Chị Nguyễn Thị Cúc
Khi cuộc đời trôi về dốc bên kia, thân mỏi mòn, nhan sắc kiệt chị mới nghĩ đến chuyện làm lại cuộc đời. Nhưng Muộn còn hơn không, sau những tiếng khóc nấc nghẹn của chị, tôi vẫn thấy chạnh lòng.
Bông hoa lạc loài
Chị Nguyễn Thị Cúc (Tổ 21- Hồ Đắc Di - phường An Cựu - TP. Huế) một thời bị người ta gọi là “bông hoa lạc loài”. Cũng phải thôi, hàng trăm thứ nghề, cuộc đời đã đẩy chị trở thành người mang thân xác đi mua vui cho thiên hạ. Giờ chị sống bằng nghề bán trứng vịt lộn ngoài vỉa hè. Cuộc sống còn cơ cực, nhưng phần nào chị thấy đỡ day dứt. Lúc chúng tôi đến gặp, chị đang bận rửa cả đống bát đũa, nồi niêu… Gương mặt hằn vết thời gian của người đàn bà tuổi ngũ tuần nhưng vẫn còn giữ lại những nét đẹp của một thời thiếu nữ.
Ngược về quá khứ, chị cho biết, chợ Đông Ba ngày đó đông đúc, nhộn nhịp kẻ bán người mua. Nhiều chàng trai đi qua xuýt xoa trước người con gái chịu thương chịu khó, đang gánh trên vai nỗi lo cho cả gia đình. Họ biết chị Cúc có tuổi thơ lắm đắng cay, mồ côi cha từ nhỏ nên chị phải giúp mẹ nuôi các em. “Mạ tôi bảo trời còn thương mạ vì có tôi, mạ mong tôi sớm lấy chồng, để mạ nhìn thấy tôi hạnh phúc những ngày cuối đời. Người đàn ông ấy đến với tôi cũng vào buổi chiều mưa rũ rượi thế này. Người ta dạm hỏi, mà tôi cũng đến tuổi lấy chồng, mạ muốn tôi sang sông để sớm yên bề gia thất. Nhưng chẳng bao lâu, khi tôi chưa được hạnh phúc thì mạ đã qua đời vì bạo bệnh”- chị Cúc kể.
Chị Cúc lấy chồng, về ở với nhau mới biết chồng vô sinh, chạy vạy chữa trị khắp nơi không được. Thế rồi hạnh phúc vỡ tan, đôi người đôi ngả. Cảnh nghèo, cô đơn đeo đẳng, khiến Cúc vô cùng chán chường. Chị thương mẹ già yếu, thương các em nhỏ dại. Chị cặp kè với một vài gã đàn ông khác cho bớt chán nản, rồi biến thành một ả gái điếm để kiếm tiền nuôi sống bản thân lúc nào không hay. Chị bảo: “Ngã vào vòng tay những người đàn ông, tôi biết cuộc đời mình như thế là đã hết. Ba đứa con lần lượt ra đời là kết quả của những lần tôi “đi khách”.
Trời sinh voi, nhưng trời không sinh cỏ, Cúc một mình gánh thêm nỗi nhọc nhằn đông con. Ba lần trở dạ, ba lần Cúc gánh nỗi đau đàn bà cô lẻ một mình. Sinh con chừng vài tháng tuổi, người mẹ ấy bỏ chúng ở nhà trông coi lẫn nhau tìm đường mưu sinh. Anh chị em ruột của Cúc thấy chị làm nghề này nhục quá, ai nấy đều từ mặt chị. Mỗi lần đạp xe đi khách, chị đều phải lầm lụi, cúi mặt xuống đường vì sợ gặp người quen.
Sinh đến ba con, tuổi ngày một nhiều, khách cũng không còn mặn mà với chị. Nhưng không vì thế mà Cúc bỏ nghề. Chị vẫn coi đó là công việc dễ kiếm tiền hơn bất cứ nghề nào khác. Chị cũng phải nộp tiền cho “bảo kê”, có lần không đủ nộp bị chúng đánh cho tơi tả. Đắng cay nhiều vô kể, và có lẽ, đắng cay hơn là Cúc chấp nhận tiếp những vị khách còn ít tuổi hơn con trai mình. Mắt rơm rớm, Cúc nói:“Tôi không ngại kể cho em nghe những trang đời tăm tối của mình. Tôi là người đàn bà tội lỗi, nhưng tôi cũng là người mẹ khổ đau, quằn quại lắm rồi. Có những đêm tôi muốn ngủ đi, mãi mãi, nhưng nghĩ đến cái chết của đứa con trai nhục nhã vì mẹ mà lao đầu vào tàu hỏa tự tử, tôi một lòng càng muốn sống chỉ để hy vọng ngày mai”.
Tin ở ngay mai?
Tôi hỏi, chị hy vọng điều gì ở ngày mai? Nghĩ một lúc, Cúc vuốt vuốt mái tóc xác xơ bạc, nói: “Để nguôi nỗi ân hận. Tôi hận mình đã làm đau các con”. Càng nghe những lời trần tình của chị về những trang đời bất hảo, càng thấy thương một kiếp phận sao nhiều xót xa.
Cũng bởi, nhiều năm coi thân thể như món hàng, đã không ít lần Cúc bị đưa vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm. Vào trại chị thấy thương con vô cùng. Nỗi nhớ con càng cào xé, chị càng cảm thấy mình có tội, sinh con ra rồi để chúng bơ vơ trong cảnh bần hàn. Mỗi lần từ Trung tâm phục hồi nhân phẩm trở về, Kỳ (con trai lớn) đều khuyên mẹ bỏ “nghề”. Nó bảo: “Mẹ lớn tuổi rồi, mẹ ở nhà đi, con sẽ đi làm nhiều hơn để cấp thêm tiền cho mẹ”. Lúc nghe con nói thế, chị chỉ trả lời: “Mẹ phải suy nghĩ đã”. Người mẹ tội nghiệp ấy chưa kịp hiểu ra rằng, nó đi làm rồi có lúc lao đầu vào cột điện cũng do buồn phiền vì mẹ. Nó tuyệt vọng. Khuyên mẹ không được, nó quyết tâm kết liễu đời mình cho đến cùng, vì nghĩ rằng, cuộc sống cơ cực này sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
Cuối năm 2010, con mất, chị Cúc được bảo lãnh ra khỏi Trung tâm phục hồi nhân phẩm để lo đám tang. Lúc đó, chị Cúc như người mất hồn. Đời chị đã đủ cực mà chẳng khiến các con no đủ hơn, chị quyết định bỏ “nghề”. Niềm an ủi cuối cùng của người mẹ tội lỗi ấy là hai đứa con còn lại, đứa con gái thứ hai cũng đã đi làm thêm để phụ mẹ, đứa thứ ba là con trai cũng vừa đi phụ việc trong phố, vừa cố gắng học.
Bỏ việc cũ thì phải có nghề mới. Tính toán mãi, Cúc quyết định ngày đi bán vé số, tối bán trứng vịt lộn trước nhà. Vỉa hè rộng đủ chỗ cho chị có một công việc “tàng tàng” kiếm sống. Ấy thế, giờ là lúc chị phải đối mặt với bệnh tật. Nhiều loại bệnh cùng một lúc đổ bộ lên thân thể chị, mà có lúc chị cay đắng nghĩ nên… chết đi cho xong(!). Rồi lại tự nhủ, mình nợ con, phải sống để trả cho chúng, ít nhất là cho chúng chỗ dựa tinh thần. Chờ chúng có gia đình riêng, có cuộc sống. Đây cũng là lý do mà Cúc tin ở ngày mai.
Sau giông bão
Một người hàng xóm của Cúc nói rằng, dù sao thì chị ấy cũng ăn năn, muộn còn hơn không. Và chị hàng xóm cũng đã giúp Cúc rất nhiều. Quả là một tấm lòng nhân ái. Trước đó, Cúc cũng gặp một tấm lòng nhân ái mà chị không muốn nhắc tên. Ông ta bước vào cuộc đời chị như bao người đàn ông khác. Tưởng như chỉ là khách qua đường, nhưng ông ấy đã tận tuỵ trò chuyện, cho chị những lời khuyên, muốn chị đừng quay lại con đường cũ. Khi chị còn ở trong Trại, ông ta tới thăm nom, rồi thỉnh thoảng về nhà cho con chị vài đồng. Chị chẳng ngờ cuộc đời vẫn dành cho tình thương.
Người đàn ông đó đã khiến Cúc thêm tin yêu vào cuộc đời, tình người và có thêm động lực vượt qua những mặc cảm, giông bão. Khi trở về, chị được cho ở nhờ căn nhà cũ của phường để bắt đầu lại cuộc sống mới. “Đoạn tuyệt với những tháng ngày đen tối rồi tôi ra đường vẫn cúi gầm mặt vì xấu hổ, nhưng người ta nói với tôi rằng “đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại”. Thật may mắn, vậy là tôi đã có thể hồi sinh”.
Theo An ninh Thủ đô