Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa, nhưng có các triệu chứng nhẹ hơn. Sau khi bệnh đậu mùa được tuyên bố xóa sổ vào năm 1980, các quốc gia đã dừng các chương trình tiêm chủng hàng loạt, một động thái mà một số chuyên gia tin rằng có thể giúp bệnh đậu mùa khỉ lây lan hiện nay. Vắc-xin đậu mùa cũng có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lewis, cũng không chắc những người trước đây đã được tiêm vắc-xin đậu mùa có thể còn bao nhiêu khả năng miễn dịch, vì lần tiêm gần nhất cũng đã là hơn bốn thập kỷ trước.
Dưới đây là cách phân biệt đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu:
Hai căn bệnh này đều do virus gây ra
Thủy đậu do Varicella Zoster virus (VZV), không cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa ở khỉ. Nó là một thành viên của gia đình Herpesviruses. Người ta đã xác nhận rằng phát ban do hai loại virus này biểu hiện khác nhau trên da.
Trong khi đó virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae, không liên quan đến VZV. Bệnh đậu mùa khỉ là anh em họ của bệnh đậu mùa.
Cách nhận biết khi nhìn qua da
Mặc dù cả hai bệnh đều gây phát ban với các mụn nước nhỏ, nhưng có sự khác biệt về loại phát ban và sự phân bố của phát ban trên da.
Thủy đậu chỉ ảnh hưởng đến một phần của cơ thể nhưng bệnh đậu mùa khỉ có thể ảnh hưởng đến toàn bộ.
Bệnh đậu mùa khỉ có các tổn thương đồng bộ, tất cả các tổn thương thường trông giống nhau ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Các tổn thương da do virus đậu mùa khỉ thường có các hạch bạch huyết sưng lên có màu trắng trong khi bị thủy đậu, không sưng và thường có màu đỏ.
Triệu chứng phát bệnh
Sốt: Phát ban trong đậu mùa khỉ xuất hiện từ 1 đến 5 ngày trong khi ở bệnh thủy đậu xuất hiện từ 1 đến 2 ngày sau khi sốt.
Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ từ 5 đến 21 ngày trong khi bệnh thủy đậu kéo dài từ 4 đến 7 ngày.
Phương thức lây lan của hai căn bệnh này là gì?
Bệnh thủy đậu:
Bệnh thủy đậu dễ lây lan từ những người bị bệnh thủy đậu sang những người khác chưa từng mắc bệnh hoặc chưa từng được tiêm phòng.
Nếu một người mắc bệnh này thì có tới 90% những người gần gũi với người đó không được miễn dịch cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
Virus lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh thủy đậu.
Một người đã từng bị thủy đậu hoặc được chủng ngừa hiếm khi bị nhiễm lại. Đối với những người bị nhiễm lại, các triệu chứng cũng ít nghiêm trọng hơn.
Các kỹ thuật khuếch đại DNA như xét nghiệm PCR có thể được sử dụng để kiểm tra các tình trạng này và giúp phân biệt loại virus nào đang gây phát ban.
Bệnh đậu mùa khỉ:
Virus gây đậu mùa khỉ có thể lây lan từ động vật sang người qua vết cắn hoặc vết xước của động vật bị nhiễm bệnh, khi tiếp xúc với động vật hoang dã, hoặc qua việc sử dụng các sản phẩm làm từ động vật bị nhiễm bệnh.
Có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể hoặc vết loét trên người bị nhiễm bệnh hoặc với các vật liệu đã chạm vào dịch cơ thể hoặc vết loét, chẳng hạn như quần áo hoặc khăn trải giường.
Sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi (có thể dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh) hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Cách phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Mặc dù các chuyên gia y tế đều cho rằng rủi ro đối với cộng đồng là thấp, nhưng bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm virus.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) và WHO, bạn cần:
- Tránh tiếp xúc với những người gần đây được chẩn đoán nhiễm virus đậu mùa khỉ hoặc những người đã bị nhiễm bệnh.
- Đeo khẩu trang nếu bạn tiếp xúc gần với người có triệu chứng.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và theo dõi các triệu chứng nếu gần đây bạn đã thay đổi bạn tình.
- Tránh tiếp xúc với động vật có thể mang virus, bao gồm động vật bị bệnh hoặc chết và đặc biệt là những động vật có tiền sử nhiễm bệnh, chẳng hạn như khỉ, động vật gặm nhấm và chó đồng (cầy thảo nguyên).
- Thực hành tốt vệ sinh tay như rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Sử dụng đồ bảo hộ cá nhân khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
- Chỉ ăn thịt động vật đã được nấu chín kỹ, rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền qua các bề mặt và vật dụng, vì vậy bạn nên tránh chạm vào các đồ dùng đã tiếp xúc với người hoặc động vật bị bệnh.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết: “Đây là một loại virus siêu bền bên ngoài vật chủ là con người, vì vậy nó có thể sống trên các vật thể như chăn, ga trải giường, khăn mặt,…”.
“Bạn cần thường xuyên giặt quần áo và ga trải giường ở nhiệt độ cao”, ông Emmanuel Andre, giáo sư y khoa tại Đại học Ku Leuven của Bỉ, khuyến nghị.
WHO nhận định số ca đậu mùa khỉ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm
Theo WHO, hơn 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được chẩn đoán ở 20 quốc gia trên thế giới, phần lớn ở Anh. Bỉ tuần trước đã trở thành quốc gia duy nhất tuyên bố bắt buộc cách ly 21 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh. Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO, Hans Kluge, bày tỏ lo ngại rằng căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng trong mùa lễ hội mùa hè, do bản chất lây truyền qua đường tình dục của hầu hết các trường hợp đã được xác nhận.
Trong một phiên họp công khai hôm 30/5, tiến sĩ Rosamund Lewis - Giám đốc kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ của Chương trình Y tế Khẩn cấp WHO cho biết, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng phần lớn các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hàng chục quốc gia trên toàn cầu là người đồng tính nam, song tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Bà kêu gọi những người có nguy cơ phải cẩn thận, đồng thời thúc giục các nhà khoa học nghiên cứu thêm về vấn đề này, bởi đây là phương thức lây lan mà trước đó có thể ít được công nhận.
“Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về đại dịch toàn cầu, nhưng chúng tôi lo ngại rằng các cá nhân có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với nguy cơ cao nếu họ không có thông tin cần thiết để tự bảo vệ mình”, AP dẫn lời bà Lewis nói.
Trước đó, một cố vấn hàng đầu của WHO cho biết, dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở Châu Âu, Mỹ, Israel, Australia và xa hơn nữa có thể liên quan đến quan hệ tình dục. Điều đó đánh dấu một sự khác biệt đáng kể so với mô hình lây lan điển hình của căn bệnh này ở miền Trung và miền Tây Châu Phi, nơi con người chủ yếu bị lây nhiễm bởi các loài động vật như động vật gặm nhấm và linh trưởng hoang dã.
WHO cảnh báo nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được chẩn đoán. Hàng trăm trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán trong tháng qua trên khắp Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, Israel, UAE và Australia có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” - Giám đốc chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và Đại dịch của WHO, bà Sylvie Briand cảnh báo.
Ngoài ra bà Briand cho biết thêm, có thể có nhiều trường hợp khác không được phát hiện trong cộng đồng, vì bệnh đậu mùa khỉ không biểu hiện ngay với các triệu chứng rõ rệt. Những người bị nhiễm ban đầu có triệu chứng giống cúm như sốt, đau nhức cơ và sưng hạch bạch huyết, sau đó phát ban giống thủy đậu trên mặt và cơ thể. Mặc dù cho đến nay chưa có cách chữa trị nào được biết đến, nhưng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thường biến mất trong vòng hai đến bốn tuần.
Ưu tiên của WHO là ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay trước khi căn bệnh này xâm nhập vào các khu vực mới.
Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Lao Động)