Lắng nghe, chia sẻ cùng trẻ
Thông tin trên Zing, dịch Covid-19 khiến nhiều trường học đóng cửa ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Chuyên gia từ UNICEF cho rằng, giáo viên đóng vai trò quan trọng để giúp trẻ chuyển trạng thái tâm lý từ học trực tuyến sang trực tiếp. Do đó, thầy cô nên lắng nghe trẻ, có thể dành những buổi nói chuyện 1-1 với học trò để nắm bắt tâm tư, thấu hiểu những khó khăn các em gặp phải và thể hiện sự đồng cảm, đồng thời hỗ trợ khi cần thiết.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Infonet, mấy tháng dài học trực tuyến đương nhiên trẻ sẽ có những thay đổi về mặt tính cách, thói quen cũng như hành vi ứng xử khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.
"Khi các con quay lại trường để trẻ thích nghi sớm bố mẹ hãy gần gũi, chia sẻ và trò chuyện cùng con để hiểu con, đưa ra định hướng để giúp con dần thay đổi và biết cách cư xử phù hợp hơn với bạn bè, thầy cô khi quay trở lại trường học, nhất là học sinh tiểu học.
Để hiểu và chia sẻ được với con, cha mẹ cần chấp nhận và dần dần mỗi hôm một chút, trò chuyện, thủ thỉ với con về việc đến lớp con được làm gì, gặp lại bạn bè thầy cô, những việc con thích làm ở trường là gì rồi sau đó hướng sự chú ý của con vào những việc con hứng thú nhất, tạo cảm giác con được thầy cô, bạn bè yêu thương”, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ.
Tập cho trẻ thói quen hàng ngày
Trao đổi với báo Người Lao Động, Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Tp.HCM), khuyến cáo phụ huynh cần thúc đẩy sự tự lập của trẻ. Cha mẹ để trẻ tự ăn mặc, giúp đỡ sắp xếp bàn ăn, dọn ăn, chuẩn bị sách vở… Những hành động này khiến trẻ thích nghi với trường học dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Mai Liên cho rằng, sau một thời gian dài, cô giáo cũ và bạn cũ trở nên lạ do không gặp nhau trực tiếp từ 5 đến 7 tháng, cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ với việc kết nối lại bạn bè và trường học bằng cách khuyến khích trẻ kết nối với bạn và giáo viên qua việc nhắn tin, gọi điện.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải kích thích động cơ của trẻ về việc đến trường, nếu trẻ không muốn đến trường, cha mẹ có thể chia sẻ cảm xúc với con và giữ một số thói quen trước đây để giúp trẻ không bị sốc đột ngột do sự thay đổi.
Kể cả ở nhà, trẻ cũng cần thực hiện các lịch trình sinh hoạt như ở trường, theo một thời gian biểu. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách cho con đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm hằng ngày càng giống với thời gian biểu ở trường càng tốt đối với trẻ.
Kiểm tra lực học của trẻ
Trước khi đi vào học, giáo viên nên dành thời gian kiểm tra xem học sinh đang học hành như thế nào. Ban đầu, nhiều em có thể khó tập trung và cần có thời gian để lấy lại thói quen học tập trước đây. Chuyên gia khuyên khi mới mở cửa trường học, thầy cô cần cho trò cơ hội nghỉ ngơi, đi lại xung quanh, kết nối lại với bạn bè.
Giáo viên nên dành thời gian để trả lời các thắc mắc, băn khoăn của học trò. Họ cần nhấn mạnh những nỗ lực phòng, chống dịch cùng các biện pháp đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại, đồng thời nhắc nhở trẻ thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch ở trường cũng như tại nhà.
Tạo dựng lớp học thân thiện
Khi học sinh trở lại học bình thường thầy cô cần khen ngợi các nỗ lực, đóng góp của trẻ, tương tác, khôi phục lại thói quen, nhịp sống trước đây để học trò cảm thấy an toàn.
Trẻ thường có thói quen nhìn và noi theo người lớn. Bởi vậy, giáo viên nên trở thành tấm gương cho trẻ trong thái độ, cách hành xử. Ở trường học, thầy cô cần giữ bình tĩnh, chu đáo, thái độ tích cực đối với học sinh.
Ngoài giờ học, thầy và trò có thể đưa ra các gợi ý, giúp đỡ trang trí các bức tường trong phòng học bằng sắc màu, các lời nhắn và làm việc theo nhóm để cùng nhau tiến bộ trong học tập. Giáo viên nên giúp trẻ hiểu sự đoàn kết, hợp tác sẽ giúp mọi người vượt qua những khó khăn.
Chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở trẻ
Ngoài việc dạy học, giáo viên cũng cần để ý đến các thay đổi trong hành vi của trẻ trong học tập, vui chơi. Nếu thấy học trò gặp khó khăn, thầy cô có thể đưa ra các hỗ trợ hoặc báo gia đình, gợi ý họ tìm đến bác sĩ tâm lý nếu trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng. Trường hợp trẻ tiếp thu bài chậm, khó tập trung, thầy cô nên hỗ trợ, hướng dẫn các em nhiều hơn với tốc độ chậm hơn để trẻ có thời gian nắm bắt, dần bắt kịp tiến độ chung của lớp học.
Trúc Chi (t/h)