôi phải nhập viện cấp cứu liên tục. Có tháng phải bốn đến năm lần vì tinh thần suy sụp và suy nghĩ. Đêm đêm tôi không sao chợp mắt nổi, nằm ứa nước mắt vì thương vợ, thương con. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng nhìn hai đứa con thơ dại mà không đành lòng. Ngẫm đời mình sinh ra đã thiệt thòi, thiếu sự dạy dỗ của cha, không được học hành đến nơi đến chốn cũng chỉ vì cái nghèo. Bởi vậy, tôi đã tự hứa với bản thân mình dù nghèo khó thế nào cũng không để các cháu dang dở chuyện học hành. Nhưng đùng một cái tôi bị căn bệnh nguy hiểm này, sốc và chán nản vô cùng. Bao nhiêu câu hỏi, suy nghĩ về tương lai của hai con, về gia đình bé nhỏ ấy sẽ ra sao nếu một ngày mình không còn trên cõi đời này nữa? Cũng vì thế, hai tháng đầu bị bệnh sức khỏe của tôi luôn trong tình trạng nguy kịch. Tôi phải dùng thuốc trợ tim và an thần để thần kinh không bị kích động".
Sau những ngày "tưởng như đã chết", anh Mai Ngọc Tiếp tự xốc lại tinh thần và quyết tâm điều trị tại bệnh viện. Sau một thời gian, sức khỏe và tinh thần của anh đã dần ổn định và khỏe trở lại. Hàng tuần anh chỉ phải chạy thận nhân tạo 3 lần và không cần ai đi cùng. Thương vợ thương con, anh không muốn vì mình mà vợ con phải chịu cảnh nheo nhóc và khổ sở thuê nhà thuê của sống ngoài thành phố đắt đỏ, lại chuyện học hành của các cháu. Anh bảo với vợ cứ ở nhà làm và nuôi con, coi như anh đi làm xa, mỗi tháng gửi cho anh ít tiền, nhưng vợ anh nhất quyết chuyển lên ở cùng anh, gác lại mọi chuyện ở nhà. Mới đầu chuyển lên Hà Nội sống chỉ có hai vợ chồng, các cháu ở nhà với bà nội chăm.
Mới đầu hai vợ chồng anh thuê căn phòng nhỏ hơn 10m2 gần bệnh viện để sinh sống và tiện chăm sóc anh. Hàng ngày, ngoài lúc điều trị tại bệnh viện, anh giúp vợ luộc sắn, khoai, ngô mang vào bệnh viện bán cho mọi người lấy đồng ra đồng vào. Hai vợ chồng vất vả đêm hôm nhưng được cái cũng có đồng ra đồng vào . Sau này, việc điều trị bệnh của anh không tốn kém và vất vả như trước, lại không cần người đi cùng khi anh vào chạy thận nhân tạo nên hai vợ chồng anh chuyển ra thuê nhà ở khu vực Thanh Trì (Hà Nội) cho rẻ và đón hai con lên học hành. Từ ngày đón hai con lên ở cùng, vợ chồng anh buôn bán rau quả ở chợ cóc gần nhà. Thu nhập cũng đủ trang trải cho cả gia đình ở mức eo hẹp. Dù ngày mưa hay nắng, mùa đông hay mùa hè, hàng ngày hai vợ chồng anh Tiếp phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị hàng mang ra chợ bán, nào rau, nào quả tất tần tật mọi thứ để kịp giờ bán hàng. Giúp vợ bày hàng xong, anh về nấu ăn sáng cho hai con còn chưa thức giấc và đưa đón con đi học, rồi về lại đi lấy hàng cho vợ để cho sáng ngày hôm sau. Cứ như thế, công việc của hai vợ chồng anh lúc nào cũng bận rộn, đầu tắt mặt tối mà cũng chỉ đủ trang trải tiết kiệm cho cả gia đình và tiền thuốc thang của anh. Nhiều lúc ốm yếu, chán nản và bi quan về cuộc sống anh tự dằn vặt mình, muốn chết đi cho vợ con đỡ khổ. Nhìn những bịch rau, thùng hoa quả lớn nhỏ đè nặng lên đôi vai gầy của người vợ, anh không khỏi xót xa. Nhìn những đứa trẻ con hàng xóm có đầy đủ bố mẹ, ánh mắt ngây thơ của hai đứa con mà anh tự hứa với bản thân mình phải cố gắng sống.
Anh tâm sự: "Sau một thời gian điều trị, tôi có thể tự bắt xe bus đến bệnh viện chạy thận một mình. Tôi đã có bảo hiểm y tế nên mỗi tháng chạy thận cũng chỉ mất khoảng gần 500 nghìn đồng. Biết hoàn cảnh của tôi, nhà trường miễn giảm một phần tiền học phí cho các cháu. Hiện hai vợ chồng tôi chỉ lo cho mẹ già 75 tuổi ở nhà một mình".
Hiện, sức khỏe anh Tiếp đã kém đi nhiều, ngoài thời gian nằm chạy thận tại bệnh viện, thời gian còn lại anh ở nhà trông con và phụ giúp vợ làm những việc nhẹ trong gia đình. Nhắc đến người vợ, anh Tiếp xúc động nhớ lại: "Khi tôi bị bệnh, vợ tôi luôn ở bên cạnh an ủi và động viên tôi phải cố gắng sống dù thế nào đi nữa. Không được bi quan, chán nản, phải sống mạnh mẽ và là chỗ dựa tinh thần cho các con cố gắng học tập. Nghe lời vợ khuyên rất đúng, mình phải sống, hy vọng và chờ đợi khoa học phát triển sẽ chữa được căn bệnh của mình. Hơn hết, bản thân tôi phải cố gắng không để các con nhìn thấy mình ngục ngã, đầu hàng. Từ đó, tôi đã suy nghĩ tích cực hơn, không còn bi quan và chán nản nữa. Đúng như ai đó đã nói "Hãy sống như ngày mai bạn phải chết" vì thế mà phải sống tốt, sống hết mình". |
Vũ Phương