Mới đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững”.
Tại tọa đàm này, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho rằng môi trường nước hồ và các sông ở Hà Nội đang bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng, nên việc bổ cập nước cho hồ và sông là hết sức cần thiết. Từ đó, công ty đưa ra 3 nguồn nước chính cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; lấy nước từ sông Hồng.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 10/2016, Dự án Hệ thống xử lý nước thải bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha được chính thức khởi công, với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD nhưng đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thiện. Trước đó không lâu, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch như sông Thames (nước Anh) của một tập đoàn cũng nhận được nhiều sự chú ý.
Trước thông tin về đề xuất của công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, không ít người cũng tỏ ra băn khoăn trước việc bổ cập nước này liệu có khả thi?
Từ câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, chuyên gia cầu đường Hoàng Minh Sơn. Theo chuyên gia Hoàng Minh Sơn, muốn thay nước sông Tô Lịch trước mắt cần phải xử lý dứt điểm xong việc nước thải đổ ra sông, cụ thể là sau khi dự án thu gom nước 800 triệu USD nêu trên được hoàn thành.
Thưa ông, theo ông đề xuất bổ cập nước sông Tô Lịch nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững liệu có khả thi? Có thể “cứu sống” được sông Tô Lịch?
Theo tôi, cách này muốn phát huy thì trước hết chúng ta phải xử lý được hệ thống nước thải đổ về sông. Sau đó mới tính đến việc dẫn nước sạch từ nơi khác về.
Vậy, để xử lý được nước thải xuống sông, theo ông cần phải có giải pháp căn cơ nào?
Để xử lý được nước thải, như dự án nêu trên thì tách riêng hệ thống nước thải hiện đang đổ sông Tô Lịch thành hệ thống đi riêng đến nơi cần phải xử lý trong tương lai. Phía thượng lưu sông Tô Lịch gần hồ Tây nên sau này nếu xử lý dứt điểm hệ thống nước thải thì nước sông Tô Lịch có thể lấy từ nguồn nước sạch tự nhiên như kết nối với sông Hồng. Sau đó hồ Tây và sông Tô Lịch có thể được kết nối để tạo thành hệ thống sông – hồ hài hòa.
Thêm nữa, các giai đoạn tiếp theo nếu xử lý các sông Nhuệ, sông Kim Ngưu…thì kết nối thành hệ thống các sông với nhau. Nhưng để sông Tô Lịch luôn luôn chảy và lấy nước tự nhiên thì phải tính đến thủy văn, thủy lực, tức là phải tính toán cao độ của đáy sông, độ dốc của đáy sông, mặt cắt của lòng sông, vận tốc và lưu lượng để có sự điều tiết phù hợp. Nguyên tắc của con sông là phải luôn luôn chảy.
Theo ông, việc bổ cập nước để cho dòng xanh, phát triển bền vững có hiệu quả?
Như tôi nói ở trên, muốn bền vững phải có phương án cho hệ thống nước thải đổ ra sông, rồi bước tiếp theo tính toán về thủy lực thủy văn mới kết nối với sông Hồng được. Còn nếu chưa xử lý hệ thống nước thải và cứ để nước thải đổ ra sông thì bùn thải phải nạo vét liên tục, bởi nước thải trong cống ra thì lượng bùn càng ngày càng lớn, mặt cắt sẽ thay đổi và sông sẽ trở thành sông chết.
Tôi lấy ví dụ thực tế: Khi có mưa lớn, thì lượng nước đổ vào sông Tô Lịch rất lớn, nhưng sông Tô Lịch không thể sạch hẳn được. Phải 20 năm nay, nước sông Tô Lịch sạch nhất là ở thời điểm lụt lịch sử năm 2008, còn lại chưa bao giờ nước sông Tô Lịch sạch. Nên giải pháp này xử lý dứt điểm nước thải, rồi mới đưa nước tự nhiên từ sông Hồng vào.
Xin cảm ơn ông!