Lấy chồng để đổi trâu cày cho bố mẹ
Thảo sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó nhất xã Túng Sán. Ngày đó, bố mẹ Thảo quan niệm, con gái chỉ để làm việc ruộng nương, không cần đi học. Bởi thế, dù mong muốn, khát khao được đến trường nhưng cả mấy chị em gái trong nhà đều không được đi học.
Ngày ngày, Thảo chỉ biết quẩn quanh với nương ngô, ruộng lúa, với những gánh củi trĩu nặng đôi vai. Thương bố mẹ nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đến con trâu cày ruộng, bố mẹ mơ ước mãi cũng không có đủ tiền mua. Cô bé Thảo thèm được đến trường, nhưng đành gác tất cả ước mơ lại, chỉ vì gia đình quá nghèo và suy nghĩ có phần cổ hủ, lạc hậu của bố mẹ.
Vương Thị Thảo, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Theo ý gia đình, Thảo đi lấy chồng, đánh đổi cả thời con gái, bắt đầu một cuộc sống tăm tối cũng chỉ vì muốn cho bố mẹ bớt đi một gánh nặng và để có được một con trâu (vật thách cưới) cho anh trai và chị dâu cày ruộng.
Năm đó, Thảo 16 tuổi, còn chồng mới 12 tuổi, cái tuổi suốt ngày chỉ biết ham chơi, lên rừng bẫy chim, bắt sáo. Mọi việc trong gia đình chồng đều đổ lên đôi vai Thảo, từ việc nhà cửa đến ruộng nương. Thảo cứ cắn răng làm quần quật như một con trâu. Rồi cuộc hôn nhân trẻ con không tình yêu ấy đi vào tăm tối khi người chồng của Thảo "lớn" dần.
Cùng với đám trai bản, anh ta thường xuyên xuống huyện, tụ tập cờ bạc rồi nghiện hút. Hễ về đến nhà là lại hành hạ, đánh đập Thảo, đòi Thảo đưa tiền. Những trận đòn liên tiếp diễn ra, để đến giờ, khi nhớ lại, Thảo vẫn thấy rùng mình.
Rồi Thảo quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng việc xin phép gia đình chồng xuống huyện học, dù gặp phải muôn vàn khó khăn và sự phản đối từ phía chồng và gia đình. Nhưng bằng sự cố gắng và quyết tâm, Thảo đã được đến trường, bắt đầu học những con chữ đầu tiên. Năm đó, Thảo tròn 20 tuổi.
Thay đổi cuộc đời nhờ cái chữ
Thảo theo học hệ bổ túc văn hóa, cứ hai năm lên ba lớp... Vốn có giọng hát trời phú và niềm say mê đối với các hoạt động văn nghệ, thể thao, nên Thảo nhanh chóng trở thành cây văn nghệ của trường, của xã. Là nữ dân tộc Cờ Lao đầu tiên trong xã biết chữ, chị tích cực tham gia các hoạt động phong trào, tuyên truyền cho bà con các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thảo đã được bầu vào ban chấp hành Hội phụ nữ xã, đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Túng Sán.
Năm 2002, khi đang học lớp 9, Thảo trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XI, một bước ngoặt lớn trong đời cô sơn nữ nghèo. Từ 2002 đến năm 2007, Thảo vừa đảm nhận trọng trách người đại biểu nhân dân (đại biểu Quốc hội khóa XI, đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Túng Sán) vừa tích cực học tập, hoàn thành bằng THPT, tiếp tục thi đỗ trường đại học Văn hóa, hệ tại chức và trở thành người phụ nữ dân tộc Cờ Lao đầu tiên ở Hoàng Su Phì tốt nghiệp đại học. Cũng trong thời gian này, Thảo đã tiết kiệm đồng lương ít ỏi của mình để mua một con trâu trả lại cho nhà chồng trước khi quyết định ly hôn.
Khi còn làm công tác Hội phụ nữ xã, Thảo đã tích cực vận động các chị em trong xã đi học, vận động các gia đình đưa trẻ đến trường. Hiện xã Túng Sán đã có gần 20 chị em, từ chưa biết chữ nay đã học hết lớp 12, một số em đã tiếp tục theo học các trường cao đẳng, trung cấp như: Vàng Thị Thùy Linh, dân tộc Cờ Lao, tốt nghiệp trung cấp sư phạm Hà Giang, hiện là giáo viên mầm non tại xã; Sú Thị Dần, dân tộc Cờ Lao, giáo viên hỗ trợ điểm trường thôn 4, xã Túng Sán.
Cả Linh và Dần đều nói rằng nhờ có chị Thảo giúp đỡ và tích cực vận động bố mẹ, các em đã được đi học và được đứng trên bục giảng, dạy cái chữ cho bà con dân tộc mình.
Nhắc đến người phụ nữ Cờ Lao đặc biệt này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI và các cán bộ, chuyên viên văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Giang đều dành cho Thảo những tình cảm yêu mến, quý trọng. Ông Phượng Quầy Phin, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XI tỉnh Hà Giang cho biết: Là người giới thiệu Vương Thị Thảo ứng cử ĐBQH và có thời gian tham gia Quốc hội với vai trò là ĐBQH, thành viên Hội đồng dân tộc cùng Thảo suốt năm năm, tôi thấy trong công việc Thảo luôn nhiệt tình, hết mình và không ngừng học hỏi.
Trong cuộc sống, Thảo chân thành, cởi mở, hòa đồng, thường xuyên giúp đỡ người khác. Khi thấy cuộc sống của Thảo quá khó khăn, vất vả, tôi đã bàn với một đồng chí ĐBQH ở Trung ương ứng cử tại Hà Giang, xin chuyển công tác cho Thảo từ xã Túng Sán về trung tâm tỉnh lỵ nhưng Thảo đã từ chối với lý do: Thảo sinh ra và lớn lên ở Túng Sán, được đi học, đi làm và được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội, HĐND, Thảo sẽ ở lại cùng bà con trong xã, tiếp tục đóng góp công sức của mình xây dựng xã nhà phát triển.
Vương Thị Thảo (bên trái).
Hạnh phúc giản đơn nơi xóm núi
Lần trở lại Hà Giang này, tôi quyết định tìm gặp bằng được Vương Thị Thảo. Đón tôi tại trung tâm thị trấn Vinh Quang, Thảo ôm chầm hồi lâu rồi chở tôi về nhà. Căn nhà cấp bốn lợp pro xi măng khiêm tốn nép sau chân núi. Trong nhà là bốn đứa trẻ đang trông nhau chờ mẹ về. Ánh mắt Thảo ngập tràn hạnh phúc: Hai đứa lớn là con riêng của anh chồng, còn hai đứa bé là con chung. Thảo mới sinh thêm em bé nên trông người đẫy đà hơn.
Vẫn giọng nói líu lo như chim hót của cô sơn nữ thuở nào, Thảo kể: Thời gian làm đại biểu Quốc hội, Thảo thường xuyên đi về giữa Hà Nội - Hoàng Su Phì - xã Túng Sán. Số phận đã cho Thảo gặp anh Dương, người dân tộc Tày, làm xe ôm ở trung tâm thị trấn. Cảm động trước hoàn cảnh của người đàn ông từng một lần dang dở, ngày thì chạy xe ôm, đêm về làm phụ hồ, khuân vác cho công trường để kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ, Thảo đã nhận lời lấy anh, nhận lời làm mẹ của hai đứa con anh.
Để có thêm tiền trang trải cho gia đình sáu miệng ăn, ngoài công việc ở cơ quan, Thảo thường xuyên theo chồng đi phụ hồ, xúc cát, gánh đất thuê. Công việc dù khó khăn, vất vả đến đâu, chị cũng sẵn sàng làm và luôn vui vẻ nói rằng chẳng thấm vào đâu so với những vất vả của thời gian trước đây.
Dẫu rằng cuộc sống mới của Thảo vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trong ngôi nhà nhỏ nơi xóm núi nghèo lúc nào cũng rộn niềm vui tiếng cười của những đứa trẻ. Chồng Thảo cũng thường xuyên động viên, giúp đỡ vợ công việc chung của gia đình. Các con của anh đều âu yếm gọi Thảo là mẹ và dành tặng mẹ Thảo những tình cảm yêu thương nhất.
Chỉ vào loạt giấy khen của tỉnh, của huyện treo trên tường với những thành tích đã đạt được trong các hoạt động xã hội, Thảo tự hào nói, nhờ cái chữ Thảo đã thay đổi cả cuộc đời mình. Tôi chợt hiểu, đó là niềm tự hào không chỉ của riêng mình Thảo mà thành tích đó còn là niềm tự hào của tất cả bà con dân tộc Cờ Lao ở xã Túng Sán xa xôi này.
Người dân tộc Cờ Lao đầu tiên tốt nghiệp đại học Tôi quen Vương Thị Thảo (SN 1976) cách đây 7 năm, từ ngày chị còn là đại biểu Quốc hội. Câu chuyện dài cảm động về cuộc đời chị khiến tôi nhớ mãi. Hiện, chị là cán bộ của phòng Văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Chị từng đảm nhiệm các cương vị: Chủ tịch Hội phụ nữ, Phó chủ tịch HĐND xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì; đại biểu Quốc hội khóa XI. Đặc biệt, chị là người dân tộc Cờ Lao đầu tiên của huyện đã tốt nghiệp đại học. |
Hoàng Sa