Chuyên gia "bắt mạch" nguyên nhân biến động điểm chuẩn đại học 2022

Chuyên gia "bắt mạch" nguyên nhân biến động điểm chuẩn đại học 2022

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 20/09/2022 12:49

Năm nay, điểm chuẩn tuyển sinh đại học ở một số ngành, trường “hot” có biến động so với năm ngoái.

Vì sao có trường 9,9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1?

Điểm chuẩn đại học 2022 biến động mạnh, bên cạnh ngành điểm gần tuyệt đối thì cũng nhiều ngành điểm giảm mạnh bởi nhiều lý do.

Tính đến 17h ngày 17/9, các trường đại học trên cả nước hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành năm nay biến động khá lớn. Khối trường Y Dược và Kinh tế giảm từ 1 - 6 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn các trường khối xã hội nhảy vọt, ở ngưỡng rất cao, thậm chí gần tuyệt đối 30/30.

Năm nay, ngành Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khối C00 lấy 29,9 điểm. Đông phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ công chúng của trường cũng lấy đến 29,95 điểm, gần mức tuyệt đối 30/30. Đây cũng là ba ngành học điểm chuẩn cao nhất cả nước năm nay.

Tại Học viện Ngoại giao, ngành Hàn Quốc học lấy 29 điểm, ngành Trung Quốc học lấy 29,25 điểm.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề tuyển sinh năm nay, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, năm nay cả nước có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, giảm mạnh so với những năm trước. Bên cạnh đó, số thí sinh mức điểm cao đăng ký vào trường cũng đông hơn, điều này khiến điểm chuẩn tiếp tục có xu hướng tăng cao đến ngưỡng gần 30 điểm.

"Ngoài những ngành học vốn hot như Hàn Quốc học, Đông phương học... thì năm nay, một số ngành kén thí sinh đăng ký lại nhận nhiều hồ sơ. Điều này thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá về ngành nghề của thí sinh và xã hội có nhiều thay đổi”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nói.

Cô Lương Thu Nga, giáo viên trường THPT Chân Mộng (Đoan Hùng, Phú Thọ) "sốc" khi biết điểm chuẩn các ngành, trường khối C00. "Học trò của tôi đạt 29 điểm khối C00 (trung bình 9,7 điểm/môn) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đứng thứ 2 toàn tỉnh Phú Thọ nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành Báo chí học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dù đã được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Quả thực là điều rất đáng tiếc", cô Nga nói.

Giả sử thủ khoa khối C năm nay đăng ký xét tuyển những ngành học này nếu không được cộng điểm cũng sẽ trượt. Thủ khoa khối C toàn quốc là thí sinh ở thành phố Bắc Ninh với 29,75 điểm.

Cũng theo cô Nga, điểm chuẩn cao chưa chắc đánh giá đúng chất lượng thí sinh. Đây có thể coi là "lạm phát' điểm chuẩn. Một học sinh học lực xuất sắc có tới hai bài thi điểm 10 và một bài thi điểm 9 mà vẫn trượt đại học là bất thường trong giáo dục.

Giáo dục - Chuyên gia 'bắt mạch' nguyên nhân biến động điểm chuẩn đại học 2022

Sau khi công bố điểm trúng tuyển của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác, nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo thời gian tuyển bổ sung.

Một số ngành top đầu “giảm nhiệt”

Dù vẫn thuộc nhóm điểm chuẩn cao nhưng điểm trúng tuyển vào khối Y Dược giảm so với năm ngoái. Tại Đại học Y Hà Nội, năm ngoái điểm trúng tuyển 23,2-28,85 thì năm nay là 19-28,15. Ngành Điều dưỡng Phân hiệu Thanh Hoá giảm 4,2 điểm khiến trường có ngành lấy dưới 20. Ba năm qua, trường không ghi nhận mức điểm thấp đến vậy.

Theo PGS.TS Lê Quân, bức tranh chung về tuyển sinh năm nay không có nhiều biến động. Điểm chuẩn vào các trường có dao động nhưng không đột biến, thậm chí “giảm nhiệt” so với năm 2021 ở một số ngành, trường “hot”. Hiện, cả nước chưa có ngành học nào điểm chuẩn tuyệt đối.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay giảm từ 0,5 đến 0,8 điểm. Ngành cao điểm nhất là Y đa khoa và không có ngành nào tăng điểm so với năm ngoái.

Nguyên nhân theo ông là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ở khối B thấp hơn năm ngoái. Số bài điểm 10 môn này giảm tới trên 98%, số thí sinh đạt từ 27,5 trở lên tổ hợp B00 là 465, giảm gần hai lần so với năm ngoái. Do đó, việc điểm trúng tuyển vào trường năm nay giảm so với năm ngoái là không bất thường.

Chưa kể, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng cũng giảm. Ví dụ như Đại học Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng dù lấy điểm chuẩn sát điểm sàn (19,05) nhưng mới tuyển được 140/200 chỉ tiêu.

Còn với các trường Kinh tế và Kỹ thuật, năm ngoái, các ngành nhóm này gần như đạt đỉnh khi hàng loạt trường lấy điểm chuẩn 27 - 28, năm nay hầu hết giảm 0,5-1 điểm.

So sánh ngưỡng điểm chuẩn cao nhất của năm 2021 và 2022, Đại học Ngoại thương và Thương mại giảm 0,15 - 0,75; Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) giảm 0,9 điểm.

Số ít trường có biến động điểm chuẩn mạnh là trường Đại học Kinh tế Tp.HCM. Hai ngành Kinh doanh nông nghiệp, Kế toán (chương trình tài năng) tại trụ sở chính cùng lấy điểm chuẩn 22 (giảm 5,5 điểm so với năm ngoái).

Trước những biến động điểm chuẩn các trường top đầu năm nay, các chuyên gia phân tích, điểm chuẩn của các trường y dược năm nay “giảm nhiệt” là do điểm môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp hơn so với năm trước. Số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) giảm so với năm ngoái. Cụ thể, cả nước có 5 thí sinh đạt điểm 10 môn Sinh học; 54 em đạt 9,75 điểm; 235 em đạt 9,5 điểm và 622 em đạt 9,25 điểm.

Bên cạnh đó, số thí sinh đăng ký vào khối ngành sức khỏe cũng giảm so với mọi năm. Chẳng hạn, số nguyện vọng đăng ký vào Trường Đại học Y Hà Nội hàng năm ở mức trên 10.000. Tuy nhiên năm nay, con số này chỉ còn trên 4.000. Ở ngành được quan tâm nhiều nhất tại Trường Đại học Y Hà Nội là Y khoa, số nguyện vọng đăng ký cũng giảm với tỷ lệ tương tự.

Riêng với các trường khối ngành Công an không còn điểm quá cao. Ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân năm ngoái lấy 30,34 điểm với nữ (khu vực phía Bắc) năm nay giảm 4,08 điểm. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Bộ Công an có chính sách điều chỉnh phương án tuyển sinh.

Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Bộ tổ chức bài thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá của Bộ Công an, do bài thi đánh giá có độ phân hóa cao nên điểm thi và điểm trúng tuyển có sự thay đổi, không còn tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn như những năm trước.

Điểm chuẩn áp dụng với nhóm thí sinh nam thì phổ biến mức dưới 20. Trong đó, ngành Y khoa của Học viện An ninh nhân dân, áp dụng với thí sinh nam miền Nam là 15,1 điểm theo tổ hợp B00 (Toán - Hóa - Sinh), miền Bắc 15,64. Năm ngoái, không ngành và trường nào lấy điểm chuẩn dưới 20 với thí sinh nam.

Nguyên nhân biến động điểm chuẩn năm 2022

Đánh giá toàn cảnh điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Tp.HCM cho rằng, những trường đại học, ngành tuyển sinh bằng kỹ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn. Điển hình như điểm chuẩn 8 trường khối ngành công an đều giảm mạnh so với năm 2021, hay điểm vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM... đều giảm đáng kể. Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau.

Mặt khác, với những ngành điểm chuẩn vẫn gần kịch trần, Bộ GD&ĐT cần tính toán lại việc ra đề thi năm sau, siết lại các kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng "giỏi ảo". Đồng thời các trường không nên quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp, chuyển hướng sang những phương thức tuyển khác, đặc biệt là các kỳ thi riêng.

Bên cạnh đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT để tránh mưa điểm 10. Do đó sẽ khó có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê cho thấy, điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn cao.

Theo đó, với môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%. Môn Lịch sử, năm 2021, số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 18,1%.

Do đó, tổ hợp xét tuyển có cả môn Văn và Sử sẽ có điểm rất cao. Điều này lý giải điểm chuẩn của nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là điểm khối C ở nhiều trường tăng mạnh.

Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển khác.

Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT (gồm cả đối tượng là học sinh dự bị đại học dân tộc và người nước ngoài); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù, hướng dẫn tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2022 do ĐHQGHN tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế.

Ngành Báo chí của nhà trường năm 2022 lấy 55 chỉ tiêu; trong đó phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ lấy 25 chỉ tiêu, chia cho các khối: A01, C00, D01, D04, D78, D83.

Trong khi đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có tới trên 2.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí ở khối C00. Do vậy, tỷ lệ chọi năm nay vào ngành Báo chí của trường rất cao, đặc biệt ở khối C00, dẫn đến điểm chuẩn tăng.

PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội nhìn nhận, việc các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, khiến cho số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT còn ít. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến điểm chuẩn nhiều ngành bị đẩy lên cao.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung (căn cứ theo số lượng chỉ tiêu còn lại sau khi đã trừ số lượng chỉ tiêu theo nội dung tại quyết định xử lý vi phạm hành chính - nếu có).

Các cơ sở đào tạo tuyển bổ sung sẽ cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về tuyển sinh (trường phổ thông, xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn...) và đúng thời gian quy định vào hệ thống.

Đối với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, Bộ GD&ĐT cho biết các cơ sở đào tạo có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.

Về các trường cũng phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết phản ánh, khiếu nại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro đã được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định. Sau khi cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học vào hệ thống, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung, bắt đầu từ ngày 1/10.

Trúc Chi (Giáo dục và Thời Đại, Zing, VTC News,)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.