Địa phương phát triển hệ thống du lịch thông minh
Thời gian qua, chuyển đổi số lan rộng trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch. Việc áp dụng công nghệ đã mang đến cho ngành du lịch Việt Nam bộ mặt hoàn toàn mới. Từ những bước khởi động ban đầu, các ứng dụng công nghệ hiện nay đã được áp dụng rộng khắp tại nhiều địa phương, điểm đến.
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tính đến nay đã có hơn 40 tỉnh, thành phố triển khai các ứng dụng, phần mềm và website du lịch thông minh nhằm thu hút khách du lịch. Những thay đổi bắt đầu từ những việc nhỏ như thay vé giấy bằng vé điện tử, QR-code, cho đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Quang Đăng - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Chuyển đổi số trong ngành du lịch là một xu thế tất yếu. Các địa phương đang nỗ lực ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả hơn".
Ông Đăng cho hay, Thừa Thiên - Huế là địa phương đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch thông minh như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping và các tiện ích khác phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ. Ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport cũng được ra mắt, giúp du khách dễ dàng khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng.
Tại Hà Nội, Sở Du lịch cũng đang đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu, đồng bộ với việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu du lịch của Thủ đô. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử website của Sở Du lịch Hà Nội cũng được nâng cấp, đảm bảo hiện đại và thuận tiện cho du khách và người dân truy cập.
Hay tại Tp.HCM, công nghệ 3D cũng đã được áp dụng trong thông tin, quảng bá du lịch, bao gồm ứng dụng công nghệ cao quét 3D từ trên cao và Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 Tp.HCM, với tính năng có hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến.
Còn Lạng Sơn, suốt từ năm 2022 đến nay, thành phố đã phối hợp với đơn vị chức năng xây dựng thành công hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ tại điểm du lịch chùa Tam Thanh.
Nói với Người Đưa Tin, bà Hoàng Thuỳ Ninh - Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin Tp.Lạng Sơn cho biết, hiện trung tâm đang tiếp tục xây dựng mô hình này tại 7 điểm du lịch là di tích trên địa bàn thành phố.
"Ngoài ra, 100% điểm du lịch là di tích trên địa bàn thành phố như: Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, chùa Tam Thanh, chùa Tiên, đình Pác Moòng… cũng đang được lắp đặt mã QR", bà Ninh nói.
Ngoài ra, nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Hà Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa… cũng đã thúc đẩy hoạt động quảng bá hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến văn hóa đầy tích cực.
Doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài
Đối với doanh nghiệp ngành du lịch, chuyển đổi số không chỉ là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài và quá trình này gần như sẽ tác động lên toàn bộ doanh nghiệp từ tổ chức, con người cho tới mô hình kinh doanh.
Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đạt được thành công số hóa 100% quy trình hoạt động công ty, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc trên hệ thống các phần mềm; hoàn thiện các ứng dụng AI nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến nâng cấp hệ thống Chatbot, vận hành hệ thống Bigdata trong phân tích và xử lý dữ liệu lớn; nâng cấp các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản...
Bà Quách Thị Thảo - Giám đốc Công ty Thảo Phương Travel, chia sẻ: "Xác định chuyển đổi số toàn diện là giải pháp tốt nhất để giữ vững vị trí nên công ty đã xây dựng một hệ thống bán hàng trực tuyến toàn diện, từ website đến ứng dụng di động, giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh và đặt các gói tour, vé máy bay, khách sạn ngay trên những thiết bị của mình".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng đầu tư vào việc trang bị các giải pháp công nghệ tại các điểm đến như triển khai hệ thống quét mã QR tại nhiều điểm tham quan, cho phép du khách tự tra cứu các thông tin, hướng dẫn, tìm hiểu lịch sử và văn hóa của địa điểm đó.
Đồng thời, một số doanh nghiệp còn phát triển các ứng dụng thực tế ảo và tăng cường để du khách có những trải nghiệm độc đáo và sống động hơn.
4 rào cản trong chuyển đổi số du lịch
Theo TS. Lê Quang Đăng, mặc dù việc áp dụng công nghệ với ngành du lịch Việt Nam đang được tích cực nỗ lực triển khai và đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ngành du lịch hiện nay gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao. Việc thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch ít nhiều gặp khó khăn do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như tài nguyên môi trường, nông nghiệp nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng. Sự phối hợp giữa các ngành này là điều kiện cần để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong du lịch.
Thứ hai, vấn đề đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cũng là thách thức lớn. Việc đầu tư cả về phần cứng và phần mềm đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Hơn nữa, công nghệ luôn thay đổi và cần phải có nguồn kinh phí liên tục để duy trì và nâng cấp hạ tầng.
Thứ ba, khó khăn trong việc ban hành chính sách, cơ chế, quy định và hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số toàn ngành cũng là một trở ngại. Mỗi địa phương có những điều kiện thực tế, đặc điểm kinh tế - xã hội và trình độ công nghệ khác nhau, việc đưa ra các quy định, hướng dẫn chung cho toàn ngành là thách thức đáng kể.
Thứ tư, vấn đề nhân lực cũng là một thách thức lớn. Theo ông Đăng, nguồn nhân lực du lịch hiện nay thiếu về lượng và yếu về chất, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ và tin học. Chuyển đổi số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực tương thích, đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ.
Ông Lê Quang Đăng cho rằng, để việc chuyển đổi số trong du lịch đạt hiệu quả hơn thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục rà soát quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại với ngành du lịch và cần định hướng xây dựng, phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc.