Chuyện đời cảm động của người phụ nữ mang biệt danh 'sida'

Chuyện đời cảm động của người phụ nữ mang biệt danh 'sida'

Thứ 6, 03/05/2013 16:23

Sinh ra trong một gia đình đổ vỡ, nỗi oán hận cuộc đời khiến chị rơi vào bế tắc và sa chân vào ma túy, làm gái mại dâm.

Những tưởng chị sẽ trượt dài, không thể nào trở lại con đường chân chính để làm người. Nhưng chị đã tìm lại được ánh sáng cuộc đời, vươn lên bằng nghị lực và tình yêu thương thật sự từ trái tim.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Lên lớp 7, cô bé Trương Thị Hồng Tâm (SN 1955, ngụ TP.HCM) đã sớm va vấp cuộc đời, bị đối xử tệ bạc, bị vu là ăn cắp, bị cưỡng hiếp...  khiến chị phải tạo ra một vỏ bọc cứng cỏi để che giấu sự yếu đuối bản thân mình. Những bi kịch cuộc đời đã đánh cắp tuổi thơ, tiếng cười của chị. Chỉ còn lại đó nước mắt, nhiều như một dòng sông. Khi chị lên 7 tuổi, ba chị có người phụ nữ khác nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng chỉ có cãi vã, đánh đập nhau. Sau khi ba chị bỏ đi theo người vợ bé, má chị cũng ra đi biền biệt không về.

Miền nam - Chuyện đời cảm động của người phụ nữ mang biệt danh 'sida'

Chị Tâm bồi hồi kể lại cuộc đời mình

Nhớ mẹ da diết, khiến chị tiếp tục hành trình đi tìm mẹ. Nhưng trớ trêu mẹ đã có chồng khác. Mẹ gửi chị cho những người bạn chăm sóc giùm. Sau đó, má chị lại gửi cho những người khác. Tuy nhiên chị bị gán cho tội ăn cắp, khi chị được một người bạn cho mượn bộ đồ đồng phục mặc. Buồn quá chị lưu lạc ra bên ngoài, với lòng hận thù người cha đã khiến đời chị ra nông nỗi này. Chị sống bất cần, và ngang tàng, với ý nghĩ trả thù đời, trả thù đàn ông.

Chị kể: "Mười bốn tuổi tôi đã ăn chơi điên cuồng. Tôi hút bạch phiến, á phiện "mâm đèn" và uống các loại tân dược. Bất cứ loại nào tôi cũng đều dùng hết. Tôi thường xuyên sử dụng LSD (một loại ma túy - PV)  để tìm cảm giác như thể mình đang sống trong một gia đình ấm êm". Sau 1973, cuộc sống đói khát triền miên. Thương  các em, chị nghĩ nát đầu óc mọi cách để thoát khỏi cảnh bi khổ ải ấy. Và chị đã chọn cách "bán trinh" để có tiền nuôi gia đình. 

Cũng từ đó, cuộc sống của các em chị đỡ tệ hơn, nhưng tâm hồn chị ngày càng tả tơi, bầm dập. Chị trở thành gái mại dâm từ ngày đó. Dù làm "gái" nhưng thẳm sau trong tâm hồn Hồng Tâm không bao giờ nguôi khát vọng về một gia đình, có vợ chồng con cái sum họp. Cho đến năm 1987 chị gặp người khách qua đường Lê Thanh Hòa. Sự đồng cảm trong những lần gặp gỡ khiến chị tin tưởng gán nghĩa vợ chồng với anh. Chị bỏ hẳn "nghề" mại dâm theo Hòa về làm vợ, ngày ngày đi bán vé số.

Nhưng ông trời lại thách thức chị lần nữa để giành giật tình yêu và hạnh phúc gia đình. Nghịch cảnh trớ trêu là Hòa đã li dị vợ rồi, nhưng thêm một người "vợ thứ hai" lại là một cô gái đứng đường. Vợ chồng Hòa bắt chị phải quay trở lại con đường cũ để kiếm tiền nuôi cái gia đình "hai vợ một chồng". Đau lòng, chịu không nổi chị dứt áo ra đi và tiếp tục tìm má. Khốn nỗi thay hai má con gặp nhau đều trong cảnh "tới đâu là nhà, ngã đâu là giường", bế tắc chị lại tìm đến "nàng tiên nâu" giải sầu.

Miền nam - Chuyện đời cảm động của người phụ nữ mang biệt danh 'sida' (Hình 2).

Chị Tâm trong một lần đến với trẻ em đường phố

Tìm lại những gì đã mất và sống đẹp

Trong lúc khó khăn tìm khách. Trương Thị Hồng Tâm gặp nhóm người bạn tuyên truyền về AIDS. Họ thuyết phục chị rời xa con đường này và cùng làm công tác tuyên truyền. Trở thành thành viên của nhóm, chị đã thoát hẳn cái "âm cung u tối địa ngục trần gian".  Hiện nay, hàng ngày  Tâm đến làm việc tại Nhóm Nụ Cười Bạn Thầy Hùng (phường 8, quận 3, TP.HCM).

Công việc chủ yếu làm tư vấn, chăm sóc dinh dưỡng cho các trẻ em bị nhiễm HIV. Ngoài ra, chị còn đến thăm các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi hay trại cai nghiện một số nơi để chia sẻ với người bệnh về cách điều trị cai nghiện ma túy và nhiễm HIV. Chị chia sẻ: "Tôi thích giúp trẻ em để hiểu thêm về cuộc sống của chúng. Trước kia tôi đã từng có tuổi thơ, tuổi trẻ nông nổi như vậy, nên bây giờ càng thấy những mảnh đời bất hạnh, sa ngã tôi nghĩ mình cần phải quan tâm, giúp đỡ…thêm cả phần trách nhiệm nhiều hơn".

 "Lúc này, tôi không còn lo sợ sự kì thị của xã hội. Tôi chỉ sợ chính mình đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Tôi đã dám ngẩng mặt để nhìn về phía trước thì tôi sẽ mạnh mẽ bước đi. Mấy chục năm về trước "đồng đẳng" của tôi là kẻ xì-ke, những cô gái đứng đường, những ông khách lang bang... Nhưng bây giờ "đồng đẳng" tôi đã thêm nhiều: Nhà văn, nhà báo, các lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền và những người như tôi, cả đứa trẻ lang thang đi bụi...", chị vui vẻ cho biết.

Tấm lòng người mẹ đầy yêu thương

Hiện tại chị Tâm đang sống cùng ba con nuôi ở quận Gò Vấp. Căn phòng chị thuê để làm tổ ấm những mảnh đời bất hạnh đã được một linh mục giúp đỡ hàng tháng là một nửa số tiền thuê nhà. Chúng tôi có gợi ý nói chị xin tài trợ hết cả tiền mỗi tháng thuê nhà là 3 triệu đồng. Chị Tâm gạt phắt đi mà nói: "Mình cũng đi làm mà, còn đủ sức lao động thì cứ phải làm việc. Xin tiền nhiều cũng ngại chứ? Tôi cũng đang còn khỏe khoắn, phải lao động để con cái biết rằng nếu không làm việc cuộc sống má con tôi sẽ tồi tệ lắm, thành kẻ bệnh tật ăn bám xã hội".

Trong số ba con cùng sinh sống, trong đó có một con gái đầu lòng (16 tuổi) vừa bị bệnh HIV, vừa bị hở van tim từ bé. Chị Tâm giãi bày: "Tuy tôi chưa bao giờ mang thai sinh đẻ, nhưng những đứa trẻ trong nhà tôi lại đem đến cho tôi một trách nhiệm, một tình yêu thương đặc biệt. Cuộc sống các con rất khó khăn bởi bệnh tật đau yếu triền miên. Nhưng chúng đã giúp tôi có sức mạnh làm việc hàng ngày không mệt mỏi và hạnh phúc khi trở về nhà. Bây giờ, tôi chỉ có ước nguyện nhỏ nhoi là làm sao cho con gái đầu sẽ khỏe mạnh có đủ sức đề kháng để được mổ tim vào dịp hè này".

Cuộc sống chăm sóc các con bị nhiễm HIV trong gia đình mấy mẹ con của chị Tâm thật đặc biệt. Hàng ngày, trước khi đi làm, chị dậy sớm mua đồ về làm sẵn bỏ trong tủ lạnh cho các con ăn trong ngày. Bất kể quả trái cây gì mua về cũng phải ngâm qua nước muối sôi, đồ ăn chín trong bữa ăn cũng không thể bỏ qua công đoạn này. "Cơ thể và sức đề kháng người bị nhiễm HIV rất yếu, ăn một chút thức ăn nấu chưa kĩ càng cũng sẽ bị tiêu chảy, uống thiếu chất cũng nhanh hao mòn sức lực và "đi ngay". Không những thế, các chế độ về uống sữa, thuốc thang điều trị hàng ngày cũng phải chu đáo, cẩn thận từng chút một", chị cho biết

Hiện nay chị cũng có rất nhiều con nuôi ở các trung tâm cai nghiện, bảo trợ trẻ mồ côi, bệnh nhân HIV/ADIS. Chúng gọi chị bằng tên trìu mến "má Tâm". Bây giờ thì chị không còn thấy cô đơn hay buồn chán gì nữa. Với chị, được sống và làm những việc có ý nghĩa là một hạnh phúc lớn lao. Suốt buổi nói chuyện, chị Tâm liên tục nhắc tới hai từ "hạnh phúc". Tưởng như hạnh phúc với chị từ lâu đã chỉ còn là thứ xa xỉ. Nhưng phía cuối con đường, chị đã tìm được cho mình một lý tưởng sống. Đủ để thần chết có gõ cửa bất cứ lúc nào, chị cũng thanh thản, không còn gì phải nuối tiếc.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM chia sẻ: "Khi có những ưu tư, thất vọng, nản lòng lại thấy Tâm gõ cửa. Có khi Tâm hớt hải xin một cái giấy giới thiệu, một lá thư tay để kịp thời đưa một bé vào bệnh viện, có khi Tâm kêu cho ít tiền để mua vé xe đò cho một bé gái vừa thoát khỏi ổ mại dâm... Những lúc như thế bao giờ trong tôi cũng có cái cảm giác mến phục cô gái nhỏ bé mà rắn rỏi này".  

Cuốn hồi ký đẫm nước mắt lên màn ảnh

Phải mất 8 năm trời, chị mới hoàn thành cuốn hồi ký "Vượt lên cái chết" của mình. Ở đó là nước mắt, là những tháng ngày sống dưới đáy xã hội, lang bạt từ vũ trường này đến trại cai nghiện khác. Ở đó là những truân chuyên của người đàn bà “hồng nhan bạc phận”. Ở đó cũng là hy vọng, tình yêu thương, là niềm tin yêu cuộc đời, mà những bàn tay nhân ái đã chìa ra cho chị nắm. Trong năm 2013 này, cuốn hồi ký sẽ được chuyển thể thành phim.

Hợp  Phố - Huê Trần

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.