Sự "hồi sinh" thần diệu
Qua Tết năm nay, là ông Lê Văn Hiếp đã tròm trèm ở ngưỡng "60 năm cuộc đời". Tuy vậy, người đàn ông này vẫn mang vẻ tinh anh và phấn chấn hơn người. Thấy có khách phương xa ghé lại, ông cười thật tươi rồi dùng chân quắp lấy quai bình trà, khéo léo rót nước mời chúng tôi, xởi lởi đùa: "Uống trà rót bằng chân, có thấy hơi ớn không?".
Từ rất lâu rồi, người dân ấp Cà Tum A, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh vẫn quen gọi ông là "thợ điện Út Hiếp". Út Hiếp sinh ra trong một gia đình có đến 10 người con. Cha mẹ ông suốt đời bám đất, bám sông, quần quật quên ngày, quên tháng mà gia cảnh vẫn cứ nghèo hắt hiu. Đã vậy, Út Hiếp khi mới ra đời chân tay lại mềm oặt, không hề động đậy, ngo ngoe như những đứa trẻ khác. Cha mẹ ông đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng tới đâu người ta cũng lắc đầu bởi lẽ: "Bại liệt bẩm sinh thì biết chữa cách nào".
Gần 30 năm qua, bà luôn là chiếc bóng đỡ đần ông những lúc khó khăn.
Năm lên 7 tuổi, thấy anh chị em cắp sách đến trường, Út Hiếp cũng đòi đi học. Ngặt nỗi, nhà nghèo quá, miếng cơm manh áo còn đói no, chằng đụp thì chi phí học hành biết tính làm sao. Chưa kể, cậu bé Út Hiếp thời bấy giờ chỉ biết nằm một chỗ, tay chân chưa xúc được muỗng cơm, nói chi đến việc cầm bút. Thế nên, cha mẹ ông đành nuốt nước mắt mà dối con rằng, đến khi nào biết đi đứng thì nhà trường mới cho vào học với người ta. Út Hiếp nghe vậy thì tin vậy. Kể từ đó, cậu bé không đòi đi học nữa, nhưng cha mẹ Út Hiếp đâu có ngờ đứa con tật nguyền của mình đang ngấm ngầm ý định tự tập đi. Từ đó cho đến nay đã hơn 50 năm có lẻ, mà Út Hiếp vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên ông đứng được trên đôi chân còng queo, yếu ớt của mình.
Ông ngùi ngùi hồi tưởng: "Lần đó nghe ba má nói biết đi mới cho vào học nên sáng sớm, chờ ba má anh chị đi hết tôi mới rướn người lên, định bụng tựa đầu vào chấn song cửa sổ cạnh bên giường để vực mình dậy. Nào ngờ mất thế, vậy là ngã lăn từ giường xuống đất, bất tỉnh luôn. Tỉnh dậy, đã thấy tay chân trầy xước hết trơn. Mà thần diệu lắm nghe, té một cú như vậy tự nhiên chân tay tôi bắt đầu có cảm giác, tôi biết đau, rồi cử động nhè nhẹ được. Thấy tôi hồi phục thần kì, ba mừng lắm ngày nào cũng dành thời gian dìu đỡ tôi tập đi". Ngót nghét hơn 2 năm sau, Út Hiếp mới có thể tự di chuyển những đoạn đường ngắn bằng chính đôi chân tưởng như suốt đời buông thõng. Ông nói: "9 tuổi tôi mới bắt đầu chập chững. Đối với đứa trẻ chỉ biết lết vòng quanh nhà thì những bước đi đầu tiên, với tôi như một sự "hồi sinh" thần diệu".
Chinh phục được những bước đi, cũng là lúc Út Hiếp biết, chuyện học khó khăn hơn mình tưởng rất nhiều. Việc quắp cây bút bằng chân để nắn nót được những nét chữ bé bé con con trên tập vở trắng tinh cực nhọc gấp mấy lần dùng chân múc nước, hay xúc cơm, cầm chén. Lắm lúc do cố gắng quá sức, cậu bé Út Hiếp bị căng cơ, chuột rút, mất thế ngã vật ra giữa lớp, đầu mặt, tay chân va vào bàn ghế bầm trầy đủ kiểu. Nhọc nhằn là vậy nhưng chưa bao giờ Út Hiếp nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Giờ nhớ lại ông cười, nói: "May mà nhờ ham học tôi mới có được ngày hôm nay, chứ nếu không có cái chữ cái nghĩa chắc giờ này tôi không biết mình phải làm gì để tự nuôi sống bản thân nữa".
Để sửa được một mạch điện tử ông Út Hiếp phải dùng từng phần của cơ thể.
Duyên tình kỳ ngộ
Học đến lớp nhất, lớp nhì là khoảng cấp 2 bây giờ, do gia cảnh ngày càng túng bấn, Út Hiếp đành dở dang việc học. Quẩn quẩn quanh quanh trong nhà riết sinh chán, hễ cầm được cuốn sách gì bất kể hay dở, Út Hiếp đều đọc ngấu nghiến. Út Hiếp có một người anh trai đang theo học ngành điện tử tại trường Trương Minh Giảng nay ở đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM, lúc nào anh về cũng mang theo một cặp đầy tài liệu về vô tuyến điện. Út Hiếp mê lắm, dù sách dạy sửa vô tuyến người không chuyên sẽ cảm thấy không có gì thú vị, nhưng ông vẫn đọc say mê. Những kí tự anh văn trong sách, chỗ nào không biết, Út Hiếp lại đi mượn từ điển của bạn bè về tra cứu.
Tự học, tự mày mò vậy mà Út Hiếp mê các mạch điện chằng chịt hồi nào không biết, rồi cứ thế thành nghề. Lúc đầu mở tiệm, người ta mang máy đến cho Út Hiếp vì tò mò, hiếu kì nhiều hơn là tin tưởng. Ông cười vui kể lại: "Lúc đó bà con cứ kháo nhau: "Mang máy ra chỗ Út Hiếp coi ổng mần được hông?". Sau rồi thấy tôi sửa sang tỉ mỉ, tiếng lành đồn xa, nhờ vậy việc làm ăn thời trẻ coi cũng được". Không những thế, Út Hiếp còn học đàn, học ca vọng cổ. Ông Hai Dô, cụ Từ của đình Cà Tum, móm mém: "Thằng Út vậy mà đờn ca nghe rất được. Nhờ cái khúc "Văn Thiên Tường lớp dựng" mà ổng lấy được vợ luôn à nha" - nói rồi cười vỗ đùi đen đét.
Thời ấy tuy nghèo, nhưng nhờ người anh cũng làm nghề sửa vô tuyến điện, nên nhà Út Hiếp "tậu" được một chiếc ti vi đen trắng - hàng hiếm của cả vùng. Bởi vậy, cứ đến đêm là nhà Út Hiếp lại chật ních bà con chờ xem chương trình. Ai ngờ đâu chiếc ti vi lại là sợi chỉ hồng giúp Út Hiếp gặp được người con gái dệt chiếu hiền lành, xinh đẹp - cô Nguyễn Thị Đèo. Ngày ấy, cô Đèo ở tận Đức Mỹ - một vùng trồng lát bao la của miệt Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cứ nửa tuần trăng, cô lại chèo xuồng chở từng tép chiếu lát xanh đỏ, xuôi Vàm kinh Hai Nò, xuống chợ Vinh Kim bán chiếu. Cứ tối tối, cô Đèo cũng như mọi người lại tụ tập nhà Út Hiếp để xem ti vi. Út Hiếp thấy cô gái từ vùng khác đến, nom cũng ưa nhìn, lại hiền lành ít nói nên bụng để ý lắm. Nhưng ngặt, ông mặc cảm quá, nên ưng thì ưng thầm vậy thôi, chứ nào dám nghĩ đến chuyện mở lời. Cũng may nhờ ông Hai Dô làm mai nên duyên tình mới đặng.
Nhà ông Hai Dô, ở bên mé kinh, nên lần nào ghé lại Cà Tum, cô Đèo cũng neo thuyền cạnh đó, khi thì xin miếng nước, lúc lại ghé nghỉ trưa nên ông Hai quen thân cô Đèo lắm. Biết tình ý Út Hiếp, nên nhân lúc cô Đèo ghé nhà, ông Hai liền bảo vợ xởi lởi mời cô ở lại dùng cơm trưa. Phần mình, ông Hai chạy ngay qua nhà Út Hiếp, bảo có "độ nhậu", rồi cứ thế cõng Út Hiếp qua nhà. Mới tới cửa, thấy cô Đèo ở đó, Út Hiếp đã đỏ ké mặt mày, ngồi ăn cơm mà như chịu trận. Hai Dô thấy vậy, liền "gỡ gạc" bằng cách lấy cây đàn treo trên vách, biểu Út Hiếp đàn hát góp vui. Có chút tự tin, Út Hiếp đờn ca khúc "Văn Thiên Tường lớp dựng". Lời ca, tiếng đàn não nề da diết như đi vào lòng người, cô Đèo ngồi yên không nói, nhưng trong dạ đã bắt đầu mến phục người thợ điện vừa nghị lực lại tài hoa. Ngày ấy, cô Đèo sớm mồ côi cha, chỉ còn mẹ. Có đứa con gái duy nhất nên khi biết cô Đèo nguyện lấy anh chàng thợ điện nghe đâu bị tật ở tận Cà Tum thì mẹ cô lo lắm. Nhưng rồi đến tận nhà, thấy "con rể tương lai" tuy tật nguyền nhưng giỏi giang, sáng sủa thì cũng thuận lòng mà không gây khó dễ.
Giờ, cô gái dệt chiếu ngày nào đã trở thành vợ của người thợ điện tật nguyền ngót nghét gần tròn 30 năm nay. Khoác vai vợ, ông Út Hiếp cười, lấp lánh ánh nhìn hạnh phúc: "Suốt đời tôi, gặp được bà ấy, có lẽ là bước ngoặt và cũng là diễm phúc lớn nhất. Quen và yêu như vậy, nhưng tôi không khi nào dám nghĩ bà ấy lại chịu lấy tôi và ở cạnh tôi cho đến bây giờ". Hỏi cô Đèo vì sao chấp nhận lấy ông, bà cũng chỉ cười thật nhẹ: "Thương ổng cái tính chịu khó, chịu khổ mà vẫn vui vẻ, lạc quan... Với lại, yêu thương thật lòng thì lấy, biết đâu mà giải thích được hả cô".
Xuân về Tết đến, ông Út Hiếp cũng tất bật giúp vợ bịt lại cái vách lá đã nát bươm, dặn bà tưới mấy gốc mai tứ quý để bông kịp nở ngày giao mùa. Không thể có con, suốt ngày chỉ có ông bà sớm tối hủ hỉ. Ông nhìn bà, nheo nheo mắt cười: "Năm mới, không ước ao gì giàu có, vì sống nghèo khổ riết cũng quen, nhà neo đơn nên chỉ mong hai vợ chồng đừng đau ốm gì. Nhìn bả khỏe, là đã đủ vui".
Hữu Long - Ngọc Giàu