Vì sao mắc Covid-19 gây mất khứu giác?
Khứu giác là một giác quan thường bị đánh giá thấp và nhiều người không nhận ra nó thực sự quan trọng như thế nào cho đến khi nó không hoạt động bình thường. Đặc biệt, khứu giác liên quan đến cảm xúc và trí nhớ, nó cung cấp cho chúng ta hương vị và giúp cảnh báo về những mùi nguy hiểm.
Covid-19 có thể ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Trong khi một số người nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện các triệu chứng, những người khác thì không. Các triệu chứng cũng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nhưng những triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, đau nhức cơ thể, mất khứu giác và vị giác, ớn lạnh, khó thở. Mất khứu giác hoàn toàn hoặc một phần là một trong những triệu chứng được báo cáo sớm nhất và phổ biến nhất của Covid-19.
Tình trạng không thể ngửi được mùi còn có tên gọi là anosmia. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, mất khứu giác, vị giác trở thành vấn đề được quan tâm.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, rối loạn chức năng khứu giác là phổ biến và là triệu chứng đầu tiên của nhiễm trùng Covid-19. Do đó, bạn nên tự cách ly và đi xét nghiệm Covid-19 khi có thể. Nó cũng phổ biến trong các bệnh đường hô hấp trên do virus khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, nhưng hiếm khi đây là triệu chứng duy nhất hoặc đầu tiên trong những trường hợp đó.
Cơ chế mất mùi cơ bản trong Covid-19 vẫn đang được tiếp tục khám phá khi nhiều nghiên cứu đang được thực hiện. Tuy nhiên, một số giả thuyết và quan sát ban đầu có thể giải thích tại sao việc mất khứu giác và vị giác xảy ra nhiều ở bệnh nhân Covid-19 ngay cả khi không có các triệu chứng nghẹt mũi khác như với SARS, cảm lạnh và cúm.
Trong một tỉ lệ nhỏ những người bị nghẹt mũi và chảy nước mũi, sự tắc nghẽn vật lý của mũi với chất nhầy sẽ làm giảm mùi. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân Covid-19 bị mất khứu giác thường không bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, và do đó, các cơ chế khác phải liên quan.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của rối loạn chức năng khứu giác vẫn chưa được hiểu hoàn toàn, nhưng nguyên nhân chủ yếu có thể là do tổn thương các tế bào hỗ trợ và hỗ trợ các tế bào thần kinh khứu giác, được gọi là tế bào trung tâm.
Những tế bào này có thể tái tạo từ tế bào gốc, điều này có thể giải thích tại sao khả năng ngửi mùi phục hồi nhanh chóng trong hầu hết các trường hợp.
Mất khứu giác khi bị Covid-19 bao lâu khỏi?
Nhiều người mắc Covid-19 tự hỏi liệu mất vị giác và khứu giác kéo dài bao lâu? Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Internal Medicine, rối loạn chức năng khứu giác (mất khứu giác hoặc vị giác) phổ biến hơn ở các trường hợp Covid-19 nhẹ và mất khoảng 22 ngày để hồi phục. Nghiên cứu cũng tiết lộ, 95% bệnh nhân phục hồi chức năng khứu giác sau 6 tháng sau khi nhiễm bệnh.
Ngoài Covid-19, mất khứu giác có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm dị ứng, viêm xoang hoặc các chất kích ứng từ môi trường.
Các biện pháp tại nhà để lấy lại khứu giác
Theo VOV, nếu bạn đang gặp phải tình trạng mất khứu giác do Covid-19 hoặc các lý do khác, hãy thử áp dụng những biện pháp tự nhiên dưới đây để lấy lại khứu giác.
Rèn luyện khứu giác: Có những biện pháp can thiệp y tế đối với chứng mất khứu giác tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các bác sĩ cũng khuyên bạn nên rèn luyện khứu giác như một chiến lược bổ sung tại nhà. Trong phương pháp này, bạn phải ngửi một loạt 4 mùi mạnh có thể tìm thấy trong nhà, hoặc bạn có thể sử dụng 4 loại tinh dầu khác nhau. Nhẹ nhàng ngửi từng mùi trong 20 giây và lặp lại quy trình này 3 lần/ngày trong 6 tuần.
Dùng dầu thầu dầu: Dầu thầu dầu đã được sử dụng như một phương pháp điều trị xông mũi, hoặc điều trị thông mũi nhằm phục hồi chứng mất mùi trong y học cổ truyền Ayurveda. Các chuyên gia cho biết, thành phần hoạt tính của nó, axit ricinoleic, giúp chống lại nhiễm trùng, giảm sưng tấy đường mũi và viêm do cảm lạnh, dị ứng.
Cách làm: Nhỏ 2 giọt dầu thầu dầu ấm vào mỗi lỗ mũi 2 lần/ngày vào buổi sáng và ngay trước khi ngủ. Đảm bảo rằng nó không bị nóng.
Rửa mũi bằng nước muối: Rửa bằng nước muối là một phương pháp khắc phục hiệu quả chứng mất mùi do dị ứng hoặc nghẹt mũi. Nó giúp đẩy chất gây dị ứng và chất nhầy ra khỏi khoang mũi.
Cách làm: Để làm dung dịch nước muối tại nhà, hãy cho một thìa cà phê muối và một thìa cà phê baking soda vào một cốc nước cất. Bây giờ, sử dụng một ống tiêm y tế, nhỏ dung dịch vào một lỗ mũi. Khi bạn làm điều đó, hãy nghiêng đầu về phía sau. Để nó chảy ra khỏi miệng và lặp lại ở lỗ mũi bên kia. Làm điều này vài lần mỗi ngày.
Uống trà gừng: Các chuyên gia về bệnh lý thần kinh khuyên bạn nên uống trà gừng để điều trị chứng mất khứu giác ở nhà. Trà gừng giúp giảm viêm đường thở mũi và ngăn ngừa sự hình thành chất nhầy dư thừa gây tắc nghẽn đường mũi, gây mất khứu giác. Bạn có thể sử dụng gừng sống hoặc bột để pha chế đồ uống thảo dược này.
Tự xoa bóp bấm huyệt: Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược Tp.HCM chia sẻ trên Zing, mất khứu giác là một trong những tác động của SARS-CoV-2 gây tổn thương tế bào hỗ trợ thần kinh trong mũi. Do đó, nếu có triệu chứng này, bạn có thể thực hiện các động tác tự xoa bóp bấm huyệt, tác động vào vùng mũi xoang.
Bài tập sẽ giúp lưu thông khí huyết, dòng máu được tăng cường tuần hoàn đến các khu vực này sẽ tăng quá trình thực bào, tiêu diệt mầm bệnh.
Bên cạnh đó, dòng máu mang dinh dưỡng giúp các tế bào khứu giác bị tổn thương được nuôi dưỡng và phục hồi nhanh chóng.
Động tác xoa mũi dưới đây có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng mất khứu giác:
Tư thế ngồi hoa sen hoặc ngồi bình thường, 2 ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay khép lại, thực hiện các động tác nhỏ:
Xoa thân mũi: Dùng 2 ngón trỏ và ngón giữa xoa mũi từ dưới lên và trên xuống cho ấm đều, đồng thời thở vô - ra mạnh 10-20 lần.
Day sụn mũi, xương mũi: Để ngón tay chỗ giáp giới giữa xương mũi và xương sụn mũi, day huyệt 10-20 lần.
Day huyệt nghinh hương: Dùng 2 ngón tay trỏ ấn mạnh vào huyệt nghinh hương ngang cánh mũi, trên rãnh mũi - má và day huyệt ấy 10-20 lần.
Xoa chân cánh mũi: Dùng bàn tay cạnh ngón tay trỏ bên này áp vào cánh mũi bên kia, xoa mạnh lên xuống 10-20 lần.
Vuốt và bẻ mũi: Vuốt đều mũi và bẻ đầu mũi qua lại.
Các động tác này có tác dụng làm ấm mũi và khí huyết lưu thông vùng mũi, chữa chứng nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng, sổ mũi, giảm khứu giác.
Người bệnh cần bình tĩnh tập luyện tự xoa bóp bấm huyệt như hướng dẫn và tuân thủ chỉ định điều trị. Mất/giảm khứu giác có thể cải thiện và khả năng hồi phục sau thời gian kiên trì tập luyện.
Chúng ta cần lưu ý và cố gắng ăn uống đầy đủ trong giai đoạn này nên chia nhỏ bữa và cố ăn đủ chất, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu và tái khám khi có các triệu chứng trở nặng để được điều trị kịp thời.
Trúc Chi (t/h)