Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Kiều Trinh giờ là một nữ diễn viên nổi tiếng, nhận được những giải thưởng mà nhiều nghệ sĩ mơ ước, nhưng ít ai biết cuộc đời cô lại có quá nhiều trắc trở. Kiều Trinh sinh ra trong một gia đình nghèo, học đến lớp 9, không có tiền nộp đành xin nghỉ học. Cô cũng buồn bởi từng mong muốn đi hết nghiệp chữ nghĩa, nhưng ngẫm lại cảnh cha mẹ, anh chị quần quật suốt ngày trên rẫy cao vẫn không thể kiếm đủ ba bữa cơm thì lại gạt nước mắt chấp nhận. Bao lần vác hồ sơ đi xin là bấy nhiêu lần lê đôi chân nặng nề về nhà. Cuối cùng, cô chấp nhận vào làm công nhân may giày da.
Năm đó, Trinh mới 17 tuổi, từ sáng tinh mơ đến khuya cứ chôn vùi tuổi xuân với chiếc máy may, da giày và khói bụi. Cô cứ nghĩ, thế rồi, cuộc đời của mình cũng sẽ trôi qua bình yên như tiếng máy khâu. Thế nhưng, cuộc đời không ai nói trước điều gì, với khuôn mặt sắc cạnh, nước da ngăm đen cô rơi vào mắt xanh của một thanh niên lãng tử, tóc chấm ngang vai. Chàng thanh niên hứa hẹn với chúng bạn sẽ "xuống tóc" nếu tán đổ cô. Thiếu nữ ngại ngùng, thẹn thùng đồng ý đi uống nước với chàng lãng tử. Không lâu sau, anh ngỏ ý muốn cưới cô làm vợ. Ngày báo tin với gia đình, mẹ cô cười buồn: "Hạnh phúc của con, con tự chọn lấy". Và cuối cùng, một đám cưới sơ sài với vài người thân được diễn ra.
Chưa tròn một năm, Trinh mang thai. Cũng như bao nhiêu cô gái khác, đây là khoảng thời gian cần chồng chăm sóc nhất. Nhưng, chồng cô đã đổi khác, không còn nhẹ nhàng, quanh quẩn bên cô như thời tán tỉnh. Anh ta tụ tập với bạn bè suốt ngày, khi về nhà lại say xỉn, trút lên đầu cô hàng triệu lời xỉ vả, những trận đòn roi cũng tăng dần theo thời gian. Trong khi đó, gia đình chồng lại xét nét. Cô cố gắng chịu đựng, nhưng càng chấp nhận thì số phận càng bị vùi dập. Cô như nát tim phát hiện chồng đã bị nghiện. Không chịu đựng nổi ông chồng nghiện và không muốn bôi đen tuổi thơ con gái bằng những lời chì chiết của cha, cũng như những trận đòn roi dành cho mẹ, cô quyết định ly hôn. Cuộc hôn nhân của cô đổ vỡ cũng nhanh chóng như lúc nó đến.
Bất ngờ bén duyên điện ảnh
Trinh dắt con gái xin tạm trú tại nhà chị gái ở quận 7 (TP.HCM), nhưng chỉ được vài hôm thì chị lại vỡ nợ, trốn, để lại đứa cháu cho mình nuôi. Nỗi buồn cuộc hôn nhân vẫn chưa kịp vơi thì bi thương khác lại đến. Nhiều bữa ăn, ba mẹ con chỉ có lon gạo với chút nước mắm chan hòa cơm. Một chiều chủ nhật sau hai tháng ly hôn, đọc trên tờ báo, thấy có cuộc họp mặt fan của ca sĩ Lâm Vũ, cô quyết định đến để vơi đi chút buồn của cuộc đời. Cô gái nhà quê, một mình nách thêm hai đứa con nít khiến không ít người trong buổi họp mặt fan ái ngại. Cũng chính vì cảnh này khiến diễn viên Lê Quang (nổi tiếng với vai diễn Tư Võ Tòng trong phim Đất Phương Nam) chạnh lòng và làm quen. Sau hôm gặp gỡ đó, cô cùng anh Tư (cách gọi quen thuộc của diễn viên Lê Quang) thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện. Thông qua anh Tư, cô lại làm quen được với nhà báo Lữ Đức Long. Như lời cô nói: "Cuộc đời tôi nhuốm màu đau khổ, nhưng gặp được hai anh là chút phấn hồng tô điểm cho cuộc sống".
Một lần ngồi uống nước ở quán ven đường ở gần hãng phim Giải Phóng, anh Tư cười bảo: "Ở trên lầu đang cating diễn viên, mày lên xem cho biết". Lúc đó, cô có biết cating là gì đâu, chỉ nghĩ, nhắc đến diễn viên thì ắt hẳn sẽ có những người nổi tiếng nên lên xem. Tuy nhiên, trên đó, chẳng có những diễn viên nổi tiếng trên màn ảnh. Khi mọi người đã về hết, thấy còn mỗi cô gái nước da ngăm nên đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh gọi lại bảo thử vai. Cô ngại ngần từ chối, nhưng anh Minh vẫn thuyết phục. Cô chấp nhận ngồi lên ghế, không một chút run rẩy trả lời những câu hỏi của đạo diễn. Mẩu đối thoại ngày đó cô không bao giờ quên được. Đạo diễn hỏi: "Em có biết bơi không?". Cô cười tươi: "Em không biết bơi, nhưng chèo thuyền rất tốt".
Thế rồi, một lần nữa nỗi đau lại đến với Trinh. Trước ngày phim bấm máy một tuần, cha bỗng nhiên lên cơn tai biến mạch máu não, cô khóc mướt bắt xe về quê. Nghĩ suy rất nhiều, cô quyết định gọi điện lên cho đạo diễn xin được hủy vai. Anh Minh lúc đó khuyên nhủ rất nhiều và bảo không thể hủy vai vì một bộ phim là công sức của cả một ekip, đó là chưa kể, vai diễn này có thể thay đổi cuộc đời của cô. Mẹ biết được, cũng dỗ dành, khuyên nhủ con gái. Một lần nữa, cô cắp áo quần lên Sài Gòn mà lòng dạ rối bời vì lo lắng sức khỏe cho cha. Thế rồi, "Mùa Len Trâu" trở thành bộ phim nổi tiếng, gặt hái được nhiều giả thưởng, đặc biệt là giải phim xuất sắc tại liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 50, và cô cũng trở thành một diễn viên được nhiều người chú ý. Sau đó, cô nhận được khá nhiều vai diễn nặng kí trong "Rừng Đen", "Bi đừng sợ"... Đến bây giờ, đã trở thành một người nổi tiếng, nhưng Trinh vẫn còn bất ngờ với những thành công này.
Diễn viên Kiều Trinh.
Hãnh diện vì từng là... gái quán bar
Trong khoảng thời gian đóng phim "Mùa Len Trâu", Trinh được nhà báo Lữ Đắc Long giới thiệu vào làm trong quán bar Seventen. Lúc đó, cuộc sống quá cơ cực, được anh Long giới thiệu, cô rất vui nhưng cũng lắm đắn đo vì từ trước đến nay, nhiều người mặc định suy nghĩ, những cô gái làm trong quán bar là không đàng hoàng. Bên cạnh đó, bạn bè cũng lời ra tiếng vào. Tuy nhiên, cô thầm nghĩ, anh Long là một nhà báo, giới thiệu mình vào làm thì chắc quán bar này cũng là một điểm đàng hoàng. Quán bar này, khi phỏng vấn phải nói bằng tiếng Anh, nhưng Trinh chỉ biết bốn chữ "Yes, no, sory và thanks" (Có, không, xin lỗi và cảm ơn), nhờ anh Long mở lời, cô được đặc cách. Tuy nhiên, khi làm ở đây, hai tháng một lần, quản lý sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh một lần, nếu ba lần không đạt thì sẽ bị đuổi. Với lo lắng sẽ bị đuổi việc, cô luôn tự học bằng cách sau mỗi buổi làm, nằm trong đêm khuya, lấy menu học nghĩa, cách đọc.
Suốt một khoảng thời gian dài, buổi sáng, Trinh đạp chiếc xe lộc cộc đi làm mướn, đóng phim, chừng 17h lại quay trở về đón con, rồi tất tả đến quán bar. Seventen là quán bar của một doanh nhân nổi tiếng, nên cách quản lý ở đây cũng khá chặt chẽ. Bar không bao giờ mở nhạc dance, chỉ mở những ca khúc nhẹ nhàng. Khách đến đây phải ăn mặc lịch sự mới được vào. Nhân viên phục vụ không được ngồi, nếu phát hiện sai quy định thì sẽ bị đuổi việc. Khi làm ở đây, cô mới phát hiện ra rằng, không phải quán bar nào cũng chứa đầy tệ nạn. Cô hăng hái làm, hết sức cống hiến và cố gắng trau dồi vốn tiếng Anh. Cô may mắn khi được người bạn giới thiệu vào đây làm, nhưng giữ được công việc đó lại chính nhờ vào khả năng của chính mình.
"Mùa Len Trâu" kết thúc, Seventen mở thêm chi nhánh ở ngoài Hà Nội. Do tổ của Trinh luôn đạt doanh số cao, không bao giờ làm mất lòng khách nên được cân nhắc ra Thủ đô để đào tạo lớp nhân viên mới. Một tháng ở miền đất mới, giám đốc nhận thấy khả năng của Trinh nên cân nhắc cho lên làm quản lý, rồi giám đốc nhân sự. Trước đây, các chị em cùng ở TP.HCM, cùng làm thì cười nói vui vẻ, nhưng bỗng nhiên, cô được cân nhắc lên vị trí cao, nhanh chóng xuất hiện sự đố kị. Chính điều này làm cô buồn, suy nghĩ rất nhiều. Thế rồi, bar này lại mở thêm chi nhánh tại Đà Nẵng, cô tự nguyện vào đây để tránh sự xét nét của mọi người. Chừng một năm sau, do lịch quay quá nhiều, không thể dung hòa được công việc, cô giả vờ viết đơn xin tạm nghỉ việc với lý do chăm sóc cha bệnh. Tuy nhiên, thực chất là để thõa mãn khát vọng đóng phim. Đến bây giờ, giám đốc Seventen vẫn không hề biết điều này. Lắm lúc, cô muốn nói thực với giám đốc cũ, nhưng chưa bao giờ dám mở lời. Trước khi chia tay, Trinh cho biết, sự thành công bây giờ, một phần rất lớn là nhờ được làm ở quán bar, bởi ở đó, cô học được cách quản lý, sự chuyên nghiệp, sự nhẫn nhịn và hàng triệu bài học không tên khác mà chỉ có mình tự dấn thân mới hiểu hết được.
Để báo hiếu với cha mẹ, Kiều Trinh đang lên kế hoạch xây dựng một ngôi nhà nuôi dưỡng những người neo đơn trên phần đất của gia đình để lại cho mình. Dự định này hiện đang được gấp rút thực hiện và Trinh mong muốn sẽ hoàn thành vào đúng ngày lễ Vu lan năm nay như một lời cảm tạ đấng sinh thành. |
Việt Cường