Chuyển đổi số là vấn đề bức thiết
Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 được tổ chức vào chiều nay 16/9 tại Hà Nội với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”. Trong khuổn khổ sự kiện, triển lãm quốc tế Nông nghiệp Việt Nam 2021 (AgriTech Expo 2021) cũng được khai mạc theo hình thức trực tuyến và thực tế ảo.
Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, câu chuyện chuyển đổi số là bức thiết, chúng ta phải làm và phải làm nhanh. Từ Nghị quyết của Đảng cho tới Chương trình hành động của Chính phủ đều xác định Việt Nam chúng ta tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số: “Để hiện thực hóa khát vọng của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, 2045 là nước phát triển thu nhập cao, chúng ta phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần phải thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã được xây dựng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng với các lĩnh vực khác như y tế, ngân hàng, logistic...”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể chần chừ, do dự, bỏ lỡ thời cơ mà cả thế giới đang vận hành và tìm đến mang tên chuyển đổi số. Những trụ cột tăng trưởng sẽ giúp ích cho sự tăng trưởng kinh tế từng ngành, vận hành xã hội, tạo ra bước ngoặt đi vào chiều sâu, tích hợp nền kinh tế tri thức sẽ mang lại sự phát triển vượt bậc, thay vì chậm tiến, ta có thêm cơ hội tăng tốc.
Là một quốc gia nông nghiệp chiếm tỷ trọng 14% trong tổng GDP, song mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua. Do đó, hy vọng rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục vấn đề này.
Theo ông Lê Minh Hoan, bối cảnh thời đại ngày nay vốn dĩ luôn biến động, bất định và phức tạp, thậm chí có phần mơ hồ. Ví dụ như Covid-19 - minh chứng cho sự phức tạp, bất định, nên nền nông nghiệp phải thích ứng với sự bất biến để có định hướng lâu dài và thích nghi trong từng quãng ngắn. Chuyển đổi số sẽ giúp đỡ chúng ta làm điều này.
Thách thức gắn liền với xu hướng thế giới
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 thách thức là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới.
Chúng ta đang sống trong nền kinh tế xanh, ở châu Âu người ta đã đưa ra tiêu chí tiêu dùng xanh, sản phẩm sản xuất không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, không ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nền nông nghiệp phải thay đổi. Đây là thách thức lớn vì nhiều năm chúng ta đi theo câu chuyện sản xuất rồi mang đi bán. Hiện, mỗi thị trường đòi hỏi khác nhau, về an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường năm sau khác năm trước, đòi hỏi cập nhật, thay đổi liên tục.
Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế - Bộ Ngoại giao xây dựng ý kiến: “Xu hướng lớn của Thế giới là xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Các nước không chỉ thúc đẩy cam kết về tăng trưởng xanh, mà còn đi vào triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn" .
Trên thực tế, nhiều quốc qua đã xây dựng chiến lược về tăng trưởng xanh. Ví dụ như ở Mỹ, Quốc hội vừa đề xuất áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu có phát thải từ một số nước. EU cũng xây dựng chiến lược yêu cầu giảm ít nhất 55 % lượng khí phát thải năm 2030 so với mức năm 1990. Bên cạnh đó, cơ chế quan hệ đa phương G7, G20 cũng đưa ra nhiều cam kết, yêu cầu phải thực thi liên quan đến tăng trưởng xanh và giảm khí phát thải.
Bên cạnh những thách thức đề ra, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng nước ta rất có tiềm lực tạo ra bước đột phá trong tương lai cùng sự giúp sức của khoa học công nghệ, truyền thông, báo chí trên nền tảng số: “Dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. Có thể nói nông nghiệp là yếu tố then chốt đề kinh tế Việt Nam bền vững...Vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn trao đổi là vô cùng ý nghĩa, là cơ hội để chúng ta chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi số từ trong nước và quốc tế, đồng thời đây là tiền đề quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số cho nông nghiệp Việt Nam”.
Giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp trên mọi khía cạnh
Theo bà Minh Hằng, để thúc đẩy chuyển đổi Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập Quốc tế, nước ta cần đi từng bước, hoàn thiện trên từng khía cạnh, để có thể khắc phục và phát triển bền vững.
Đầu tiên, cần thay đổi từ tư duy và nhận thức. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tư duy của người nông dân trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp sản xuất. Cùng với đó là nâng cao đẩy mạnh đào tạo về kỹ năng số, là một trong những điều cấp bách để bắt đầu.
Tiếp theo, cần hoàn thiện chính sách, nghị định. Hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp lý chuyển đổi số nói chung, trong đó có văn bản định hướng của hoạt động thương mại điện tử toàn cầu. Ban hành nghị định về thanh toán phi tiền mặt, xây dựng lộ trình giảm chi phí giao dịch cho thanh toán điện tử để tiếp cận khách hàng quốc tế…
Cuối cùng, song song với triển khai theo Quyết định TTCP đã ban hành về chuyển đổi số, cần hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Từ đó, ngày càng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác, hiệp hội...