Đại khái sướng, là vì người ta đã kịp chen chân và nhanh tay để mua được ít vàng lấy may. Một cây cũng là vàng mà một chỉ cũng là vàng. Cứ vàng, vàng thật, miếng hay khoen không quan trọng, mua được về nhà trong cái ngày vía thần Tài này là may mắn rồi. Vàng sẽ cất tiếng gọi vàng, một thành mười, mười thành trăm, trăm thành nghìn, thành vạn muôn ức triệu, tha hồ mà giàu có. Người ta tin thế và bảo nhau để tin thế.
Nhưng đau, là vì phải chịu cái giá cắt cổ khi mua vàng vào ngày vía thần Tài, và ngay sau ngày này thì giá vàng trở lại bình thường như chưa có gì xảy ra. Nghĩa là người mua phải chịu lỗ, mua ít lỗ ít mua nhiều lỗ nhiều. Rốt cuộc chỉ các doanh nghiệp vàng là có lãi thôi, lãi lớn là đằng khác, bởi theo quy luật của thị trường, khi cung không đủ cầu thì cứ thế nâng giá mà khỏi cần phải băn khoăn áy náy gì về phương diện đạo đức.
Điều đáng nói ở đây là sự lan rộng quan niệm về thần Tài và ngày vía thần Tài trong xã hội Việt Nam đương đại. Đó vốn là quan niệm của người Trung Quốc, cực giỏi nghề buôn và ngay từ xửa từ xưa đã đẻ ra hàng đống thương gia giàu có vào loại “phú gia địch quốc”, trong nhà luôn có thừa tiền để cho vua chúa vay lãi (mà cần thì họ dùng tiền để "buôn vua bán chúa" luôn có khi cũng được). Họ đặt niềm tin về sự thịnh vượng do nghề buôn mang lại vào hình ảnh một người đàn ông to béo, bụng phệ, vác xâu tiền vàng trên vai, miệng cười thật tươi. Hình ảnh cụ thể hóa của thần Tài đấy, một hình ảnh vốn không mấy quen thuộc với người Việt Nam thuần nông lam lũ trong quá khứ. Nhưng khoảng mười năm trở lại đây thì đời sống người Việt lại cứ như lên cơn sốt với ông thần Tài, vốn gốc Tàu, vào cái ngày vía mùng 10 tháng Giêng của ông ta. Tại sao vậy?
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có một nguyên nhân không thể bỏ qua khi nói đến sự lan rộng niềm tin về thần Tài và ngày vía thần Tài, ấy là vai trò “môi giới” của báo chí, truyền hình. Tôi nghĩ có thể phát biểu theo một cách nghịch lý nhưng cũng rất thuận lý, như thế này:
_ Không có báo chí, truyền hình thì chẳng mấy ai biết mùng 10 tháng Giêng là ngày vía thần Tài, dù ngày này có từ rất lâu rồi, và nhắc lại, nó là ngày của dân Trung Quốc, giống dân có truyền thống trọng thương rất điển hình.
_ Nhờ có báo chí, truyền hình giới thiệu, hướng dẫn, người Việt Nam mới đổ xô đi mua vàng lấy may vào ngày này. Và thế rồi báo chí, truyền hình lại sốt sắng tổ chức bài vở, chương trình để lên tiếng phê phán rằng người dân ta nặng căn mê tín, tức là toàn tin vớ tin vẩn, chẳng có nghĩa lý gì, chẳng có căn cứ gì cũng tin.
_ Tuy nhiên trong thực tế đời sống thì chúng ta đều biết: tin vớ tin vẩn vẫn còn hơn là không có gì để ký gửi niềm tin. Vậy là, rốt cuộc, vẫn là nhờ báo chí, truyền hình đưa tin nên người ta mới có cái để tin rằng mùng 10 tháng Giêng là ngày vía thần Tài, và cần phải mua vàng vào ngày này để lấy may, mặc kệ báo chí, truyền hình có phê phán rát mặt nặng nề đến thế nào.
_ Kết luận: đây là câu chuyện con rắn tự cắn lấy cái đuôi của mình.
Khi tôi đem câu chuyện “con rắn cắn đuôi” này nói với mấy người bạn, có người bảo: “đơn giản thôi, đây là "thủ thuật", không cần thông minh lắm cũng hiểu”. Người khác thì nói: “có một số cơ quan báo chí, truyền hình làm truyền thông cho doanh nghiệp vàng, một số cơ quan báo chí, truyền hình khác thì không làm truyền thông, nhưng phản ánh, và từ đó lại tạo ra hiệu ứng dây chuyền; dù ở góc độ nào thì báo chí, truyền hình cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bằng việc "móc túi" người mua một cách nhẹ nhàng”.
Chuyện cứ như đùa về ngày vía thần Tài vậy.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.