Mới đây, một bé trai 6 tuổi đến từ Nueva Ecijia, Philippines bị co giật không kiểm soát trên mặt vì dùng điện thoại 9 tiếng 1 ngày.
Cụ thể, khi thấy con có biểu hiện mắt liên tục chớp giật và đôi môi run rẩy không ngừng, cha mẹ của cậu bé đã vội vàng đưa tới bệnh viện kiểm tra, tuy nhiên bác sĩ kết luận kết quả chụp CT cho thấy não bộ cậu bé hoàn toàn bình thường.
Ông bố nghi ngờ chính việc dùng điện thoại chơi điện tử suốt 9 tiếng mỗi ngày của con trai là nguyên nhân.
Đây không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến việc sử dụng điện thoại liên tục ở trẻ em. Thời gian gần đây, bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) đã liên tục tiếp nhận những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi phải vào điều trị tâm thần vì nghiện điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về tác hại của việc sử dụng quá nhiều smartphone với trẻ em, PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đưa ra cảnh báo: “Đưa smartphone cho trẻ em cũng giống như đưa cho chúng cocaine.
Việc nghiện smartphone là một yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em như tình trạng trầm cảm, lo âu rối loạn cảm xúc, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn tập trung, rối loạn hành vi...
Thậm chí, việc dành quá nhiều thời gian cho thiết bị di động còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giấc ngủ của các bé”.
Việc sử dụng điện thoại thông minh một cách quá mức sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cả về sức khoẻ và tâm lý cho trẻ. Thế nhưng, trong thời đại 4.0 việc trẻ tiếp cận với các thiết bị công nghệ là không thể tránh khỏi. Vậy làm sao để hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu từ công nghệ tới trẻ?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thu Hương cho biết: “Việc cấm, quát nạt để trẻ không sử dụng smartphone là điều rất khó, thay vào đó các vị phụ huynh nên bắt đầu thay đổi từ chính bản thân mình và làm gương cho con. Ngoại trừ khi ngồi vào bàn làm việc, còn lại cha mẹ không nên sử dụng điện thoại trong lúc sinh hoạt gia đình mà hãy trò chuyện với trẻ nhiều hơn.
Ngoài ra, để quản lý tần suất và thời gian các con sử dụng điện thoại thông minh thì các bậc phụ huynh nên tránh cổ suý cho việc con biết dùng điện thoại sớm là giỏi, mà thay vào đó hãy hướng con tới những hoạt động ngoại khoá, vui chơi bổ ích nhiều hơn ví dụ như cho trẻ ra ngoài chơi thể thao, học năng khiếu,... Và nên ngắt kết nối mạng để con không sử dụng smartphone quá nhiều”.
PGS.TS Trần Thu Hương cũng khuyến cáo thêm: “Để quản lý thời gian các con sử dụng điện thoại phụ huynh cần kiên nhẫn, và duy trì đều đặn để tạo thành thói quen cho bé thay vì sau một thời gian lơ là thì đâu lại vào đấy.
Khi các con có dấu hiệu bị trầm cảm hay lệ thuộc quá mức vào điện thoại với các biểu hiện bất thường như: Mất ngủ, cáu gắt, bạo lực để có thể dùng smartphone,… thì việc đưa bé đến thăm khám tại các cơ sở y tế là cần thiết để được tư vấn và điều trị kịp thời nhất”.
Ánh Nguyễn- Nhật Lệ