Hạnh phúc là cho đi
Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là Ni trưởng Viện chủ hệ thống chùa trên núi Bà Đen (Tây Ninh), Thích Nữ Diệu Nghĩa. Ni trưởng có tên thật là Nguyễn Thị Định (SN 1922, quê tỉnh Long Xuyên (An Giang ngày nay). Từ nhỏ, bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống với bà ngoại. Lớn lên, thấu hiểu cảnh nước nhà bị lệ thuộc, bà đã không cam chịu và đi làm cách mạng. Rồi bà vào công tác tại hội Liên hiệp phụ nữ Sóc Trăng.
Cuộc đời bà tưởng chừng như sẽ gắn với công tác Hội, nhưng do duyên kỳ ngộ đã đem bà tới với cửa Phật. Số là trong một lần đi công tác đến Tây Ninh, được thấy cảnh thiền môn thanh tịnh, lại "thấu" giáo lý nhà Phật, bà đã ở lại núi và xin vào tu học. Sau một thời gian tu hành, chuyên tâm học giáo lý, đến năm 1993, bà được tấn phong làm Viện chủ quản lý hệ thống chùa bà như ngày nay. Hiện, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa là Phó trưởng ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Tây Ninh.
Ni trưởng trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Nhắc đến Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa (thường được gọi với cái tên dân dã, mộc mạc bà Năm Nghĩa), người ta nhớ đến hình ảnh của một bà lão hiền từ, có khuôn mặt phúc hậu và luôn xuất hiện ở những điểm "nóng" với nhiều khó khăn như: Lũ lụt, hạn hán, nghèo khổ… Chính vì những việc làm thiện nguyện, có ý nghĩa cao cả đó mà tiếng tăm của Ni trưởng đã bay cao, bay xa. Bằng sức lực của mình, hễ ở đâu có hoạn nạn, lũ lụt, ở đâu có hoàn cảnh cần giúp đỡ, trong khả năng, Ni trưởng luôn mở rộng vòng tay để cùng với họ vượt qua khó khăn.
Ni trưởng luôn tâm niệm, trong khó khăn, người ta mới cần tới mình. Thêm vào đó, cửa Phật cũng là nơi để cứu khổ chúng sinh. Bởi, bá tánh khắp nơi làm công đức cho chùa thì ngược lại, lấy tiền đó giúp cho bá tánh cũng là triết lý của nhà Phật. Đi tu không có nghĩa là đóng cửa với thế giới bên ngoài, ngược lại, phải đi vào cuộc sống của người dân, cùng với họ làm cho cuộc sống này bớt khổ đau, để gieo sự sống và mầm hạnh phúc.
Với nhiều người, bà Năm Nghĩa không chỉ là một trưởng lão ở chốn thiền môn mà còn là ân nhân đã cứu mạng, cho mình mạng sống thứ hai. Điển hình như chị Nguyễn Thanh Trí (ngụ ấp Ninh Đức, xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh), tưởng như đã không thể vượt qua căn bệnh tim nguy hiểm khi không biết tìm đâu ra tiền để chữa trị. Chị Trí cho hay: "Sức khỏe của tôi đang yếu dần đi, thân hình ốm nhom, da bị vàng hết cơ thể, cả gia đình ai cũng lo lắng, chạy vạy khắp nơi nhưng không có tiền để chữa trị.
Trước hoàn cảnh ấy, bà Năm đã dang rộng vòng tay và giúp đỡ tôi với số tiền gần 100 triệu đồng". Có tiền, chị đã tiến hành các bước điều trị và nay đã bình phục hẳn. Bên cạnh sự cứu giúp những sinh mạng khó khăn, Ni trưởng còn quan tâm, hỗ trợ xây dựng những căn nhà tình thương, những hũ gạo, nước mắm, bột ngọt… và cùng với các cấp, các ngành, chăm lo cho cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn.
Không giống nhiều người, cách làm từ thiện của bà Năm cũng khác. Trước đây, khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bà trao tiền trực tiếp cho họ đi điều trị bệnh. Nhưng sau đó, nhiều hộ gia đình đã lấy tiền tiêu xài hết mà quên mất việc chữa bệnh. Thế nên, khi quyết định giúp đỡ, bà Năm yêu cầu họ đi đến bệnh viện điều trị, sau đó hết bao nhiêu chi phí, bà sẽ "gánh". Hướng đến những người có hoàn cảnh khó khăn, bà Năm cùng với một số Mạnh Thường Quân đã xây dựng bếp từ thiện tại bệnh viện đa khoa Tây Ninh. Ngôi nhà ăn khang trang hằng ngày phục vụ hàng trăm suất ăn với chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều kiện giúp đỡ cho rất nhiều người. thành lập từ năm 2003 tới nay, bếp ăn là địa chỉ của đông đảo người dân nơi đây.
Bức ảnh để đời của Ni trưởng, đó là nơi mà bà đã tìm ra mộ song thân
Kỳ lạ chuyện tìm mộ song thân
Thời chiến tranh, Ni trưởng trụ trì chùa Hang, ngôi chùa nằm lưng chừng núi, có địa thế hiểm trở. Chính nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng. Từ căn cứ này, quân ta đã ngăn chặn những bước tiến của quân thù, vì chúng hòng hủy diệt cả chốn thiền môn, rồi làm bàn đạp tấn công các cơ sở cách mạng của ta. Ni trưởng nhớ lại: "Thời ấy, các vị nữ tu hành ở chùa Hang và các chùa khác đã kiên cường bám trụ, đấu tranh và che chở cho lực lượng cách mạng, các "dũng sĩ núi Bà Đen", góp phần vào chiến thắng hoàn toàn, giải phóng núi Bà, giải phóng Tây Ninh. Đến khi nhận cương vị là Viện chủ, Ni trưởng đã chủ trì việc trùng tu các ngôi chùa trên núi Bà. Từ chùa Hang trên núi, chùa Trung dưới chân núi rồi chùa Bà… mà cái tên nào cũng gắn với những giai thoại ly kỳ. Điển hình như Quan Âm tự. Quan Âm tự trước đây có tên là động Ba Cô, là một cái tên nổi tiếng tại núi Bà Đen. Chuyện kể, trước đây có ba chị em người Bến Tre lên Tây Ninh và đi tìm nơi thanh tịnh để tu hành, mong tìm đường giải thoát cho bản thân. Và họ đã không ngại hiểm nguy, tìm đến hang động hiểm trở này (cách chùa Hang 100m ngày nay) để ẩn tích và tu hành đạo pháp.
Dù non cao, rừng rậm nhưng ba chị em này cũng đã lập nên nơi thờ Phật hết sức ấn tượng ở phía ngoài hang động, lấy hang động làm điểm tựa, linh hồn nương theo đó mà tu hành, tìm đường về với Phật. Sau khi ba chị em đều qua đời, người ta đã đặt cho hang này là động Ba Cô. Trải qua những năm tháng chiến tranh, khi địch và ta giành nhau từng tấc đất trên ngọn núi Bà thì nơi thờ tự này đã không còn. Chiến tranh với bom đạn ác liệt đã hủy hoại hầu hết mọi thứ, duy chỉ còn lại là đống gạch vụn vỡ và những lối mòn năm nào. Tuy nhiên, nhiều người cố cựu tại Tây Ninh và Bến Tre (quê hương Ba Cô) cũng như các tỉnh miền Tây biết động Ba Cô đã tìm về ngày một đông hơn, dù họ đến đây chỉ còn thấy được một hòn đá nằm gọn bên một gốc cây cổ thụ. Đứng trước bài toán tâm linh ấy, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa đã tiến hành cho trùng tu, tôn tạo lại động Ba Cô và hiện nay là Quan Âm tự hết sức khang trang, tôn nghiêm. Ngoài Quan Âm tự, Ni trưởng cũng đã cho trùng tu lại rất nhiều đến chùa khác tại núi Bà, như chùa Châu Long, chùa Phước Trung, chùa Thiên Thạch, chùa Hòa Đồng, chùa Quảng Hương…
Gắn với núi Bà Đen hơn nửa thế kỷ qua, đến lúc tuổi đã cao, sức đã yếu, nỗi nhớ về song thân không hề nguôi ngoai. Bên cạnh việc tu hành đạo pháp, cùng tham gia vào công tác chăm lo cho người khó khăn, hoạn nạn là những trăn trở khôn nguôi khi không biết mồ chôn cha mẹ mình hiện đang ở đâu. Rồi đến năm 2009, hơn 80 năm trôi qua, thời gian tưởng chừng như xóa nhòa đi tất cả cho một đời người, ấy vậy mà khi được báo mộng, bà vẫn quyết tâm "chống gậy" lên đường đi tìm mộ song thân. Một lần, bà nghe văng vẳng bên tai mình như ai đó kề bên nói: "Đã tìm được mộ thân phụ". Thêm vào đó, người ta còn chỉ cho lối đi, nơi chôn giấu ngôi mộ. Biết địa điểm, bà cất công lội ngược về An Giang để tìm lại mộ song thân. Dù đã ngoài cái tuổi 80 nhưng bà thấy mình khỏe hẳn ra khi biết tin này.
Đường về miền quê sông nước An Giang khó đi là vậy, khi phải lội qua những bưng biền, sông rạch. Tuy nhiên, với hi vọng tìm được mộ song thân, bà đã không quản ngại sức yếu. Phải có thêm hai người dìu hai bên nhưng bà cũng chỉ đi được khoảng 2km thì ngất xỉu. Khi biết việc bà đi tìm mộ tại khu vực, trong làng có một cụ ông đã 93 tuổi còn rất khỏe, đầu óc minh mẫn, biết rõ lai lịch của cha mẹ bà đã chỉ điểm một cách nhiệt tình. Thêm vào đó, lúc bà xỉu, người chủ vườn tưởng có chuyện gì chạy ra xem. Sau khi biết chuyện, ông cho biết, chính nơi bà Năm xỉu, trước đây có một ngôi mộ không biết của ai. Tuy nhiên, khi ông mua lại mảnh vườn này thì được người trước dặn là đừng phá bỏ ngôi mộ này. Cùng với sự chỉ điểm của ông lão và lời kể lại của người chủ mảnh vườn, bà Năm đã tìm được mộ thân phụ mình. Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng bà Năm vẫn bốc hài cốt về thờ tự tại núi Bà Đen ở Tây Ninh.
Hiến đất xây trường Bên cạnh các hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, Ni trưởng còn góp công sức của mình vào công cuộc trồng người tại địa phương. Năm 2006, bà Năm đã không ngần ngại hiến trên 3.000m2 đất để xây dựng trường THCS Bà Đen nằm trên đường đi vào khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng núi Bà Đen. Cùng đó, bà Năm còn tài trợ xây dựng ngôi trường khang trang, sạch đẹp, là nơi cho cô và trò nơi đây thỏa sức sáng tạo… |
Trung Nghĩa