> Việt Nam Xanh, màu xanh cuộc sống Việt
Cuối năm 2007, nhiều tờ báo đã đồng loạt đăng tin, bài về một nhà khoa học của Việt Nam được xướng tên tại Lễ trao giải Nobel Hoà Bình năm 2007. Ông là đồng tác giả của cuốn sách dày 3.000 trang về biến đổi khí hậu đã được nhận giải Nobel Hoà bình (công trình của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu – IPCC).
Suốt hơn 20 năm qua, ông đã dành nhiều thời gian, công sức cho vấn đề biến đổi khí hậu, cho màu xanh của cuộc sống, mà không đòi hỏi gì về vật chất, tiền bạc. Ông là TS. Nguyễn Hữu Ninh (54 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.
Thành công bắt đầu từ ký ức tuổi thơ
Trong căn phòng bề thế, rộng rãi, bên cạnh bộ salon lịch sự, cổ kính, TS. Nguyễn Hữu Ninh đang lật từng trang sách mà ông đã viết lên sau nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Phía sau bàn làm việc của ông là một tủ sách lớn, dường như tri thức của nhân loại đều hội tụ về đây, xứng tầm của một nhà khoa học được cả thế giới biết đến.
TS Nguyễn Hữu Ninh trong một lần thực địa
Tôi để ý đến một bức ảnh treo trên tường, đó là hình ảnh của ông lúc bắt đầu dời quê đi du học tại Hungari. Vẻ thông minh, lanh lợi hiện trên khuôn mặt của cậu thanh niên tuấn tú này, với đôi mắt sáng và vầng trán cao. Nhìn tấm hình thời trai trẻ, TS. Nguyễn Hữu Ninh lại nhớ về tuổi thơ gian khó nhưng nhiều kỷ niệm của mình.
Ông sinh ra trong một gia đình viên chức bình thường, bố mẹ đều làm viên chức ở Trường Đại học Y Hà Nội. Sinh ra tại Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu Ninh đã sớm làm quen với cuộc sống ở vùng nông thôn. Những năm 1960 của thế kỷ trước, ông cùng gia đình nhiều năm phải sơ tán về Hà Tây, sau mỗi buổi lên lớp, cậu học trò Nguyễn Hữu Ninh lại về giúp mẹ làm đủ các công việc đồng áng, chăn bò, xay lúa, giã gạo, đánh dậm, mò cua, bắt cá, trồng rau xanh, nuôi gà, dê, thỏ... Tối đến lại học bên ánh đèn dầu cho đến khuya.
Chính những năm tháng ở đồng quê đã nuôi dưỡng tâm hồn ông để sau này ông say mê với công tác môi trường và thấy xót xa khi môi trường bị ô nhiễm. Từ năm 1971 đến năm 1977 là thời gian ông học tập tại Hungari, rồi về nước giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1982 đến 1986, ông trở lại Viện Hàn lâm Khoa học Hungari để làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Tiến sĩ, đạt loại xuất sắc chuyên ngành Sinh học.
Trở về Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông bắt đầu nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu – chuyên ngành ông yêu thích từ khi làm nghiên cứu sinh tại Hungari về vấn đề môi trường và ô nhiễm nước ở hồ Balaton.
'Hậu phương' vững chắc
Nghĩ lại quãng đường đời đã đi qua, TS. Nguyễn Hữu Ninh cảm thấy mình may mắn khi có được người vợ biết cảm thông và chia sẻ. Hơn chục năm nay, bà Nguyễn Thị Hải – vợ ông đã xin nghỉ hưu sớm để về làm “hậu phương” cho chồng tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường. Bà không chỉ là người bạn đời mà còn là đồng nghiệp cùng chung chí hướng, cùng quan tâm đến vấn đề môi trường.
TS Ninh: 'Biến đổi khí hậu là một điều cực kỳ nguy hiểm đe doạ đến vấn đề tồn tại của con người'
> Xem ý kiến đầy đủ về biến đổi khí hậu của TS Ninh tại đây
Bà Hải cho hay: “Tôi vẫn thường động viên ông tập trung vào nghiên cứu khoa học, còn công việc gia đình đã có vợ con, nên ông rất yên tâm, dành nhiều thời gian cho lĩnh vực mình yêu thích. Giải thưởng Nobel Hoà bình là nguồn khích lệ lớn lao, là kết quả sau bao năm âm thầm nghiên cứu, để ông tiếp tục cống hiến cho màu xanh của cuộc sống, của nhân loại”. Có thể nói, đó là động lực chính để ông vượt qua những lo toan của cuộc sống đời thường, nhất là những khó khăn của thời kỳ bao cấp.
TS. Nguyễn Hữu Ninh cho biết: “Môi trường và khí hậu quyết định sự tồn vong của nhân loại, vì thế, tôi coi công việc nghiên cứu của mình là đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó có mình”. Năm 1991, TS. Nguyễn Hữu Ninh đã lập ra Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường để gửi đến loài người những thông điệp, hành động vì môi trường xanh, vì bầu khí quyển của hành tinh này. Sau 3 năm trời ròng rã nghiên cứu, ông đã đóng góp được 30 trang giấy A4 trong cuốn sách "Báo cáo lần thứ 4: Biến đổi khí hậu năm 2007" và trở thành đồng tác giả của cuốn sách dày 3.000 trang về biến đổi khí hậu, nhận giải Nobel Hoà bình 2007.
Công trình này đã trở thành bước ngoặt cho lịch sử phát triển nhân loại, buộc thế giới phải nhìn lại sự đối lập của con người với con người, và con người với thiên nhiên. Công trình đã chứng minh bằng lý lẽ khoa học về sự tác động mạnh mẽ của con người lên khí hậu của trái đất. Con người là tác nhân quan trọng nhất gây ra sự biến đổi của khí hậu hành tinh mà chúng ta đang sinh sống, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống của con người...
TS Ninh vừa là chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường, vừa là giảng viên của Trường ĐHQG Hà Nội, ông đã và đang 'truyền lửa' những kiến thức của mình cho thế hệ trẻ, với mong muốn họ sẽ tiếp nối sự nghiệp bảo vệ môi trường xanh cho nhân loại.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Văn Nguyễn (Tạp chí Công nghiệp)