Nhiều ngày qua, Hà Nội thường xuyên đứng trong top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi chỉ số AQI luôn ở mức xấp xỉ 200. Điều này khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng và bất an. Dù ra đường ai cũng tự bảo vệ mình bằng kính, mũ, khẩu trang nhưng vẫn không thể tránh được bụi siêu mịn, đặc biệt là trẻ nhỏ, khi chúng chưa biết tự bảo vệ bản thân.
Vì vậy, người dân đã nghĩ ra nhiều cách để đối phó với bụi và họ đã phải đưa con “đi trốn” khỏi khó bụi thành phố.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thúy (SN 1986, quê Nam Định) cho hay: “Không khí ô nhiễm nặng khiến tôi lo lắng vô cùng. Con trai tôi lại thường xuyên mắc những bệnh về hô hấp. Mặc dù ra đường tôi có đeo khẩu trang cho cháu cẩn thận nhưng vẫn không tránh được bụi. Không còn cách nào khác để bảo vệ sức khỏe cho con nên tôi đã gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc một thời gian. Bản thân tôi cũng đang bầu bí, mấy ngày nay thấy khó thở và không làm được việc gì”.
Cũng theo sự chia sẻ của chị Thúy, nếu cứ tình trạng không khí ô nhiễm như thế này chắc chị sẽ phải chuyển về quê sống. “Ngày nào ra đường cũng khói bụi, không bệnh nọ thì tật kia. Về quê sống không khí trong lành, con tôi khỏe lên trông thấy. Cháu không còn ho nhiều như trước nữa”, chị Thúy bày tỏ.
Khác với gia đình chị Thúy, gia đình chị Trang tại Hà Đông (Hà Nội) thì tranh luận gay gắt về việc nên đưa con về quê hay ở lại. Chị Trang cho biết: “Tôi thì muốn đưa con về nhờ bà ngoại chăm một thời gian, khi nào không khí trong lành hơn thì lên nhưng chồng tôi nhất định không chịu. Anh bảo, ô nhiễm ra đường bịt khẩu trang lại. Hơn nữa, về quê cũng đốt rơm rạ khá nhiều, vậy ô nhiễm ở đấy chứ đâu. Tôi có giải thích thế nào anh cũng khăng khăng cho là mình đúng. Chỉ đến khi anh thấy một vài người bạn đưa con về quê “trốn bụi" thì anh mới đồng ý với ý kiến của tôi. Cho con về quê thì bố mẹ sẽ nhớ nhung lắm. Nhưng, phải chịu thôi, tất cả về sức khỏe của con".
Về việc ô nhiễm không khí, bụi bặm nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao. Đây là một hiện tượng khá bất thường và đáng lo ngại. Khi chỉ số chất lượng không khí lên tới ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người như những ngày vừa qua, bụi mịn sẽ tấn công phổi của con người.
Ông Hoàng Dương Tùng còn cho biết: “Bụi mịn xuất hiện hiện nay nhiều nhà khoa học đã nói nhiều và có cả bằng chứng khoa học nó là “kẻ giết người thầm lặng”. Nguy hiểm ở chỗ nó siêu nhỏ nên nhiều người chủ quan, khi ra đường hít phải bụi mịn nó sẽ chui sâu vào phổi, gây ra bệnh phổi, hen xuyễn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc đốt rơm rạ cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, về việc này, ông Hoàng Dương Tùng cho hay: “Đây chính xác là một nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Việc đốt rác, rơm rạ sinh ra bụi mịn. Việc phụ huynh đưa con về quê cũng là một cách. Nhưng không phải lâu dài cũng như khả quan. Vì, ở quê mùa màng nhiều, có đảm bảo không có việc đốt rơm rạ và rác. Như thời gian qua, tại Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... đốt rơm rạ bụi mù”.
Trước đó, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Do đó, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài, khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Mai Thu