Xuất khẩu chè thấp nhất 7 năm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè năm 2023 ước đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Theo đó, 2023 là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất 7 năm.
Riêng trong quý IV/2023 xuất khẩu chè ước đạt 39.300 tấn, trị giá 70 triệu USD, tăng lần lượt 16,7% về lượng và 18,1% về trị giá so với quý III/2023. So với cùng kỳ năm 2022, mặc dù lượng chè xuất khẩu giảm 22,1% nhưng lại tăng 1,4% về kim ngạch.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 120.000 ha diện tích trồng chè. Cả nước có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220.000 lao động sản xuất ra gần 200.000 tấn sản phẩm mỗi năm.
Trong hoạt động chế biến chè, một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên trên thực tế, sản xuất chè ở Việt Nam còn nhiều yếu kém. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cũng như sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn đạt tỉ lệ còn thấp; quản lý chất lượng giống và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây chè ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chế tài xử lý còn nhiều khó khăn.
Nói về những khó khăn, thách thức của ngành chè, ông Hứa Văn Thịnh - Phó Giám Đốc HTX chè La Bằng (Thái Nguyên) cho biết, hiện nay HTX đang gặp khó về quy hoạch vùng nguyên liệu, cụ thể, diện tích trồng chè còn đang manh mún, chưa đồng nhất. Điều này dẫn đến việc sản xuất đồng loạt, số lượng lớn, chất lượng chè đạt tiêu chuẩn, đồng nhất để xuất khẩu là rất khó.
Chính vì vậy theo ông Thịnh: “Để tạo được sản phẩm chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, phải quan tâm vào khâu sản xuất, để trà hữu cơ đúng là trà hữu cơ, chứ không phải làm theo phong trào. Khi có vùng nguyên liệu tốt, vững chắc thì xuất khẩu hay chế biến sâu mới đem lại giá trị cao".
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra cho tất cả các ngành kinh tế, ngành chè cũng chịu ảnh hưởng lớn, nhất là vận tải đường biển cho chè xuất khẩu; cùng đó là xung đột địa chính trị làm giảm khả năng thanh toán của các nhà nhập khẩu chè. Bên cạnh đó, ngành chè của các nước trên thế giới cũng phát triển dẫn đến nguồn cung trên toàn thế giới tăng lên, còn nhu cầu thì vẫn giữ nguyên.
“Về cơ bản ngành chè Việt Nam vẫn trụ được, tuy không cao, nhưng khá ổn định”, ông Tài nhận định.
Trước bối cảnh thị trường quốc tế nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp chè Việt Nam đã chuyển đổi, tập trung vào thị trường trong nước. Ông Tài chia sẻ: “Lượng chè tiêu thụ nội địa của nước ta là rất lớn. Trong đó bao gồm cả lượng chè xuất khẩu tại chỗ thông qua đáp ứng nhu cầu của khách nước ngoài ở Việt Nam. Song song với đó, chè ngoại nhập khẩu vào Việt Nam cũng đang giảm đi, thay thế bằng các sản phẩm trong nước".
Hiến kế để ngành chè vươn tới thị trường lớn
Nhận định về thách thức của ngành chè, ông Tài cho biết, hiện nay, Việt Nam đã áp dụng được khoa học công nghệ vào trong chế biến sâu nhưng vẫn không đủ tiềm lực để thâm nhập thị trường tiêu thụ nước ngoài.
Lý do là bởi xây dựng thương hiệu mất rất nhiều chi phí, gấp 3-4 lần so với chi phí sản xuất. Điều này chỉ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài mới có thể làm được, bởi đa số doanh nghiệp chè Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, không có điều kiện.
Về chế biến sâu, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ, sản phẩm chế biến sâu nhất của ngành chè là nước uống và bột trà xanh, đem lại giá trị gia tăng cao. Những thứ này Việt Nam đều làm được và đã đưa ra thị trường, bán rất nhiều ở siêu thị. Gần đây, cũng đang có những nghiên cứu, đặt hàng làm chế xuất để làm mỹ phẩm.
Để xuất khẩu chè tương xứng với tiềm năng đang có, ông Nguyễn Hữu Tài khẳng định vai trò định hướng của Nhà nước trong phát triển, dẫn dắt ngành chè đến với những thị trường lớn, tạo điều kiện xúc tiến thương mại. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác tập trung để hình thành các cánh đồng chè lớn.
Song song với đó là áp dụng khoa học công nghệ, nhất là cơ giới hóa, sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chuyển đổi sang sản xuất chè an toàn và chè hữu cơ ở những nơi đủ điều kiện; thực hiện chuyển đổi số, mã hóa vùng trồng... đáp ứng yêu cầu của từng thị trường tiêu thụ.
“Chè Việt Nam đã có mặt hầu hết các nước có tiêu dùng chè, kể cả những thị trường khó tính nhất, tuy nhiên sản lượng chưa cao, chủ yếu xuất khẩu sang các nước như Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ,... Nếu muốn len lỏi vào các thị trường có giá cả cao như Bắc Mỹ hoặc châu Âu, chè Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng, chuyển đổi sang hướng hữu cơ và đặc biệt là phải an toàn”, ông Tài nói.
Còn bản thân các doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo, chuyển đổi tư duy từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu. Đó là chuyển từ sản lượng sang chất lượng; chất lượng cao, giá bán cao còn hơn sản lượng nhiều, giá bán thấp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cũng nhắc đến câu chuyện nguồn lao động trong nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng.
“Nguồn lao động ở nông thôn đang có xu hướng chuyển dịch sang thành thị; dịch vụ, công nghiệp thương mại trong nông nghiệp đang rất thiếu lao động. Chính vì vậy mà người nông dân trồng chè cần áp dụng khoa học công nghệ để đưa năng suất lao động cao lên. Bởi nếu năng suất chè cao mà năng suất lao động thấp thì thu nhập của người trồng chè vẫn ở mức thấp", ông Tài nói.