Những loại virus thời tiền sử này được cho là có tuổi đời lên tới 400.000 năm, không còn hoạt động và được tìm thấy trong xác chết đông lạnh của voi ma mút lông cừu ở Yakutia, Nga. Nhiệt độ ở Yakutia có thể giảm mạnh xuống -55 độ C. Để nghiên cứu các loài virus cổ xưa, các nhà khoa học Nga đang thực hiện một nghiên cứu để hồi sinh chúng.
Nghiên cứu này đang được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu virus học và công nghệ sinh học Nga tại Phòng thí nghiệm Vector.
Dự án đang được giám sát tại một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học cũ ở vùng Novosibirsk của Nga. Các nhà nghiên cứu Nga hy vọng sẽ xác định được các loại virus kỷ băng hà, còn được đặt tên là paleoviruses và hồi sinh chúng.
Mới đây, Giáo sư Jean-Michel Claverie, từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia tại Đại học Aix-Marseille đã nói chuyện với Times để bày tỏ sự lo lắng của mình.
Giáo sư Jean-Michel Claverie nói: “Nghiên cứu của Vector thật kinh khủng. Tôi hoàn toàn chống lại nó. Nó rất, rất rủi ro. Hệ thống miễn dịch của chúng ta chưa bao giờ gặp phải những loại virus này. Một trong số chúng có thể đã 200.000 hoặc thậm chí 400.000 năm tuổi”.
Jean-Michel Claverie nói thêm: “Những loại virus cổ đại đã lây nhiễm cho động vật hoặc con người vẫn có thể lây nhiễm”.
Ngoài ra, ông Jean-Michel Claverie cũng hoài nghi về tính an toàn sinh học của Vector.
Quốc Tiệp (lược dịch theo Daily Express)