“Cô gái hạt tiêu” của tổ điệp báo
Bà Ngô Thị Huệ sinh ra ở vùng quê nghèo Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Là con út trong một gia đình có 8 anh chị em, mẹ mất sớm, người cha già một vai hai gánh, vừa hoạt động cách mạng, vừa nuôi dạy con thơ. Ngay từ nhỏ, bà Huệ đã được cha và anh dìu dắt theo con đường hoạt động cách mạng. Dường như bà sinh ra là để hoạt động cách mạng. Những năm 1953, bà là thành viên Đội thiếu nhi chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới và đưa thư liên lạc cho cán bộ.
Một chiều, khi các đồng chí cách mạng đang họp chi bộ ngay trong ngôi nhà của bà, bọn địch bất ngờ vây ráp quanh xóm. Thấy tình hình nguy hiểm, cô bé vốn sáng dạ, mưu trí vội chạy ra vườn, tháo cổng hết tất cả trâu bò rồi búa xua cho chúng chạy toán loạn, vừa xua cô vừa la: “Bớ làng nước ơi. Trâu sổng chuồng ăn lúa, ăn khoai”. Nghe vậy bà con trong làng vội vàng chạy ào ra đồng đón trâu, nhân lúc lộn xộn các cán bộ của ta đều chạy thoát hoặc tìm chỗ trú ẩn an toàn.
Bức ảnh bà Huệ chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng thăm Đà Nẵng.
Những năm tháng thanh xuân, bà Huệ hiến dâng cho phong trào cách mạng, cũng là thời điểm mà quân giặc thẳng tay đàn áp nhân dân ta. Chính sách tố cộng và diệt cộng được chúng thực hiện hết sức rầm rộ, dã man. Cha bà, cũng là một chiến sỹ cách mạng kiên trung bị địch bắt và tra tấn dã man trước mặt người con gái bé nhỏ cho đến khi lồi mắt, mù lòa bọn giặc mới buông tha ông. Những người con lớn lên đều hoạt động cách mạng, 5 người con thoát ly đi tập kết ra Bắc, những người ở lại cũng chiến đấu hết mình cho quê hương.
Năm 1963, ngay khi vừa ra tù và phục hồi vết thương, bà Huệ gia nhập đội công tác TP. Đà Nẵng. Công việc của một người làm tình báo khiến bà phải nhập vai, khi là cô gái quê mùa chất phát, lúc lại là một con buôn nanh nọc, thậm chí là cô gái lẳng lơ, hút thuốc phì phèo, quyến rũ quân địch để thu thập thông tin, nắm tình hình địch. Bà Huệ chia sẻ: “Làm công tác điệp báo cần can đảm, lao mình vào thành phố, nắm được cuộc sống của những người dân trong thành phố. Bản thân mình phải hiểu rõ thì mới đảm bảo được an toàn”. Biệt danh “cô gái hạt tiêu” là những cách gọi trìu mến của các anh ở ban an ninh ngày đó thường gọi bà Huệ.
5 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong căn nhà nhỏ, đơn sơ mà ấm áp của bà Huệ ở đường An Thượng 5, phường Mỹ An, TP. Đà Nẵng, ở vị trí trang trọng nhất, cao nhất là ảnh của Bác Hồ, kế đến là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những tấm ảnh kỷ niệm của bà với bác Giáp, với bác Trần Quốc Hoàn (nguyên Bộ trưởng bộ Công an) luôn được bà cất giữ cẩn thận, coi như báu vật. Nói đến cơ duyên những lần gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Huệ không khỏi xúc động, mắt bà nhòa đi... Bà bảo: “Gặp bác Giáp là một trong những vinh dự lớn của đời tôi, cơ duyên này bắt đầu từ những năm tháng tôi bị bọn giặc tra tấn dã man, tàn bạo”.
Trong những năm tháng hoạt động, bà Ngô Thị Huệ đã bị địch bắt giam rồi lại được thả không dưới chục lần. Chúng bắt bà, nhưng rồi không khai thác được thông tin gì, vài tháng hoặc 1 năm chúng lại thả ra. Năm 1957, bà bị địch bắt rồi bị di lý từ UBND xã Hòa Ninh (Hòa Vang) về nhà lao Hiếu Đức, bị nhốt vào khu biệt giam. Bà kể: “Dù là phụ nữ, nhưng mọi đòn tra tấn của quân giặc, tôi đều đã can qua, từ bị đánh đập, tra tấn điện đến tạt nước vôi vào người... Tàn bạo hơn bọn chúng cho hai tên lính cộng hòa uống rượu rồi thay nhau định làm nhục tôi trong tù. Tôi chống cự quyết liệt bọn chúng quay sang dùng những đôi giày đinh đánh tôi túi bụi”.
Đầu năm 1969, trong một lần đi cơ sở, bà Huệ bị máy bay địch phục kích, một mảnh đạn găm vào đầu bà. Khiến cho cô gái ấy từ một người luôn vui vẻ, kiên cường, gan góc trở nên điên loạn, đánh đập bất kỳ ai khi những cơn động kinh liên tiếp đến. Lãnh đạo quân khu 5 quyết định đưa bà ra Hà Nội điều trị. Một lần, Bộ trưởng bộ Công an Trần Quốc Hoàn đến thăm hỏi các thương bệnh binh ở bệnh viện E (nơi bà Huệ đang điều trị) tận mắt chứng kiến người phụ nữ kiên trung Ngô Thị Huệ, chống chọi những cơn động kinh bất thình lình. Sau khi biết hoàn cảnh, những hoạt động công tác của bà ở xưa Quảng Đà, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định nhận Ngô Thị Huệ là con nuôi, rồi đưa bà về nhà săn sóc như con gái.
Những ngày sống ở nhà bố Hoàn, bà Huệ may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trải qua hơn nửa thế kỷ, những cuộc gặp gỡ với Đại tướng vẫn còn như in trong lòng bà. Bà xúc động nói: “Lần đầu tiên gặp bác Giáp, bác bảo tôi báo cáo tình hình anh em trong miền Nam. Rồi bác xoa đầu dặn dò tôi điều trị thật tốt, siêng năng viết thư cho anh chị kẻo anh chị lo lắng. Nhất định bác cháu mình sẽ gặp lại nhau ở miền Nam”. Và trong một lần ghé thăm quân khu 5 (Quảng Nam, Đà Nẵng), bác Giáp hỏi han các chú lãnh đạo tình hình cháu Huệ nay như thế nào. Đứng trong đám đông, bà Huệ nghe thấy bác hỏi đến mình liền vội vàng chạy ngay đến ôm chầm lấy bác, vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Những ngày nghe tin Đại tướng mất, bà Huệ khóc hết nước mắt. Trong căn nhà nhỏ, bà đặt bàn thờ, cúng ba ngày bác Giáp.
Hai vợ chồng bà Huệ và ông Trí.
Chuyện tình đẹp như cổ tích
Đến với ngôi nhà nhỏ của bà Huệ, chúng tôi không chỉ được thấy cuộc sống đơn sơ giản dị, lòng hiếu khách của vợ chồng bà mà còn được nghe những câu chuyện của thời chiến. Chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu mà hai người dành cho nhau. Họ là những người đồng chí, người anh em, người bạn tri kỷ của nhau hơn 40 năm qua, tình yêu đến như một lẽ tự nhiên trong mưa bom, bão đạn. Những năm tháng trong lao tù, bị bọn địch tra tấn dã man. Tàn ác hơn, chúng lấy đi thiên chức làm mẹ thiêng liêng của bà. Từ đó, bà luôn tâm niệm sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện tình yêu đôi lứa mà dồn hết tình yêu cho đất nước, quê hương.
Lần đầu tiên, bà và ông Trần Việt Trí gặp nhau khi hai người đều bị giam cầm một nhà tù. Nhìn cô gái với dáng người bé nhỏ chịu đủ hình thức tra tấn nhưng vẫn kiên quyết một lòng không khuất phục khiến ông Trí vừa cảm phục vừa thương xót. Ông liền nhờ những người đồng chí nữ là bạn tù chăm sóc cho bà. Hai người coi nhau như những người anh em. Ngày ấy, ông Trí đã có vợ và hai người con trai. Vợ ông Trí cũng bị giam cùng với bà. Hai người thương mến coi nhau như chị em, săn sóc vết thương cho nhau, cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống.
Hai người có duyên kỳ ngộ khi những năm 1969, bà Huệ ra bệnh viện E chữa bệnh, còn ông Trí lúc này cũng đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, khi cứ được thả ra tù, rồi lại bị bắt vào. Người vợ đầu mà ông thương yêu cũng rời xa ông sang thế giới bên kia để lại hai đứa con bé dại. Gặp lại người bạn tù năm xưa, khi nhìn thấy người em gái đồng hương năm nào hoạt bát vui tươi, nay phải chống chọi với những cơn động kinh, lúc tỉnh lúc mơ, với ông Trí bây giờ không đơn thuần là niềm cảm phục, xót thương. Trong ông dấy lên những tình cảm yêu thương, mong muốn che chở bảo vệ cho người con gái bé nhỏ bất chấp việc bà bị bệnh nặng. Và từ đó họ nên nghĩa vợ chồng.
Vinh dự được cố Bộ trưởng làm chủ hôn Bà Huệ kể, khi bà đưa ông Trí về giới thiệu với bác Trần Quốc Hoàn, bác đã hỏi rằng: “Hoàn cảnh của cháu Huệ, cháu cũng biết nó bệnh tật còn không có khả năng làm mẹ, cháu có nghĩ mình sẽ đem lại hạnh phúc cho Huệ không?”. Ông Trí trả lời: “Hoàn cảnh của cô Huệ cháu biết rõ, vì vậy cháu càng thương cô ấy hơn, mong muốn được ở bên, chăm sóc cho cô, những lúc ốm đau còn có nhau”. Từ câu trả lời chân thành của ông Trí, gia đình Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người ở Hà Nội và do chính ông làm chủ hôn. |
B.Bình