Măng là mầm non của tre nứa..., được gọi bằng nhiều tên khác nhau như duẩn, mao duẩn, trúc duẩn, trúc nha. Đối với nhiều nước ở phương Đông, măng là một trong những loại thực phẩm thông dụng. Ở nước ta, măng cũng là một nguyên liệu được dùng để chế biến nhiều món ăn được mọi người ưa thích.
Trước đây, có quan niệm cho rằng măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí không ít người nghĩ rằng ăn nhiều măng sẽ “hại máu”. Nhưng, kỳ thực đây là một trong những loại thực phẩm rất có giá trị, nhất là trong thời buổi hiện nay khi người ta nhiều khi quá ham đồ béo bổ, tinh chế mà bỏ quên các thực phẩm có nhiều chất xơ.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng có chứa khá nhiều thành phần dinh dưỡng. Theo các tài liệu của Trung Quốc, cứ mỗi 100g măng có chứa 4,1g protid (protid chứa trong măng có tới 16 loại acid amin), 0,1g lipid, 5,7g glucid, 22mg Ca, 56mg Photpho, 0,1g Fe, 0,08mg caroten, 0,08 mg vitamin B1, 0,08mg vitamin B2, 0,6mg vitamin B3, 1,0mg vitamin C.
Ngoài ra, trong măng còn chứa khá nhiều Mg và rất giàu chất xơ. Với hàm lượng chất béo, chất đường rất thấp và giàu chất xơ, măng là loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa, phòng chống có hiệu quả tình trạng béo phì, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, bệnh táo bón, bệnh ung thư đại tràng và ung thư vú.
Cách chọn măng khô ngon và an toàn
Vì mục đích lợi nhuận nên một số người buôn bán đã lạm dụng hóa chất độc hại như lưu huỳnh để măng khô được bảo quản lâu hơn, tạo màu đẹp hấp dẫn bán cho người tiêu dùng.
Thực tế, lưu huỳnh trước đây được dùng để bảo quản thuốc bắc rất nhiều nhưng với tỷ lệ thấp. Nhưng hiện nay tại các cơ sở sản xuất lạm dụng lưu huỳnh trong xông, sấy khô măng rất nhiều, nồng độ lưu huỳnh cao ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo khuyến cáo của WHO, hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá 20mg cho một kg sản phẩm. Tuy nhiên theo khảo sát cho thấy lượng lưu huỳnh trong măng khô trôi nổi thường vượt ngưỡng mà WHO khuyến cáo. Nếu ăn phải thực phẩm có chứa lưu huỳnh nồng độ cao lâu dài sẽ gây kích ứng niêm mạc, gây viêm đường tiêu hóa, tổn thương về thần kinh, hành vi, hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, chức năng sinh sản, nhiễm độc máu, suy thận...
Bởi vậy, khi lựa chọn măng làm thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ cần có kiến thức nhất định để lựa chọn và chế biến măng để loại bỏ các chất gây hại.
Măng khô chính là măng lưỡi lợn và măng lá. Khi ăn măng lưỡi lợn sẽ cho cảm giác dày miếng và giòn sần sật còn măng lá thì sẽ ngấm gia vị hơn. Tùy sở thích để bạn có thể chọn loại măng mình muốn nấu.
- Măng nguyên chất có mùi măng thơm nhẹ do được phơi nắng. Không chọn măng có mùi lạ, (rất có thể là mùi lưu huỳnh bay ra)
- Không chọn mua măng có màu sắc quá bóng loáng hoặc màu sắc khác thường.
- Không chọn măng xuất hiện các vết lốm đốm do mốc.
- Hạn chế mua măng trái mùa thu hoạch thông thường.
- Măng không sử dụng hết, đậy kín để tủ lạnh ngăn mát trong 1 tuần hoặc 1 tháng đối với ngăn đá.
Cách loại bỏ độc tố trong măng khô
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để loại bỏ hoàn toàn các độc tố tự nhiên trong măng khô như axít xyanhydric hoặc lưu huỳnh, cần ngâm và luộc kỹ măng trước khi chế biến món ăn. Trước tiên rửa sạch măng, sau đó ngâm trong nước ấm hoặc nước vo gạo ít nhất năm - sáu giờ để măng nở mềm, tốt nhất là ngâm qua đêm. Trong lúc ngâm, nên thường xuyên thay nước để lọc vị đắng.
Sau khi măng nở mềm, vớt ra để ráo nước rồi cho vào nồi đổ nước ngập mặt để luộc chín. Luộc măng với lửa vừa và tốt nhất nước trong nồi phải đầy. Có thể luộc khoảng hai-ba lần, mỗi lần cách nhau 30 phút, đồng thời đổ bỏ nước luộc cũ, thay nước mới sau mỗi lần luộc. Đến khi nước luộc trở nên trong và măng mềm thì vớt ra, chờ nguội và ráo nước, xé nhỏ thành sợi để chuẩn bị chế biến món ăn.
Tuyệt đối không dùng măng đã bị mốc, măng có mùi lạ. Vì dù luộc, ngâm kỹ lưỡng cũng không hết độc tố.
Lam Anh (Tổng Hợp)